(GLO)- Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2013 và định hướng đến năm 2015, Gia Lai đã đạt được một số kết quả nhất định. Hàng loạt chính sách giảm nghèo đã đến với người nghèo. Tuy nhiên, chương trình giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều thách thức, đang rất cần có những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo thoát nghèo một cách bền vững.
Hỗ trợ bò cái sinh sản cho hộ nghèo xã Ayun (huyện Chư Sê). Ảnh: Đinh Yến |
Theo báo cáo kết quả thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo trong 3 năm (2011-2013), tỉnh ta đã được Trung ương đầu tư hàng loạt chương trình, chính sách tạo động lực cho người nghèo có điều kiện, cơ hội vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính riêng Chương trình 135 đã tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu, đào tạo cán bộ xã, thôn, làng, cộng đồng và các xã đặc biệt khó khăn, làng đặc biệt khó khăn-thuộc các xã khu vực II với tổng kinh phí 388,158 tỷ đồng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Chương trình 135 giai đoạn II (tỉnh ta đang tiếp tục thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III) đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có trạm y tế, 100% xã có lưới điện quốc gia, có 99,55% số thôn, làng có điện, 80% số hộ dùng nước hợp vệ sinh…
Trong 3 năm (2011-2013), chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ đã cấp phát, hỗ trợ các mặt hàng đến với người được thụ hưởng đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; chính sách khám-chữa bệnh cho người nghèo có 1.565.664 lượt người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế với tổng kinh phí gần 798 tỷ đồng; cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 170.369 lượt học sinh, sinh viên, với tổng số tiền trên 660 tỷ đồng; hỗ trợ về nhà ở cho 10.922 hộ nghèo với tổng kinh phí là gần 158 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng ngàn lượt hộ nghèo được hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng tiền điện, trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa, miễn giảm thuế, nước sinh hoạt, định canh định cư.
Nhờ đó, trong 3 năm (2011 đến 2013), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 23,75% (cuối năm 2011) xuống còn 17,23% (cuối năm 2013), giảm tương đương với 26.028 hộ nghèo; số hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số từ 51.198 hộ xuống còn 44.269 hộ như hiện nay.
Công trình quản lý nước sinh hoạt từ Chương trình 135. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Những chính sách nêu trên đã thực sự đi vào đời sống. Tuy nhiên, chính sách đầu tư cho hộ nghèo do nhiều ngành quản lý, mỗi ngành mỗi kiểu nên nguồn lực bị phân tán. Cùng với đó, trong quá trình triển khai lại phân cấp cho từng ngành, cấp quản lý, không tập trung vào một đầu mối nên không khớp nối được với nhau dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Ông Lê Văn Thái- Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Chư Prông, phân tích: Một thực tế đặt ra hiện nay là những chính sách hỗ trợ hộ nghèo đang triển khai ở tỉnh ta lại phân ra nhỏ lẻ. Chẳng hạn, hợp phần hỗ trợ sản xuất do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thực hiện; hỗ trợ giống cây con lại do Trạm Khuyến nông; cho vay vốn hộ nghèo thì các hội, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai. Còn các chính sách về bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ các chế độ chính sách, cấp gạo cứu đói, quản lý sự tăng giảm số hộ thoát nghèo thì do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các huyện thực hiện và quản lý.
Vì vậy, người dân chỉ biết nhận chứ đôi khi cũng chẳng hiểu mình nhận chính sách gì, sự hỗ trợ đó dành cho việc gì. Ông Đinh Krang (xã Ayun, huyện Chư Sê) cho biết: “Hồi còn trong diện hộ nghèo, tôi được Nhà nước hỗ trợ nhiều lắm, không nhớ hết nữa. Lúc thì được trưởng thôn nói đi nhận tiền điện, nhận thẻ bảo hiểm, nhận gạo cứu đói, nhận giống cây trồng... Được trưởng thôn thông báo đi nhận thì đi chứ cũng không biết là chính sách gì”.
Đinh Yến