3 lần khủng hoảng và 3 lần kinh tế Việt Nam chuyển mình sau 1975

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
44 năm sau ngày đất nước thống nhất, kinh tế Việt Nam đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng, và cũng đã 3 lần chuyển mình vươn lên, từ một quốc gia thuộc nhóm kém phát triển, thu nhập thấp nhất thế giới, gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình (thấp), với mục tiêu đến năm 2045 cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại.
 
Đô thị Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh: Zing.vn)
44 năm sau ngày thống nhất đất nước, gần 33 năm tính từ thời điểm công cuộc đổi mới tại Việt Nam được thực hiện với Đại hội VI của Đảng là bước ngoặt lịch sử. Nhờ cải cách thể chế, sức sống của nền kinh tế Việt Nam, của cả một xã hội, đã bật dậy mạnh mẽ. Trong ngày thống nhất nhất đất nước, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư (SCCI), nguyên thành viên Tổ công tác chống lạm phát và GS. Võ Đại Lược, nguyên thành viên nhóm tư vấn cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai trong số nhiều “nhân chứng lịch sử” của những năm tháng kinh tế Việt Nam chuyển mình.
Nhớ thời “Cả nước làm không đủ ăn”
Thưa GS. Nguyễn Mại, ông có thể chia sẻ bối cảnh tế Việt Nam sau năm 1975?
GS. Nguyễn Mại: Ngày 30.4.1975 là một trong những dấu mốc trọng đại nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam. Sau 30 năm liên tục trường kỳ kháng chiến, chúng ta đã thực hiện được di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thống nhất đất nước. Đồng thời, là nền tảng để chúng ta xây dựng đất nước “hơn mười ngày nay” như mong muốn của Người. Đây là sự kiện không chỉ có ý nghĩa về mặt dân tộc, mà còn có ý nghĩa về mặt quốc tế, đánh dấu sự khởi đầu mới trong quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN. Dù tới năm 1995, Việt Nam mới gia nhập ASEAN, song việc chúng ta thống nhất đất nước vào năm 1975 là điều kiện nền tảng để có thể tham gia một cách bình đẳng, trên cơ sở hoà bình, độc lập dân tộc, chia sẻ lợi ích với các quốc gia Đông Nam Á. Do đó, từ sau năm 1975, số lượng các cuộc gặp mặt, tiếp xúc giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ngày một gia tăng. Tới khi Mỹ chính thức dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam vào năm 1995, nước ta đã gia nhập ASEAN. Sau đó 1 năm, Việt Nam tiếp tục gia nhập AFTA.
 
GS. Nguyễn Mại. (Ảnh: Internet)
Trở lại với tình hình kinh tế Việt Nam giai đoạn 1975-1985. Đó là giai đoạn chúng ta đã phạm phải một số sai lầm cơ bản. Lúc đó, chúng ta đặt rất nhiều  kỳ vọng vào phát triển kinh tế nhờ sức mạnh bổ sung vào những ưu thế hiện có và sẵn có của đất nước về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế của hai miền Nam - Bắc. 
Nhưng hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ không thuận lợi. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung khiến kinh tế Liên Xô bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng. Trong quan hệ quốc tế, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu thực hiện cấm vận kinh tế với Việt Nam. Còn ở trong nước, chiến lược phát triển kinh tế dựa trên cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp. Nền kinh tế chỉ dựa vào hai thành phần quốc doanh và tập thể, kinh tế tư nhân không được phát triển, thị trường không được công nhận… đã làm thui chột động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Có thể nói là cả nước làm không đủ ăn!
Giai đoạn khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng nhất là các năm 1983, 1984, 1985. Lạm phát bị đẩy lên mức 700-800%, tem phiếu phân phối thiếu thốn, người dân không đủ lương thực. Bốn mặt hàng dân dụng phụ thuộc lớn vào viện trợ của Liên Xô là xăng dầu; lương thực, bột mì; bông xơ phục vụ ngành dệt; phân bón thì lượng viện trợ giảm dần. Kinh tế đất nước gần như kiệt quệ.
Vậy bối cảnh quốc tế vào khoảng thời gian đó tác động ra sao tới Việt Nam, thưa GS. Võ Đại Lược?
GS. Võ Đại Lược: Do bị Mỹ cấm vận từ sau năm 1975 nên tình hình kinh tế Việt Nam giai đoạn 1975-1986 hết sức khó khăn. Cùng lúc đó, bối cảnh quốc tế xuất hiện nhiều diễn biến không thuận lợi với chúng ta. Ở Liên Xô và các quốc gia Đông Âu xuất hiện phong trào cải cách quản lý kinh tế, rất nhiều ý kiến phê phán mô hình quản lý kinh tế của Liên Xô là không phù hợp. Tại một số quốc gia châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã có những bước phát triển kinh tế “thần kỳ”, còn Trung Quốc cũng tiến hành cải cách nhưng giữa hai nước lúc đó mới xảy ra chiến tranh biên giới chưa lâu nên chúng ta cũng không tiếp thu gì từ họ.
 
