An Khê đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hưởng ứng phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, Thị Đoàn An Khê (tỉnh Gia Lai) đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Thanh niên lập thân, lập nghiệp
Sau khi tìm hiểu thông tin thị trường và phát huy nghề chăn nuôi của gia đình, anh Hồ Mỹ Đức (thôn Tú Thủy 2, xã Tú An) quyết định đầu tư nuôi vịt lấy trứng và vịt thương phẩm. Năm 2017, thông qua Đoàn xã Tú An giới thiệu, anh Đức vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để đầu tư chăn nuôi. Hiện nay, với quy mô 1.400 con, hàng ngày, anh Đức bỏ sỉ tại chợ An Khê và huyện Kbang gần 1.200 quả trứng; cung ứng ra thị trường 1.000 con vịt thương phẩm/năm. “Mỗi năm, gia đình tôi thu về gần 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Kinh tế gia đình ngày càng phát triển, tôi yên tâm tham gia các hoạt động Đoàn; có điều kiện chia sẻ, giúp đỡ ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn”-anh Đức chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Văn Minh (tổ 5, phường Tây Sơn) lại chọn hướng phát triển kinh tế theo mô hình VAC, mỗi năm mang lại lợi nhuận hơn 700 triệu đồng và tạo việc làm cho 3-5 lao động địa phương với mức tiền công 200-250 ngàn đồng/người/ngày. Anh Minh cho hay: Gia đình anh có gần 4 ha đất. Nhận thấy cây nhãn đem lại hiệu quả kinh tế nên anh đã chuyển đổi gần 3 ha mì sang trồng 200 cây nhãn lồng Hưng Yên theo hướng VietGAP. Để nâng cao giá trị sản phẩm, anh áp dụng kỹ thuật cho cây ra quả trái vụ, bán giá cao hơn so với chính vụ 5-7 ngàn đồng/kg. Diện tích còn lại, anh đào ao nuôi cá và trồng cây ngắn ngày, trồng cỏ nuôi bò. “Nhằm phát triển mô hình trồng quất cảnh trong nhà màng, cung ứng thị trường Tết, tháng 4-2021, Đoàn phường đã giúp đỡ tôi và 4 hộ thanh niên khác vay 100 triệu đồng trong thời hạn 3 năm. Ngay năm đầu tiên, chúng tôi thu về hơn 30 triệu đồng. Hiện cây đã được tỉa cành, tạo tán và đưa vào trồng hơn 200 chậu để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay”-anh Minh nói.
Anh Nguyễn Văn Minh (tổ 5, phường Tây Sơn) chăm sóc vườn nhãn. Ảnh: Ngọc Minh
Anh Nguyễn Văn Minh (tổ 5, phường Tây Sơn) chăm sóc vườn nhãn. Ảnh: Ngọc Minh
Cuối năm 2020, Hội quán Thanh niên Tre Việt ra mắt với 84 thành viên cùng sở thích về nghệ thuật viết chữ thư pháp. Anh Lê Đức Trí-Chủ tịch Hội quán-cho hay: Thị xã cho Hội quán mượn khu vực ao cá Bác Hồ làm trụ sở và trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tại đây, chúng tôi tận dụng không gian để mở dịch vụ bán cà phê, mang lại doanh thu 30-40 triệu đồng/tháng. Số tiền này Hội quán dùng để chi trả công ĐVTN và bổ sung kinh phí vào hoạt động Hội. Dịch vụ này cũng đã tạo việc làm cho 5 ĐVTN với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. “Từ nay đến cuối năm, Hội quán sẽ mở rộng mô hình sản xuất sản phẩm đá thư pháp; phối hợp với Thị Đoàn tổ chức cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp. Đồng thời, chúng tôi sẽ bày bán các sản phẩm của ĐVTN làm ra như hoa, cây cảnh, nông sản; qua đó góp phần tạo cơ hội cho ĐVTN liên kết phát triển sản xuất, đa dạng sản phẩm, nâng cao thu nhập”-anh Trí nói.
Đồng hành cùng thanh niên
Để đồng hành cùng ĐVTN, những năm qua, các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn thị xã đã chú trọng triển khai các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên; thường xuyên phối hợp với các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để giới thiệu việc làm cho thanh niên; tổ chức các hoạt động “Ngày hội thanh niên trường học với nghề nghiệp, việc làm”, “Sàn giao dịch việc làm cho thanh niên”, “Ngày hội việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số”; chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Đội triển khai thành lập các câu lạc bộ, tổ tư vấn, hướng nghiệp cho thanh thiếu nhi trong trường học. Qua đó, đã tổ chức 65 buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp việc làm cho gần 11.315 lượt ĐVTN, học sinh. Ngoài ra, Thị Đoàn còn phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các mô hình, dự án thanh niên khởi nghiệp. Đến cuối năm 2021, tổng dư nợ ủy thác qua kênh Đoàn Thanh niên là 27.138 tỷ đồng.
Đoàn viên thanh niên phường Tây Sơn, thị xã An Khê phát triển mô hình trồng quất cảnh, nâng cao thu nhập. Ảnh: Ngọc Minh
Đoàn viên, thanh niên phường Tây Sơn phát triển mô hình trồng quất cảnh, nâng cao thu nhập. Ảnh: Ngọc Minh
Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Việt Cường-Bí thư Thị Đoàn An Khê-cho biết: Thời gian tới, Thị Đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực của ĐVTN trong phát triển kinh tế; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề. Chú trọng nhân rộng các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp thành công của thanh niên; chủ động phối hợp, tham gia triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm; tăng cường ứng dụng nền tảng mạng xã hội trong tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối ý tưởng kinh doanh, hỗ trợ đầu ra sản phẩm của thanh niên; khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã và vận động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thanh niên vay vốn làm kinh tế.
NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.