Thời báo Châu Á cho rằng "ngoại giao COVID-19" giúp Việt Nam có thể trở thành nước thắng lớn thời kỳ hậu đại dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19 ngày 14.4. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
"Ngoại giao COVID-19"
Thông qua việc thắt chặt biên giới sớm và hiệu quả, minh bạch thông tin cùng chính sách ngoại giao COVID-19 chiến lược, Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng để trở thành một quốc gia chiến thắng sau đại dịch - bài viết “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thắng lớn sau đại dịch COVID-19” đăng trên tờ Asia Times (Thời báo Châu Á) ngày 16.4 cho biết.
Đối với một quốc gia từ lâu đã tìm cách bảo đảm vai trò đáng tin cậy và có trách nhiệm trên toàn cầu, sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 và tác động tối thiểu đối với Việt Nam đã mang đến những cơ hội mới mà các nhà phân tích khủng hoảng nói rằng Việt Nam đang nắm chắc trong tay.
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia và là một chuyên gia về Việt Nam cho biết Việt Nam đã nhanh chóng ghi tên vào “phiên bản ngoại giao COVID-19”, một bước đi mà Trung Quốc cùng nhiều nước khác đang triển khai tương tự để đạt hiệu quả chiến lược.
Việt Nam gần đây đã đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế và quyên góp cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Đức và Vương quốc Anh.
5 quốc gia Châu Âu trong nhóm trên đều đã đàm phán các thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam trong những năm gần đây - giáo sư Carl Thayer lưu ý.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink trong buổi lễ Việt Nam tặng vật tư y tế cho Mỹ ngày 16.4. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng này đã cảm ơn “bạn bè của chúng tôi ở Việt Nam” trong một bài đăng trên Twitter sau khi Mỹ nhận được 450.000 bộ quần áo bảo hộ được sản xuất tại các nhà máy Việt Nam do công ty hóa chất DuPont của Mỹ sở hữu và vận hành.
Việt Nam cũng đã tặng khẩu trang, nước khử trùng tay và các vật tư tư y tế chống COVID-19 khác cho hai nước láng giềng Campuchia và Lào.
“Đại dịch COVID-19 là một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tăng cường sức mạnh mềm, vì nó giúp truyền bá tinh thần hào phóng của người Việt đối với cộng đồng quốc tế” - ông Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K Inouye ở Honolulu, Hawaii cho biết.
Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại RAND Corporation - tập đoàn các chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington, nói rằng việc ứng phó đại dịch COVID-19 của Việt Nam, cũng như chính sách ngoại giao của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng, sẽ “giúp Việt Nam chứng minh giá trị gia tăng của mình với thế giới”.
Cơ hội kinh tế
Điều đó đã trở nên rõ ràng trong một số lĩnh vực trước đại dịch. Tờ Asia Times cho rằng Việt Nam là một trong số ít những nước hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khi các công ty đa quốc gia và các công ty khác di chuyển các nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura ước tính rằng nền kinh tế Việt Nam, có mức tăng 8% trong năm 2019, sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi trong chuỗi cung ứng.
Nhiều nhà phân tích hiện đang mong đợi Việt Nam sẽ nhận được phần lớn nhất của làn sóng di chuyển nhà máy thứ hai do đại dịch COVID-19.
Các chính trị gia ở Washington, Tokyo và một số thủ đô Châu Âu hiện đang nói công khai về sự cần thiết của việc “tách rời” khỏi nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả việc phá vỡ phụ thuộc nhập khẩu thiết yếu như vật tư y tế từ nguồn cung nước ngoài duy nhất.
“Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ sự đa dạng hóa này vì Việt Nam đã chứng tỏ sự thân thiện trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế đối với các công ty phương Tây. Trong nhiều trường hợp, Việt Nam sẽ là lựa chọn đầu tiên khi họ tìm một sự thay thế đáng tin cậy” - giáo sư Vuving đánh giá.
“ATM gạo” hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở Bình Định. Ảnh: N.TRI |
Sự thay đổi, nếu thực sự xảy ra, không thể là thời gian tốt hơn cho Việt Nam - Asia Times viết. Ngân hàng Thế giới dự báo trong trường hợp COVID-19 tồi tệ nhất, GDP của Việt Nam sẽ giảm 1,5% trong năm nay, giảm đáng kể từ khoảng 7% trong những năm gần đây.
Mặc dù điều này sẽ đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ, nhưng nó vẫn sẽ cao hơn nhiều so với hầu hết các nước láng giềng Đông Nam Á, bao gồm cả đối thủ sản xuất Thái Lan, hiện đang chính thức dự kiến tăng trưởng GDP âm 5,3% vào năm 2020.
Các nhà đầu tư thấy rõ sự khác biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam đã nổi lên là khu vực có hiệu suất sinh lời tốt nhất trong năm nay trong khi một số thị trường chứng khoán khác đã nghiêng về dự đoán thiệt hại kinh tế do COVID-19.
Một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác vào năm 2021, đặc biệt là nếu các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và EU di chuyển hàng loạt để chuyển các chuỗi cung ứng sau đại dịch ra khỏi Trung Quốc và vào Việt Nam.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng đến vào thời điểm ngoại giao quan trọng đối với Việt Nam. Năm nay, Việt Nam giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tuần này, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 theo hình thức trực tuyến, trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng ở một số quốc gia thành viên như Indonesia, Singapore và Philippines.
“Trong thời khắc nghiệt ngã này, sự đoàn kết của cộng đồng ASEAN tỏa sáng như ngọn hải đăng trong bóng tối” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc.
Theo Ngọc Vân (LĐO)