Ăn cá có tốt hơn ăn thịt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thịt cung cấp dưỡng chất cho cơ thể; thực phẩm từ cá lại dễ hấp thu. Nhiều người vẫn băn khoăn, ăn cá có tốt hơn ăn thịt?
Theo Viện Dinh dưỡng, thịt cung cấp cho cơ thể các axit amin cần thiết, các axit béo giúp cho sự phát triển của nhiều tổ chức, cơ quan trong cơ thể.
Ngoài ra thịt còn có các chất khoáng, vitamin và là nguồn các yếu tố vi lượng như vitamin A, sắt, kẽm, đồng, coban, selen;... là nguồn vitamin nhóm B rất tốt (B1, B6, PP, B12…).
Nhưng trong quá trình tiêu hóa, thịt tạo ra nhiều sản phẩm trung gian không tốt với cơ thể, trong thịt lại có nhiều mỡ, nhiều axit béo no và cholesterol, đặc biệt là trong các phủ tạng hàm lượng cholesterol rất cao, nếu ăn nhiều sẽ làm tăng các nguy cơ bị các bệnh về tim mạch, cao huyết áp.
Cá và các chế phẩm từ cá là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Trước hết đó là nguồn protein quý, có đủ các các axit amin cần thiết, mỡ cá có nhiều vitamin A, D và axit béo chưa no có nhiều mạch kép các loại (là những axit béo cần thiết có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể).
Cá, nhất là cá biển có nhiều chất khoáng quan trọng như canxi, photpho, clo, natri, fluo và các yếu tố vi lượng (đồng, coban, kẽm, i ốt.... ). Lượng i-ốt ở một số loại cá biển rất cao, ví dụ như cá thu có từ 1,7 - 6,2 mg/ kg. Thịt của cá dễ tiêu thụ và dễ hấp thu, tổ chức liên kết phân phối đều nên khi nấu chóng chín, mềm, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu.
Do đó, theo chuyên gia dinh dưỡng, cá, thịt đều có giá trị dinh dưỡng cao, vì vậy nên ăn cả cá và thịt đồng thời phối hợp với các thức ăn khác để cung cấp đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng và tạo cảm giác ngon miệng.
Tuy nhiên, với người cao tuổi nên giảm bớt thịt, đặc biệt là thịt gia súc (loại 4 chân: bò, lợn, chó, dê…) và ăn cá nhiều hơn.
Theo số liệu điều tra về dinh dưỡng tại Việt Nam trong 10 năm gần đây (2010 - 2020), về khẩu phần ăn, nhìn chung đã có những cải thiện tích cực về năng lượng trung bình trong khẩu phần, ước hiện đạt 2.023 Kcal/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1.925 Kcal/ngày (năm 2010).
Đáng lưu ý, trong khi mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm thì mức tiêu thụ thịt tăng nhanh từ 84 gr/người/ngày (năm 2010) lên 136,4 gr/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn ở mức 155,3 gr/người/ngày.
Theo Liên Châu (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm