Bác sĩ chia sẻ lợi ích tuyệt vời của lá sương sâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lá sương sâm có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, nhuận tràng, ngoài ra nó còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp chống lão hóa, trẻ đẹp da.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết sương sâm (tiliacora triandra) là một loại thảo dược dây leo có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được sử dụng rộng rãi làm thuốc và thực phẩm từ hàng ngàn năm nay.

"Theo Đông y, lá sương sâm có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, nhuận tràng, chữa táo bón, kiết lỵ, đái dắt, nóng nhiệt,… Theo nghiên cứu y học hiện đại, lá sương sâm chứa nhiều vitamin A, beta carotene, phốt pho, polyphenol, flavonoid, alkaloid và các khoáng chất như canxi và sắt,… mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Ngăn ngừa nếp nhăn, phục hồi vẻ trẻ trung

Theo nghiên cứu ở Mỹ, chế phẩm bôi ngoài da có chiết xuất từ lá sương sâm, dùng hằng ngày có tác dụng kích thích tăng sinh nguyên bào sợi và tế bào sừng, làm tăng biểu hiện collagen và ức chế hoạt động collagenase. Từ đó giúp ngăn ngừa và chống lão hóa da hiệu quả, cải thiện và làm giảm các dấu hiệu lão hóa da theo thời gian hoặc do nội tiết tố, tia UV từ ánh nắng mặt trời, làm giảm các đường nhăn trên khuôn mặt, nếp nhăn và da chảy xệ.

Món thạch sương sâm với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh: LÊ CẦM

Món thạch sương sâm với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh: LÊ CẦM

Hạ đường huyết, bảo vệ gan

Nước lá sương sâm có thể hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả thông qua việc ức chế quá trình tạo đường ở gan, kích thích sản xuất insulin trong cơ thể. Nước lá sương sâm có khả năng phát triển thành một sản phẩm dinh dưỡng để ngăn chặn việc sản xuất quá mức glucose ở bệnh nhân béo phì, kháng insulin và tiểu đường.

Lá sương sâm cũng là vị thuốc có tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư, kháng khuẩn, hoạt động chống viêm và điều hòa miễn dịch, hỗ trợ ổn định huyết áp. Bên cạnh đó, còn làm giảm stress oxy hóa, cải thiện suy giảm trí nhớ, rối loạn chức năng não trong chứng nghiện rượu đã được nghiên cứu.

Lá sương sâm tươi. Ảnh: LÊ CẦM

Lá sương sâm tươi. Ảnh: LÊ CẦM

Bác sĩ Vũ lưu ý khi sử dụng lá sương sâm làm món thạch thì không nên lạm dụng món ăn vặt giải khát này, vì có thể dẫn tới tiêu chảy, không nên dùng quá 2 ly mỗi ngày, còn trẻ em chỉ nên ăn nửa ly mỗi ngày. Nếu yêu thích hương vị món thạch sương sâm thanh mát được làm từ lá sương sâm này, chúng ta có thể tự làm tại nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ở vùng Đông Bắc Thái Lan, người ta gọi cây sương sâm là "ngàn năm không già" vì nó giúp ngăn ngừa nếp nhăn, phục hồi vẻ trẻ trung. Cây sương sâm cũng sống lâu năm, sinh trưởng mạnh và cho phép người dùng thu hái quanh năm.

Ở Việt Nam, cây sương sâm có 2 loại phổ biến là sương sâm trơn và sương sâm lông. Chúng phân biệt bằng đặc điểm lá và dây cây sương sâm có hoặc không có lớp lông bao phủ trên bề mặt, trái chín của cây sương sâm trơn có màu tím, trái chín của cây sương sâm lông có màu đỏ. Sau khi thu hái, lá và dây sương sâm tươi được rửa sạch rồi vò với nước lọc nguội, lọc lược sạch, để 1-2 giờ sẽ đặc sệt lại thành món thạch sương sâm, hoặc phơi hay sấy khô lá sương sâm rồi bảo quản tránh ẩm mốc để dùng dần.

Theo kinh nghiệm của người thường làm thạch sương sâm thì nên chọn những lá sương sâm già, có màu xanh đậm sẽ cho nhiều thạch hơn lá non, và chọn lá sương sâm lông sẽ cho thạch đông mịn và ngon hơn lá sương sâm trơn. Lá sương sâm thu hái vào mùa khô sẽ cho nhiều thạch hơn so với thu hái vào mùa mưa.

Thạch sương sâm là món ăn giải nhiệt rất được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm