Ăn dê bổ miễn chê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong Đông y, nhiều loài vật được dùng làm thuốc nhưng dê là con vật có nhiều bộ phận được dùng làm thuốc Đông y nhiều nhất để chữa bệnh hoặc để làm thuốc bổ dưỡng.

Ví dụ: Dương nhục, sơn dương nhục, linh dương giác, huyết dê, dạ dày dê, thận dê, dương vật dê, gan dê, tinh hoàn dê, xương dê. Chưa kể dùng các bộ phận của dê để làm thực phẩm chế các món ăn từ dê là một loại đặc sản mà không chỉ người Việt Nam mà bạn bè quốc tế cũng ưa thích.

Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập đến việc sử dụng thịt và xương dê để làm thuốc.

 

 Thịt dê hầm hoàng kỳ dành cho người mắc chứng hư lao thường mỏi mệt, ăn ngủ kém
Thịt dê hầm hoàng kỳ dành cho người mắc chứng hư lao thường mỏi mệt, ăn ngủ kém


Thịt dê dương nhục: Thịt dê vị đắng ngọt, tính đại ôn, vào kinh tâm can, tỳ, vị. Có tác dụng ích tâm tỳ nên dùng để làm thuốc bổ dưỡng cơ thể.

Người mắc chứng hàn hay bị cảm lạnh, có thể dùng dương nhục phối hợp với bài Hoàng kỳ kiến trung thang gia vị: hoàng kỳ 16g, bạch thược 12g, quế chi 10g, sinh khương 12g, đại táo 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, sa nhân 8g, biển đậu 12g, nhục quế 6g... làm viên hoàn uống để phòng và điều trị một số chứng bệnh thuộc hàn.

Người mắc chứng hư lao thường mỏi mệt, ăn ngủ kém có thể dùng dương nhục kết hợp với bài Bổ trung ích khí gồm: hoàng kỳ 16g, nhân sâm 12g, cam thảo 4g, đương qui 12g, trần bì 12g, thăng ma 8g, sài hồ 6g bạch truật 12g, Tùy chứng có thể gia giảm để điều trị.

Người thận dương kém, dương vật cương cứng không bền có thể dùng dương nhục và tinh hoàn của dê kết hợp với bài Tỏa dương cố tinh hoàn gồm: lộc nhung 12g, long cốt 16g, mẫu lệ 16g, tỏa dương 12g, thỏ ty tử 16g, liên tử 12g, ngưu tất 8g, bổ cốt chỉ 12g, đỗ trọng 12g, nhục thung dung 8g, tiểu hồi hương 6g, ba kích 12g, thục địa 12g, hoài sơn 12g, sơn thù du 8g, phục linh 12g, đan bì 8g, trạch tả 8g, tri mẫu 12g, hoàng bá 12g... làm viên uống hàng ngày để điều trị chứng rối loạn cường dương.

Trẻ em cơ thể yếu có thể dùng dương nhục kết hợp với một số vị thuốc như bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, nhân sâm 8g, hoài sơn 12g, biển đậu 12g... làm viên hoàn mật ong cho uống hàng ngày để giúp trẻ chóng phát triển.

Phụ nữ mắc chứng sẩy thai nhiều lần, thường gọi là lưu sản. Dương nhục phối hợp với bài thuốc Bát trân thang gia vị để điều trị kết quả tốt.

Bài thuốc gồm: Đương qui 12g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, thục địa 16g, nhân sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, cam thảo 6g, sinh khương 12g, đại táo 12g, gia tục đoạn 16g, hoàng cầm 8g, sa nhân 12g, hoàng kỳ 12g. Làm viên hoàn mật ong ngày uống 2 lần mỗi lần 15g sau khi ăn sáng và ăn tối.

Sơn dương nhục (thịt dê rừng) là loại tốt kết hợp với một số bài thuốc Đông y có thể điều trị người mắc chứng sơn lam trướng khí, người mắc chứng hư lao, bệnh lao phổi, phụ nữ mắc chứng bạch đới, người cao tuổi mắc chứng gân cơ co cứng...

Dạ dày dê: Là vị thuốc điều trị chứng can khí uất phản vị (Tây y gọi là chứng trào ngược), ăn vào là nôn ra hoặc trẻ em tỳ vị yếu ăn uống tiêu hóa kém. Hầm với bạch truật 12g, biển đậu 12g, hoài sơn 12g, bán hạ chế 8g, bạch thược 12g, sa nhân 8g...

Thận dê (bầu dục) làm sạch bóc bỏ màng đài bể thận nướng với hồ đào nhục, ngày ăn một quả với một ly rượu khoảng 30ml vào buổi tối để điều trị chứng cương cứng kém của nam giới và chứng nam nữ lãnh cảm tình dục.

Dương vật và hai túi tinh của dê điều trị chứng vô sinh của nam giới. Bài thuốc như sau: dương vật và hai túi tinh của dê (sấy khô) 5 bộ, thục địa 200g, kỷ tử 100g, đỗ trọng 100g, nhục thung dung 100g, ba kích 100g, hồ đào nhục 150g, trần bì 100g, hoàng bá 80g, bạch linh 100g, bạch thược 100g... Tán bột làm viên hoàn mật ong ngày uống 2 lần mỗi lần uống 10g.

Gan dê: Có tác dụng làm sáng mắt phối hợp với bài minh mục địa hoàng hoàn gia giảm để điều trị chứng mắt kém do can khí kém tinh của gan không đưa lên mắt làm mắt mờ.

Xương dê: Làm sạch nấu cao có tác dụng đại bổ nguyên dương điều trị chứng nam giới liệt dương, di tinh, người cao tuổi đau nhức xương khớp. Nếu điều trị liệt dương thì phối hợp với bài Bát vị gia vị.

Nếu điều trị chứng đau xương khớp thì phối hợp với bài Độc hoạt tang ký sinh: độc hoạt 8g, tang ký sinh 12g, tần giao 12g, phòng phong 12g, tế tân 4g, đương qui 8g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, sinh địa 12g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 8g, nhân sâm 12g, phục linh 12g, cam thảo 4g, nhục quế 6g, gia vị.

Nếu để bổ dưỡng thì phối hợp với bài Thập toàn đại bổ: đương qui 12g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, thục địa 12g, nhân sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, cam thảo 4g, hoàng kỳ 12g, nhục quế 6g.

Các bài thuốc trên ngâm riêng, cao xương dê ngâm riêng sau 30 ngày rót ra trộn lẫn với liều lượng 50/50 uống mỗi tối 30-40ml vào lúc ăn tối.

Lưu ý: Người có đờm hỏa, thấp nhiệt, tà khí vượng thì không dùng thịt dê để làm thuốc hoặc để ăn uống.

Theo TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng/SK&ĐS

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.