'Anh che đạn cho em' ở Mỹ Lai: bức ảnh trở về với sự thật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn nửa thế kỷ, bức ảnh Anh che đạn cho em đã tìm về với đúng người trong ảnh với hành trình 10 năm tìm kiếm sự thật ròng rã. Tuổi Trẻ trao đổi với ông Trần Văn Đức và tác giả loạt ảnh thảm sát Mỹ Lai - Ronald Haeberle.
 
Bức ảnh lịch sử của Ronald Haeberle
Cả nhân vật và người chụp bức ảnh "Anh che đạn cho em" trong vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16-3-1968 (xã Tịnh Khê, Quảng Ngãi) đều vỡ òa hạnh phúc khi hội đồng khoa học Bảo tàng Chứng tích chiến tranh công nhận người trong bức ảnh là ông Trần Văn Đức, che đạn cho em là bà Trần Thị Hà.
Vậy là sau hơn nửa thế kỷ, bức ảnh đau thương ấy đã tìm về với đúng người trong ảnh sau hành trình 10 năm tìm kiếm sự thật ròng rã. Tuổi Trẻ trao đổi với ông Trần Văn Đức và tác giả loạt ảnh thảm sát Mỹ Lai - Ronald Haeberle.
Ông Đức (58 tuổi) hiện định cư tại nước Đức, bà Hà (52 tuổi) đang sống tại xã Tịnh Châu (Quảng Ngãi).
 
Ông Ronald (trái) và ông Đức (phải) tại đúng vị trí bức ảnh được chụp năm xưa - Ảnh: TRẦN MAI
Trần Văn Đức: Tôi chẳng được gì ngoài sự thật
* Cảm xúc của ông thế nào khi biết Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) đã công nhận nhân vật trong bức ảnh là ông và người em gái, thay vì Trương Bốn che đạn cho Trương Năm như trước đây?
- Tôi rất vui và tràn đầy nước mắt khi hay tin này. Tôi vui vì sự thật đã trả lại cho lịch sử. Lúc lần đầu tiên nhìn thấy phần chú thích là Trương Bốn che đạn cho Trương Năm và cả hai bị lính Mỹ bắn chết, tôi lập tức phản ảnh với giám đốc khu chứng tích Sơn Mỹ rằng "Đây là bức hình tôi ôm em Hà nằm tránh đạn trên đường về nhà ngoại khi vụ thảm sát xảy ra". Nhưng chẳng ai ghi nhận cả.
10 năm ròng rã theo đuổi sự thật, tôi cần sự thật và đòi sự thật về cho sự kiện, ngoài ra tôi không cần gì cả. Tôi mất rất nhiều thứ, ngoài tiền bạc cho mỗi chuyến đi và công việc bị đình trệ, 10 năm ấy cũng khiến cho vết thương trong lòng bị đào xới lên quá nhiều lần.
* Làm thế nào để ông thuyết phục được ông Ronald Haeberle trở về Việt Nam chứng minh sự thật của bức ảnh?
- Lúc đầu tôi không có ý định tìm ông Ronald Haeberle, bởi đây là chú thích sai và hoàn toàn có thể chú thích lại vì tôi vẫn còn sống và rất nhiều người dân Mỹ Lai biết về gia đình và anh em tôi, họ hoàn toàn có thể làm chứng và trả lại sự thật cho bức ảnh.
Thế nhưng qua một vài lần email về giám đốc Bảo tàng Sơn Mỹ, tôi nhận ra vấn đề chỉnh sửa thông tin là vô cùng phức tạp. Tôi quyết định tìm Ronald Haeberle - tác giả của bức hình - vì chỉ có ông mới hiểu rõ nhất biến cố lúc đó. Tôi đến nhà ông Ronald vào tháng 9-2011. Tôi mô tả chi tiết, Ronald nhớ lại và tin ngay tôi là người trong ảnh.
 
Ông Đức và ông Ronnald ôm chầm lấy nhau tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam) lúc hai người về Mỹ Lai dự lễ kỷ niệm 50 năm vụ thảm sát - Ảnh: TRẦN MAI
* Cụ thể ông đã mô tả những gì, bởi khoảnh khắc qua nửa thế kỷ không thể nào để một cậu bé lúc đó nhớ hết?
- Đó là một biến cố quá lớn nên tôi vẫn nhớ và nhớ rất rõ từng động tĩnh, bởi lúc đó tôi ôm em Hà trên đường về nhà bà ngoại theo chỉ dẫn và dặn dò của mẹ.
Bỗng nhiên, tôi thấy một chiếc máy bay có vẽ hình con cá mập xuất hiện từ hướng đồn Voi và bay rất thấp về hướng tôi đi, tôi nhìn thấy rõ một người lính Mỹ ngồi bên cửa, tôi sợ hai anh em bị bắn chết nên ôm em Hà nằm xuống tránh đạn. Ronald Haeberle chụp bức hình trong khoảnh khắc này.
Ai là người biết được tọa độ không gian chiếc máy bay có vẽ hình con cá mập, trong lúc Ronald Haeberle đang chụp bức hình, ngoài tôi nằm đó? Mười mấy chiếc máy bay tham gia vụ thảm sát đều rất bình thường, chỉ duy nhất chiếc máy bay có vẽ hình con cá mập.
Sau khi nghe tôi kể, Ronald lấy thước phim âm bản mà ông ghi trong vụ thảm sát chỉ cho tôi và nói Đức kể chính xác. Ronald cũng chụp chiếc máy bay ấy, xong quay lại chụp anh em tôi.
Ông cảm thấy câu chuyện tôi kể có ý nghĩa với cuộc đời ông, ông đồng ý về Sơn Mỹ cùng tôi để cung cấp thông tin về bức ảnh ông chụp anh em tôi và những bức ảnh khác.
* Cảm xúc của ông thế nào khi thực nghiệm hiện trường, tìm kiếm sự thật bức ảnh?
- Thực nghiệm lại hiện trường là chuyện không nên làm với bao người đã trải qua, đã từng chứng kiến những bi thương tột cùng, cảnh cũ hiện lại rõ lắm.
Nếu các cơ quan chức năng mở lòng hơn, tôi không bao giờ dùng dao nhọn đâm vào chính vết thương của bản thân mình. Đến bây giờ, mỗi lần nghĩ về vụ thảm sát, tôi vẫn còn thấy đau đớn và mất ngủ nói chi là thực nghiệm. Nó thực sự rất đau.
* Có lẽ vì những điều ấy mà ông Ronald Haeberle và gia đình ông rất thân tình, thậm chí chúng tôi biết Ronald còn tặng nhiều tư liệu quý vụ thảm sát cho riêng ông. Ông dự định sẽ sử dụng những tư liệu này vào việc gì?
- Ronald đã tặng tôi một số phim âm bản màu ghi lại vụ thảm sát và chiếc máy ảnh Nikon-F mà Ronald đã dùng chụp lại 21 tấm ảnh màu vụ thảm sát Sơn Mỹ. Tôi sẽ đem tặng lại Bảo tàng Sơn Mỹ trong tương lai để trưng bày như vật chứng rõ ràng nhất nỗi đau của chiến tranh.
* Ông đang định cư ở Đức, dự tính khi nào sẽ về lại Mỹ Lai?
- Tôi về Việt Nam hằng năm, vì tôi yêu quê hương tôi. Tất nhiên tôi cũng sẽ về Sơn Mỹ viếng mộ mẹ và gia đình. Có đi đâu thì tôi vẫn là người Việt Nam.
 
Chiếc máy ảnh Nikon F huyền thoại mà ông Ronald đã chụp vụ thảm sát Mỹ Lai trong đó có anh em ông Đức nay đã được ông Ronald tặng cho ông Đức - Ảnh: TRẦN MAI
Ronald Haeberle: Tôi cảm thấy thanh thản
* Ông đón nhận thông tin bức ảnh được chú thích lại như thế nào?
- Tôi cảm thấy hạnh phúc và thanh thản bởi sự kiên nhẫn của tôi và Đức đã làm chỉ để sửa lại chú thích bị hiểu sai sau nhiều năm.
* Ông đã giúp gì cho ông Đức đi tìm sự thật?
- Tôi đã cung cấp cho Đức những tài liệu, thông tin có giá trị để giúp Đức nhiều hơn. Tôi luôn tranh thủ thời gian để trở về Việt Nam vào đúng dịp tưởng niệm vụ thảm sát và luôn khẳng định với Việt Nam cũng như truyền thông quốc tế và trong nước về nhân vật trong bức ảnh là Đức và Hà. Lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát (2018) tôi cũng đã về và nói rất rõ với truyền thông về bức ảnh này, thậm chí ra tận hiện trường mô tả lại.
 
Cả hai cùng kể về thời điểm và hoàn cảnh chụp được bức ảnh hơn 50 năm trước - Ảnh: TRẦN MAI
* Ông gặp ông Đức trong hoàn cảnh nào, vì sao sau cuộc gặp ông lại tin ông Đức là nhân vật của bức ảnh?
- Mùa hè năm 2011, tôi nhận được tin rằng hai đứa trẻ mà tôi chụp được ở Mỹ Lai vẫn còn sống. Cậu bé đó là Trần Văn Đức và em gái của ông ấy - Hà.
Trước khi tôi gặp Đức tại nhà của tôi ở Mỹ vào tháng 9-2011, tôi đã đọc được một câu chuyện về Đức trên FPJ xuất bản vào tháng 2-2010: "Nhật ký của đứa trẻ Mỹ Lai - Trần Văn Đức". Khi gặp Đức, tôi đã đề nghị ông ấy miêu tả lại chiếc trực thăng mà ông ấy đã thấy khi nó bay qua trên đầu.
Ông ấy đã tả rằng chiếc trực thăng có một cái mặt màu trắng và tại thời điểm đó tôi biết là ông ấy đang nói thật bởi trong chuỗi những bức ảnh tôi chụp ngày hôm đó có một bức ảnh của chiếc trực thăng cùng với bức ảnh ông ấy đang che em gái mình.
* Sau 10 năm cùng nhau đi tìm sự thật, dường như ông và gia đình ông Đức rất thân thiết với nhau?
- Đúng vậy. Tháng 10-2011, tôi đã tặng Đức chiếc máy ảnh đã chụp bức ảnh trong cuộc thảm sát Mỹ Lai. Với tôi, Đức và Hà còn sống thật sự khiến tâm hồn mình thanh thản rất nhiều.
* Ông dự tính khi nào quay lại Mỹ Lai? Ông hi vọng gì trong cuộc quay lại Mỹ Lai trong tương lai?
- Tôi hi vọng khi tôi quay trở lại Việt Nam vào tháng 3-2020 và xem bức ảnh bằng một sự mãn nguyện. Sau nhiều năm Đức và tôi đấu tranh cho sự công bằng sẽ đến hồi kết thúc.
 
Ông Đức và tấm ảnh lịch sử “anh che đạn cho em” nay đã trở về chính chủ nhân sau 51 năm bị chú thích sai - Ảnh: TRẦN MAI
Đính chính chú thích bức ảnh
Ngày 10-4, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) đã thông báo kết luận cuộc họp hội đồng khoa học về việc chỉnh sửa nội dung chú thích trưng bày thảm sát Sơn Mỹ thuộc chuyên đề "Tội ác chiến tranh xâm lược".
Bà Trần Xuân Thảo - giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chủ tịch hội đồng khoa học - kết luận: "Điều chỉnh nội dung chú thích cũ thành "Anh che đạn cho em. Anh Trần Văn Đức, 7 tuổi. Em Trần Thị Hà, 14 tháng tuổi. Hai anh em hiện còn sống".

Cùng với đó, bảo tàng tổ chức sưu tầm tư liệu và phim do ông Trần Văn Đức cung cấp để tiếp tục sưu tầm bổ sung tư liệu về vụ thảm sát.

Trần Mai thực hiện (TTO)

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.