Theo chuyên trang Medical News Today, mặc dù béo phì là căn bệnh phổ biến, nhưng vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm dẫn đến nhiều lầm tưởng và thậm chí là sự kỳ thị trong xã hội về căn bệnh này.
|
SHUTTERSTOCK |
1. Béo phì gây ra bệnh tiểu đường. Sự thật là béo phì không trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường. Nó là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, không phải ai bị béo phì cũng sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2 và ngược lại.
Bên cạnh đó, béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường thai kỳ, nhưng tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường loại 1.
2. Người béo phì thì lười vận động. Sự thật là có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì hơn là lười vận động. Một nghiên cứu hồi năm 2011 đã chỉ ra mức độ hoạt động của một người trưởng thành không ảnh hưởng đến cân nặng của họ nhiều như chúng ta đã nghĩ, đặc biệt là đối với phụ nữ. Bởi cân nặng còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khác, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng nạp vào hằng ngày.
3. Béo phì là bệnh di truyền. Mối quan hệ giữa béo phì và di truyền rất phức tạp. Tuy nhiên, không phải ai có người thân bị béo phì cũng sẽ mang căn bệnh như vậy, dù nguy cơ mắc của họ có thể cao hơn.
4. Để giảm béo phì, chỉ cần ăn ít hơn và vận động nhiều hơn. Việc ăn quá nhiều trong một thời gian dài có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến béo phì. Tuy nhiên, các tình trạng như mất ngủ, căng thẳng tâm lý, đau mãn tính, rối loạn nội tiết (hormone)... cũng có thể dẫn đến chứng ăn mất kiểm soát. Khi đó, việc ăn quá nhiều rõ ràng đang là một triệu chứng hơn là một nguyên nhân. Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân trực tiếp dẫn đến béo phì là rất quan trọng cho quá trình điều trị.
5. Béo phì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là sai lầm phổ biến nhất. Sự thật là béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim mạch, viêm xương khớp, ngưng thở khi ngủ và bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần. Do đó, việc giữ cân nặng hợp lý là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe nói chung.
Theo Trà Linh (TNO)