5 tác dụng phụ của việc uống quá nhiều nước trà xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ăn xong rồi uống nước trà xanh luôn là thói quen nhiều người đang mắc phải, điều này giúp giảm cơn khát, nhưng dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe.
 Nguồn: Chartwell
Nguồn: Chartwell
Nước trà xanh là một trong những đồ uống được yêu thích. Trà xanh có tác dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền, hơn nữa các hợp chất thực vật trong trà rất tốt cho việc giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, như ung thư, béo phì, tiểu đường và bệnh tim.
Mặc dù uống nước trà xanh vừa phải là một lựa chọn rất tốt cho hầu hết mọi người, nhưng vượt quá 3-4 cốc mỗi ngày có thể có một số tác dụng phụ tiêu cực.
Dưới đây là những tác dụng phụ có thể xảy ra khi uống quá nhiều trà.
Giảm hấp thu sắt: Trà xanh rất giàu hợp chất tannin, hợp chất này có thể liên kết với sắt trong một số loại thực phẩm, khiến giảm khả năng hấp thụ sắt trong đường tiêu hóa. Thiếu sắt là một trong những thiếu hụt chất dinh dưỡng phổ biến nhất và nếu cơ thể có lượng chất sắt thấp, uống quá nhiều trà có thể làm trầm trọng thêm tình trạng. Những người có lượng sắt thấp thì nên tránh uống trà giữa các bữa ăn.
Tăng sự lo lắng, căng thẳng và bồn chồn: Lá trà tự nhiên chứa caffeine, uống quá nhiều caffeine từ trà, hoặc bất kỳ nguồn nào khác, có thể góp phần vào cảm giác lo lắng , căng thẳng và bồn chồn. Với những người có thói quen uống nước trà, khi thấy hiện tượng bồn chồn, lo lắng, đấy là dấu hiệu uống trà quá nhiều, cần giảm số cốc trà uống mỗi ngày.
Ngủ kém: Lá trà có chứa caffeine, việc uống quá nhiều làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của bạn. Melatonin là hoóc môn báo hiệu cho bộ não rằng đã đến giờ đi ngủ. Trong khi đó, caffeine có thể ức chế sản xuất melatonin, dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém. Ngủ không đủ giấc có liên quan đến một loạt các vấn đề tinh thần, bao gồm mệt mỏi, suy giảm trí nhớ và giảm sự chú ý. Hơn nữa, thiếu ngủ mãn tính có liên quan đến việc tăng nguy cơ béo phì và kiểm soát lượng đường trong máu kém.
Buồn nôn: Một số hợp chất trong trà có thể gây buồn nôn, đặc biệt là khi tiêu thụ với số lượng lớn hoặc khi bụng đói. Tannin trong lá trà tạo nên vị đắng, chát của trà, gây kích thích mô tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng khó chịu, chẳng hạn như buồn nôn hoặc đau dạ dày.
Chứng ợ nóng: Chất caffeine trong trà có thể gây ợ nóng hoặc làm gia tăng các triệu chứng trào ngược axit. Caffeine có thể làm giãn cơ thắt thực quản, nơi ngăn cách thực quản với dạ dày, cho phép các chất chứa trong dạ dày có tính axit dễ dàng chảy vào thực quản hơn, không tốt cho hệ tiêu hoá.
Hầu hết các tác dụng phụ xuất hiện khi uống trà có liên quan đến hàm lượng caffeine và tannin. Nếu cơ thể gặp bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi uống nước trà, thì nên thay đổi loại nước uống, và điều chỉnh số lần uống nước trà trong ngày, và đặc biệt không uống trà khi đói, mệt.
TheoTRẦN LINH (LĐO/THEO HEALTHLINE)

Có thể bạn quan tâm