(GLO)- Địa danh Gia Lai bây giờ nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, từ cụ già đến em bé biết đến một phần nhờ vào bóng đá với cái tên Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Rồi một ngày đẹp trời, Gia Lai được trưng ra tận trời Âu, ở thủ đô Luân Đôn, trên sân vận động của đội bóng lừng danh Arsenal. Thấy tên quê mình trưng ra quốc tế, người Gia Lai cũng tự hào thay.
1. Đến cuối thế kỷ XX, cái tên Gia Lai còn xa lạ với nhiều người, bởi địa danh này vừa mới xuất hiện, đứng riêng lẻ từ tháng 10-1991 lúc chia tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Mà tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũng mới ra đời sau năm 1975; vùng đất này chế độ cũ là tỉnh Pleiku và tỉnh Phú Bổn gộp lại.
Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức. Ảnh: Quang Vũ |
Cũng cuối thế kỷ XX, Kiatisak nổi danh đình đám ở Đông Nam Á. Anh không chỉ là tiền đạo xuất sắc nhất khu vực mà còn được nhiều câu lạc bộ ở Thái Lan, Malaysia, Singapore và cả Anh quốc săn đón. Người Việt Nam mê bóng đá. Đầu năm 2002, báo chí xôn xao Kiatisak về chơi cho một đội bóng Việt Nam. Cả triệu người hâm mộ phát cuồng vui mừng. Kẻ rối trí nghi ngại, bởi Gia Lai là đâu, Đoàn Nguyên Đức là ai mà “mua” được danh thủ số 1 khu vực, trong khi Hà Nội, Sài Gòn lắm người giàu có. Họ nói công khai trên báo. Tôi nghe tin Kiatisak về Việt Nam, gọi điện hỏi ông chủ Xí nghiệp Hoàng Anh. Ba Đức (tên thân mật của Đoàn Nguyên Đức) bảo: Ngày mai về, “đây là một mũi tên bắn 4 con chim”. Sau này nhắc lại chuyện, Ba Đức cười bảo, không phải trúng 4 con mà trúng cả bầy chim! Kỳ thực, thương vụ Kiatisak đã giúp Ba Đức từ doanh nhân cấp tỉnh nổi bật trên thương trường quốc gia và khu vực, giúp địa danh Gia Lai được triệu triệu người biết đến, yêu quý.
Cũng cần nói rằng, trước khi có Kiatisak, đội bóng Gia Lai do Sở Thể dục-Thể thao khi ấy quản lý. Ba Đức khi đó mỗi năm tài trợ cho đội bóng này năm bảy trăm triệu đồng, nhưng chỉ có đội nhi đồng của Gia Lai là đoạt chức vô địch, còn đội Gia Lai chỉ lẹt đẹt hạng nhất, đá mãi không lên hạng Vô địch chuyên nghiệp quốc gia. Khi Kiatisak về, dù không muốn, Sở Thể dục-Thể thao buộc phải nhường quyền quản lý đội bóng về tay Đoàn Nguyên Đức. Ngay trong mùa bóng 2001-2002, đội bóng Gia Lai đã lên hạng, cái tên Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ra đời từ đấy, địa danh Gia Lai lan tỏa mạnh mẽ từ đấy.
Ảnh: Quang Vũ |
2. Từ khi Kiatisak về với HAGL, danh nổi như cồn, Ba Đức mở rộng kinh doanh nhiều ngành nghề, từ lĩnh vực gỗ tinh chế sang khai thác chế biến đá granite, khách sạn, sản xuất bao bì, bất động sản… Hàng loạt công ty, nhà máy, xí nghiệp hình thành, hầu hết do Ba Đức bỏ tiền; là doanh nghiệp tư nhân. Quy mô sản xuất và thương hiệu lớn dần, buộc phải tái cơ cấu doanh nghiệp, Đoàn Nguyên Đức quyết tâm “cổ phần hóa”. Ngày đó, các doanh nghiệp nhà nước rục rịch cổ phần, không ít giám đốc xin không cổ phần, đằng này doanh nghiệp tư nhân do ông đang làm chủ 100%, giờ nhượng quyền cho tập thể. Nhưng bước đi mạnh dạn, đúng đắn này đã giúp cho Hoàng Anh Gia Lai lột xác, “bán giấy lấy tiền” (cách nói của Ba Đức), Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai từ cậu bé tí hon với vốn ban đầu 370 tỷ đồng chỉ sau 8 năm giờ đã có tài sản mấy chục ngàn tỷ đồng.
Với sự gia tăng vốn liếng, thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai cũng nhanh chóng lan tỏa khắp trong nước và quốc tế. Với tư duy nhạy bén, quyết đoán, Ba Đức thích làm những việc mà nhiều người khác có khi đã nghĩ tới nhưng chưa kịp làm, hoặc do dự, hoặc không có điều kiện, hoặc không dám làm, như mua máy bay riêng, đầu tư trồng hàng chục ngàn ha cây công nghiệp tại Lào, Campuchia, làm bất động sản ở Myanmar, sang cả Anh quốc hợp tác đào tạo bóng đá HAGL-Arsenal… Là người đầu tiên xây dựng học viện bóng đá với sự ra đời của lứa cầu thủ Tuấn Anh, Công Phượng đang làm nức lòng giới hâm mộ. Thương hiệu HAGL nổi, cái tên Gia Lai cũng vang xa, ngày càng nhiều người biết đến.
Với sự ra đời của Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal và việc treo biển quảng cáo của HAGL ở sân bóng đá thủ đô Luân Đôn, địa danh Gia Lai từ quốc gia đã ra ngoài thế giới. Dân Gia Lai lấy làm tự hào, bởi trên thế giới không nhiều địa danh khiến người ta biết đến.
Tham quan trang trại nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Quang Vũ |
3. Ngày trước vô Nam, ra Bắc, gặp một số bạn bè, tôi nói mình ở Gia Lai họ ngơ ngác không biết địa danh ấy ở nơi nào. Bây giờ khi nói đến Gia Lai, người ta nghĩ đến Bầu Đức. Gần 2 thập kỷ xây dựng và phát triển thương hiệu HAGL, cùng cách làm như ông, nhưng cho đến nay không ít thương hiệu đang xìu dần. Giới mộ điệu không còn biết đến Long An với Gạch Đồng Tâm (Câu lạc bộ Bóng đá Gạch Đồng Tâm Long An), Nam Định gắn với thương hiệu Sông Đà (Sông Đà Nam Định), Thép miền Nam Cảng Sài Gòn, Misutar Hải Phòng… đâu nữa. Hoàng Anh Gia Lai đến nay vẫn đứng vững, thứ bóng đá Ba Đức theo đuổi đang ngày càng khẳng định bước đi đúng đắn, thể hiện ở số lượng cầu thủ của câu lạc bộ được gọi vào đội tuyển quốc gia đang chiếm tỷ lệ rất cao.
Nếu xem các doanh nhân là chiến sĩ của thời bình, là người hùng trên mặt trận kinh tế, những đóng góp của Ba Đức cho ngân sách, cho thương hiệu quốc gia thế nào do người có trách nhiệm phán xét. Riêng tôi, là một người con của Gia Lai, chỉ mong rằng vùng đất này ngày càng sản sinh nhiều con người biết làm rạng danh quê hương, như trong kháng chiến đã có những Anh hùng Núp, Anh hùng Kpa Klơng…
Nhật Cường