Ayun Pa: Hiệu quả từ mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại phiên chợ nông sản sạch năm 2019 do thị xã Ayun Pa tổ chức có một sản phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đó là đông trùng hạ thảo-một loại biệt dược quý do anh Lương Thái Hoàng (SN 1990, trú tại phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) nuôi trồng. 
Đông trùng hạ thảo đã được khoa học chứng minh là một loại dược liệu quý hiếm, được dùng trong việc bổ trợ sức khỏe, hỗ trợ điều trị ung thư rất hiệu quả nhưng lại có rất ít trong tự nhiên, giá rất cao. Vì thế, nuôi trồng đông trùng hạ thảo đã trở thành hướng đi được một số người lựa chọn để khởi nghiệp. Ngay từ khi sản phẩm này xuất hiện tại phiên chợ nông sản sạch 2019, lãnh đạo Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ayun Pa đã tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm để báo cáo UBND thị xã hỗ trợ vốn phát triển sản xuất. Ông Siu Nheng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ayun Pa-cho biết: “Đây là hình thức sản xuất kinh doanh hoàn toàn mới trên địa bàn. Vì vậy, thị xã đã xây dựng thành đề án phát triển sản xuất và sẽ có định hướng, hỗ trợ kịp thời về nguồn lực để giúp gia đình anh Lương Thái Hoàng, đồng thời nhân rộng ra nhiều hộ khác”.
 Mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của anh Lương Thái Hoàng. Ảnh: B.H
Mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của anh Lương Thái Hoàng. Ảnh: B.H
Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng chia sẻ: “Năm 2018, tôi có tìm hiểu về nấm đông trùng hạ thảo thì thấy đó là một sản phẩm nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao nên tôi quyết định tìm hiểu và triển khai thực hiện”. Sau một thời gian học hỏi, anh đã nuôi cấy, sản xuất thành công loại nấm này và đưa sản phẩm ra thị trường. Bình quân mỗi tháng anh sản xuất được 20 kg đông trùng hạ thảo tươi (trị giá 1 triệu đồng/kg). Tùy theo nhu cầu của khách hàng, sản phẩm có thể sử dụng tươi hoặc sấy thăng hoa, dùng để ngâm rượu, ngâm mật ong... Với tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao, dự án đã nhận được 150 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn vốn khoa học công nghệ của thị xã.
Nói thêm về những trở ngại khi bắt tay vào thực hiện mô hình, anh Hoàng bộc bạch: “Khó khăn lớn nhất trong quá trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo là loại nấm này rất khó trồng, dễ nhiễm khuẩn, yêu cầu vô trùng nên phải giữ vệ sinh nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi về độ ẩm, về quá trình phát triển của nấm từ lúc trồng đến khi thành phẩm (khoảng 2 tháng). Được sự hỗ trợ vốn của thị xã, tôi sẽ mở rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho những hộ khác nhằm nhân rộng, hạ giá thành sản phẩm để nhiều người có thể tiếp cận nếu có nhu cầu”. Trong quá trình nhân rộng mô hình, 20 hộ trên địa bàn phường Sông Bờ sẽ được tập huấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ.
“Nuôi trồng đông trùng hạ thảo mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể triển khai tại các hộ gia đình trên cơ sở tận dụng những sản phẩm nông nghiệp sẵn có làm giá thể. Từ mô hình này, người nông dân trên địa bàn thị xã sẽ nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững”-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ayun Pa cho biết thêm.
BÍCH HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.