(GLO)- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) chiếm một vị trí đặc biệt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Do vậy, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư công cho tam nông, nhất là khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 của Chính phủ.
Xây dựng hạ tầng nông thôn bền vững
Theo kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về tam nông của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tổng vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2006-2011 trên địa bàn tỉnh là 2.791.248 triệu đồng. Trong đó, thủy lợi có 313 công trình với năng lực tưới 48.384 ha; 11.366 triệu đồng cho phát triển các làng nghề nông thôn; 713.821 triệu đồng xây dựng mới 249 km đường giao thông, 93 cống và 11 cầu bê tông, góp phần xây dựng 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 25.642 triệu đồng đầu tư hệ thống lưới điện các thôn, làng; xây 5 chợ nông thôn và đưa chợ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trong khu thương mại đi vào hoạt động; đầu tư hơn 70 trụ sở xã qua các chương trình lồng ghép với tổng số tiền 133.164 triệu đồng; kết nối mạng lưới thông tin cho cấp xã với tổng vốn 17.895 triệu đồng; đầu tư nâng cấp, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo cho các trường đào tạo nghề với tổng vốn đầu tư là 388.107 triệu đồng; xây dựng 17 trạm y tế xã với tổng vốn là 31.571 triệu đồng; 80 công trình nước tự chảy, nước vệ sinh học đường, hộ gia đình với tổng vốn 92.018 triệu đồng…
Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn. Ảnh: Đức Thụy |
Ngoài ra, trong 5 năm (2006-2010), Nhà nước còn hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, sắp xếp đổi mới kinh tế hợp tác, giúp hợp tác xã tạo mối liên kết cộng đồng dân cư nông nghiệp trong những vùng nông thôn với tổng số vốn là 2.630 triệu đồng; củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, hỗ trợ đầu tư cho đường tuần tra bảo vệ biên giới với tổng kinh phí 7.920 triệu đồng; đầu tư nâng cao năng lực phòng-chống giảm nhẹ thiên tai, thực hiện các biện pháp thủy lợi và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu với tổng vốn là 12.000 triệu đồng…
Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước là tiền đề quan trọng trong việc tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được triển khai. Với Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, Gia Lai phấn đấu đến năm 2015 có 45 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 có 100 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Với kế hoạch như vậy, năm 2011, Gia Lai được Trung ương bố trí 41.905 triệu đồng cho chương trình để tập trung thực hiện vào 5 nội dung gồm: Tuyên truyền, đào tạo, quy hoạch, phát triển sản xuất và xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu.
Góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Trong 5 năm (2006-2010), nằm trong Chương trình 167, Nhà nước đầu tư từ ngân sách là 89.350 triệu đồng, từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội là 46.384 triệu đồng và nguồn vốn đóng góp của dân, nguồn vốn khác là 30.131 triệu đồng cho 9.477 hộ; hỗ trợ phát triển lâm nghiệp là 270.830 triệu đồng; giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản là 36.681 triệu đồng; khuyến nông 11.506 triệu đồng; khoa học công nghệ 6.470 triệu đồng; Chương trình 134 là 154.656 triệu đồng; hỗ trợ sản xuất, hàng tiêu dùng, trợ cước, trợ giá 210.136 triệu đồng; bố trí dân cư theo Quyết định 139 là 40.000 triệu đồng; bảo hiểm y tế cho người nghèo 664.571 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các nguồn vốn tín dụng cho các đối tượng nghèo vay để giải quyết việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt. Kết quả hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 3-4%. Năm 2006 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 27,22%, đến năm 2010 giảm còn 10,8%. Riêng năm 2011, qua kết quả điều tra theo tiêu chí mới toàn tỉnh đến cuối năm còn 68.420 hộ nghèo, chiếm 23,7%...
Nhìn chung, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước đối với một tỉnh nền nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế đã giúp cho ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai tiếp tục phát triển đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh; cơ cấu ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, dịch vụ; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 6,7%, riêng năm 2011 là 6,8%; lĩnh vực trồng trọt được chú trọng đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thị trường tiêu thụ và có lợi thế cạnh tranh, nhất là đối với cây trồng lợi thế như cao su, cà phê, tiêu, mía, lúa, mì, bắp lai… được sự hỗ trợ của chương trình giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản và giống cây lâm nghiệp; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; góp phần gắn kết giữa nhà nông với nhà sản xuất. Kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giá trị kinh tế các ngành chế biến nông- lâm sản tăng nhanh; việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng và khuyến khích…
Từ những kết quả trên cho thấy, Đảng và Nhà nước vô cùng quan tâm đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Những nguồn đầu tư này góp phần ổn định đời sống, cải thiện cả về vật chất và tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn.
Lê Văn Nhung