Báo chí quốc tế: Nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm 'bật dậy'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

WB chờ đợi tăng trưởng của Việt Nam bật dậy, ở mức tối thiểu là 6% cho năm 2022 trong khi Vietnam Holding cho rằng Việt Nam vẫn là nền kinh tế châu Á phát triển nhanh chóng.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Trong tuần qua, nhiều tờ báo, trang tin quốc tế đã có bài đánh giá về tiềm năng kinh tế Việt Nam, đồng thời tin tưởng kinh tế sẽ sớm phục hồi trong thời gian ngắn.

Đài RFI ngày 19/10 dẫn ý kiến của Jacques Morisset, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội, cho hay WB chờ đợi tăng trưởng của Việt Nam bật dậy, ở mức tối thiểu là 6% cho năm 2022.

WB lạc quan vì những yếu tố nền tảng vẫn tồn tại của nền tảng kinh tế, đó là Việt Nam duy trì được sự ổn định về đối nội; kiểm soát được những bất cân đối cả về mặt ngân sách lẫn ngoại thương, lạm phát; dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng đang ở mức khá cao từ nhiều năm qua… Nói cách khác, nhiều chỉ số kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc.

Nhà kinh tế trưởng WB cho rằng để có thể nhanh chóng bình phục như mùa Xuân 2020, Việt Nam phải đối mặt với 2 trở ngại, đó là nhiều người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian dịch bùng phát, đồng thời hoạt động xuất khẩu - mũi nhọn kinh tế của Việt Nam - bị khựng lại từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này khẳng định COVID-19 cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành nền kinh tế “phát triển hơn.” Theo ông, những thách thức do đại dịch cũng là cơ hội để chính phủ tiến hành những biện pháp cải cách để Việt Nam thực hiện tham vọng trở thành một nền kinh tế phát triển hơn trong những năm tới.

Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đẩy mạnh những phát minh về công nghệ, nâng cao đầu tư vào công việc đào tạo nhân sự.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn có những lợi thế cạnh tranh tương đối, ví dụ như nhân công rẻ, khiến đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Cùng chung nhận định, chuyên trang về thị trường tài chính thearmchairtrader.com ngày 20/10 cho rằng Việt Nam có nền tảng kinh tế rất mạnh và sẽ ngày càng tốt lên.

Theo bài viết, Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có khả năng chống chọi tốt với đại dịch COVID-19 và cũng có thể hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong khu vực.

Vietnam Holding, quỹ đầu tư niêm yết tại London chuyên đầu tư vào các công ty tăng trưởng cao có trụ sở tại Việt Nam cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi tốt nhất trên thế giới khi đại dịch qua đi.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là một trong những thị trường hoạt động tốt nhất ở châu Á, tăng hơn 23% trong năm 2021.

Vietnam Holding cho rằng Việt Nam vẫn là nền kinh tế châu Á phát triển nhanh chóng. Tăng trưởng GDP vững chắc và dân số đông đã tiếp sức cho Việt Nam cạnh tranh hiệu quả với các nước trong khu vực trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp nặng.

Trong khi đó, trang dhakatribun.com của Bangladesh ngày 19/10 cho rằng bất chấp những thách thức to lớn, Việt Nam đã đạt được chỗ đứng ổn định trong bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu và quyền lực mềm, hỗ trợ các công ty Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh.

Theo trang này, trước đại dịch, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong cải cách kinh tế và thể chế. Việt Nam cũng tự hào là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên thế giới.

Từ một nền kinh tế khép kín sang hội nhập toàn cầu, đặc biệt là cách ứng phó với COVID-19, chứng tỏ Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy, không chỉ về thương mại và đầu tư, mà còn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

COVID-19 cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội của Việt Nam, song cách thức vượt qua khó khăn, giảm tác động tiêu cực, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng bền vững đã khiến thế giới nhìn Việt Nam theo hướng tích cực và nể trọng hơn. Điều này được thể hiện rõ trong sự tăng trưởng của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Việt Nam là thương hiệu quốc gia phát triển nhanh nhất trong bảng xếp hạng năm 2020 của Brand Finance. Trong khi hầu hết các quốc gia đều “mất giá” do cuộc khủng hoảng COVID-19, Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 với giá trị thương hiệu tăng vọt 29% lên 319 tỷ USD.

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở ASEAN vươn lên trong bảng xếp hạng Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021, tăng ba bậc từ thứ 50 lên thứ 47 trong tổng số 60 quốc gia.

Các chỉ số này cùng với sự cải thiện trong các bảng xếp hạng khác đã ghi nhận kết quả đổi mới của Việt Nam trong 35 năm qua, đồng thời chứng tỏ tính hiệu quả của lộ trình phát triển đất nước, không chỉ so với chính Việt Nam mà còn với các nước khác trên thế giới.

Nhiều công ty Việt Nam cũng đang nâng cao giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Hòa mình vào các xu hướng lớn, chính sách phát triển của Việt Nam gắn liền với các xu hướng mới, tạo dựng hình ảnh một quốc gia phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng bao trùm.

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.