Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: 15 năm đồng hành cùng sự phát triển toàn vùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 17-7-2002, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra Quyết định số 46-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Ban chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên.

Thuận lợi và khó khăn

Tây Nguyên có lợi thế rất lớn về đất, trong đó nổi bật là đất đỏ bazan (khoảng 1,45 triệu ha) được xem là một trong các loại đất tốt nhất thế giới, cộng với sự đa dạng về tài nguyên, khí hậu, rừng, đem lại cho nơi đây những tiềm năng to lớn về nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Do nằm ở vị trí trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, có những hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có hệ thống đường giao thông liên hoàn nối với các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ; có các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông-Tây và không quá xa các cảng biển nước sâu như: Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội... nên Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Tây Nguyên cũng là vùng đất lý tưởng cho phát triển du lịch, bởi có những điều kiện thuận lợi để tạo nên những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, hấp dẫn, thông qua khai thác cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa tộc người.


 

Đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP. Pleiku đi Kon Tum. Ảnh: Minh Dưỡng
Đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP. Pleiku đi Kon Tum. Ảnh: Minh Dưỡng

Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, so với các vùng khác trong cả nước, điều kiện kinh tế-xã hội của Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Trong vùng còn thiếu lao động lành nghề, cán bộ khoa học-kỹ thuật; mức sống của nhân dân còn thấp, tỷ lệ người chưa biết đọc, biết viết còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn nhiều, trước hết là mạng lưới đường giao thông, các cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ kỹ thuật. Công nghiệp trong vùng mới ở trong giai đoạn hình thành, với các trung tâm công nghiệp nhỏ và điểm công nghiệp. Đây cũng là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế và tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị.

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với vùng Tây Nguyên và đã thu được nhiều thành tựu to lớn, song cũng bộc lộ những sơ hở, thiếu sót. Do đó, ngày 17-7-2002, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra Quyết định số 46-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

Thành tựu sau 15 năm

 

 Thành phố Pleiku-đô thị năng động của khu vực Bắc Tây Nguyên. Ảnh: Đ.T
Thành phố Pleiku-đô thị năng động của khu vực Bắc Tây Nguyên. Ảnh: Đ.T
Đến nay, toàn vùng Tây Nguyên đã có 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 20,5%) và 1 huyện nông thôn mới; có 7.587/11.400 tiêu chí đạt chuẩn (đạt 66,6%); số tiêu chí đạt chuẩn bình quân 12,65 tiêu chí/xã.

Sau khi Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập cộng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, đến nay, tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm toàn vùng đạt trên 10%, cao hơn mức tăng trưởng đề ra tại Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị 1-2%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và khu vực dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông-lâm-thủy sản. Vốn đầu tư phát triển tăng nhanh, bình quân hàng năm tăng khoảng 20%, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng bình quân 7,5%/năm, tập trung chủ yếu cho xây dựng kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, khai thác tiềm năng thế mạnh trong phát triển kinh tế. Nhiều mô hình liên kết giữa các địa phương trong vùng với nhau; liên kết giữa các địa phương trong vùng với các địa phương ngoài vùng; liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân; liên kết giữa doanh nghiệp với nhà khoa học, nhà quản lý và hộ nông dân đem lại hiệu quả cao.

Đến nay, mạng lưới giao thông Tây Nguyên có tổng chiều dài 39.812 km (gồm cả đường trục nội đồng), chiếm 7,33% của cả nước, với tỷ lệ được cứng hóa đạt 47,72%. Trong đó, quốc lộ dài 2.517 km, cứng hóa đạt 88,28%; tỉnh lộ dài 1.948 km, cứng hóa đạt 85,3%; đường giao thông nông thôn dài 35.347 km, cứng hóa đạt 42,76%; 100% số xã có đường xe ô tô từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND xã, có 99,83% đi được quanh năm.

Về thủy lợi, toàn vùng đã xây dựng, tu bổ hàng trăm công trình hồ chứa, đập dâng và trên 5.000 km kênh mương, đáp ứng 65% nhu cầu tưới của vùng. Có hơn 800 công trình cấp nước tập trung và nhiều công trình cấp nước phân tán đã hoàn thành đưa vào phục vụ cho trên 1,5 triệu người, đưa tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh lên 85,5%; có 100% xã và 99,29% thôn, làng có điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn là 98,10%. Công tác giáo dục-đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng và phát triển. Đến nay, tất cả các tỉnh trong vùng đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 90-95%; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao không ngừng phát triển; bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được duy trì và phát huy.

Mạng lưới tín dụng, ngân hàng không ngừng mở rộng, đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Kết cấu hạ tầng đô thị phát triển khá nhanh; từng bước hiện đại hóa mạng lưới bưu chính viễn thông, các nhà hàng, khách sạn và khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân.

Đặc biệt, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 36,4 triệu đồng, tăng gấp 12,7 lần so với năm 2001, bằng 80,8% mức bình quân chung của cả nước. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai liên tục, rộng khắp, bằng nhiều giải pháp có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm gần 3%.

An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được bảo đảm; công tác quân sự-quốc phòng địa phương được tăng cường; hoạt động đối ngoại được mở rộng và đi vào hợp tác phát triển. Các tỉnh đã chủ động và tăng cường trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự và tội phạm ma túy; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đấu tranh có hiệu quả và làm thất bại âm mưu tuyên truyền, lôi kéo đồng bào nhằm thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê-ga” của các thế lực thù địch và lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta; đảm bảo giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Hệ thống chính trị các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động.

Những thành tựu mà Tây Nguyên đạt được trong 15 năm qua rất đáng ghi nhận, đồng hành cùng cả nước trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

- GRDP bình quân đầu người quy USD giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 10,45% năm và năm 2015 đạt 1.658 USD, bằng 80,8% mức bình quân chung cả nước.


- Năm 2016, toàn vùng có 600 xã, 6.154 thôn, buôn với 954.066 hộ (chiếm 5,97% số hộ nông thôn của cả nước); trong đó hộ nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 85,03%, hộ công nghiệp và xây dựng chiếm 2,84%, hộ dịch vụ chiếm 9,97% và hộ khác chiếm 2,16%.


- Giao thông nông thôn được cải thiện, 100% số xã có đường ô tô từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND xã; trong đó, đi được quanh năm đạt 99,83%, 96,67% được nhựa-bê tông hóa. Hệ thống giao thông đến cấp thôn được chú trọng phát triển mạnh; tỷ lệ thôn có đường xe ô tô đi đến trụ sở UBND xã đạt 97,34%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh 85,5%, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước máy chiếm 16,8%.

Minh Thi

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.