GS. Võ Đại Lược. (Ảnh: Internet)
Trong bối cảnh quốc tế như vậy, Việt Nam vẫn nhận được nguồn viện trợ từ Liên Xô, nhưng đã hạn chế rất nhiều. Tình hình đó buộc Việt Nam phải cải cách, đổi mới. Song do mô hình Xô Viết vẫn tồn tại, vậy nên Tổng Bí thư Trường Chinh đã sử dụng Chính sách kinh tế mới của Lenin làm chỗ dựa, từ đó áp dụng vào bối cảnh kinh tế Việt Nam.
Sau rất nhiều cuộc họp, Tổng Bí thư Trường Chinh đồng ý với quan điểm phải bãi bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Song tư tưởng lúc đó vẫn coi tính kế hoạch là thuộc tính thứ nhất, tính hàng hoá là thuộc tính thứ hai.
Phải nói quyết định của ông Trường Chinh đã chịu nhiều sự phê phán của các vị lãnh đạo khác. Nhưng nhờ uy tín trong Đảng, tư tưởng của Tổng Bí thư Trường Chinh khi trình ra Trung ương đã nhận được sự đồng ý.
Tôi còn nhớ trước thềm Đại hội VI của Đảng, nhóm chuyên gia của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi viết báo cáo chính trị vẫn muốn tiếp tục duy trì kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Tới khi ông Trường Chinh đảm nhận cương vị quyền Tổng Bí thư, ông đã tập hợp nhóm chuyên gia chúng tôi để viết lại bản báo cáo chính trị theo tinh thần bác bỏ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, chuyển sang kinh tế hàng hoá.
Lúc này, tồn tại hai bản báo cáo chính trị. Khi đưa ra thảo luận tại Bộ Chính trị, có nhiều ý kiến không tán thành báo cáo của ông Trường Chinh. Rất may mắn, thời điểm báo cáo xuất hiện trùng với khoảng thời gian Liên Xô tiến hành cải cách. Khi ông Trường Chinh mang bản báo cáo đó sang Liên Xô để xin ý kiến của ông Mikhail Gorbachev và được ông này nhận xét tốt. Vậy nên, khi ông Trường Chinh về nước, các vị lãnh đạo đã không còn phản đối nữa và Đại hội VI của Đảng được tổ chức vào tháng tháng 12.1986 với tinh thần đổi mới kinh tế. Nghị quyết Đại hội VI có rất nhiều chương trình, nhưng có 3 chương trình quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tiếp nối, thực hiện là: Chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm; Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng; Chương trình sản xuất hàng xuất khẩu.
Công cuộc đổi mới năm 1986 là kết quả của quá trình đấu tranh về tư duy. Nhờ uy tín của Tổng Bí thư Trường Chinh, tinh thần dám chịu trách nhiệm, ủng hộ quan điểm đổi mới dám đứng ra bác bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp để chuyển sang kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đã làm thay đổi căn bản tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam lúc đó.
Phải chăng những diễn biến nêu trên đã dẫn tới những thay đổi ở Đại hội Đảng lần thứ VI tổ chức vào tháng 12.1986?
GS Nguyễn Mại: Có thể nói những áp lực nêu trên buộc kinh tế Việt Nam phải đổi mới, bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VI, tổ chức vào cuối năm 1986. Nhìn nhận một cách đầy đủ hơn, chúng đã có các cuộc cải cách cục bộ được thực hiện trước năm 1986, từ chia hộ, khoán khoản, khoán đến hộ và người lao động trong nông nghiệp, kế hoạch 3 phần (phần cho Nhà nước, phần cho thị trường và phần cho xí nghiệp) trong công nghiệp và đặc biệt là các cuộc cải cách giá, lương, tiền.
Cuộc cải cách cuối cùng vào tháng 8.1985. Lúc đó, chúng ta làm cùng lúc ba việc: thay đổi giá cả hàng hóa, thay đổi chế độ tiền lương, đổi tiền với hy vọng sự thay đổi đồng loạt này sẽ mang lại kết quả tích cực. Những ai trải qua thời kỳ đó đều nhớ, 1 tháng đầu thực hiện, mọi người rất mừng vì giá trị tiền tệ thay đổi, tiền lương được nâng lên, giá cả trên thị trường ổn định. Nhưng tới tháng 10.1985, sự thay đổi này không mang lại kết quả như ý khi giá cả leo thang, lương không đủ sống do bản chất nền kinh tế bị mất cân đối. Đó là cuộc thí nghiệm cuối cùng của cuộc cải cách giá, lương, tiền tính từ năm 1976 tới 1985.
 
Khung cảnh xếp hàng thời bao cấp. (Ảnh: Internet)
Bước sang năm 1986, Đảng và Chính phủ nhận ra, không thể tiến hành cải cách cục bộ trong khi không thay đổi cơ chế quản lý kinh tế. Từ đây, chúng ta có đường lối đổi mới cơ chế quản lý và biên chế trong nước, đoạn tuyệt với kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp để chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, mở cửa hội nhập quốc tế.
Qua đây, Nhà nước cũng nhận ra rằng không thể quản lý nền kinh tế mà không dựa vào phản ứng của các thành phần kinh tế như xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã, người dân…
Trước năm 1985, có trường hợp xảy ra ở hợp tác xã, là tới mùa thu hoạch nhưng xã viên không ra đồng gặt lúa bởi họ không nhìn thấy lợi ích từ hoạt động này. Thậm chí, nhiều nơi phải điều động cả bộ đội, học sinh đi gặt thay cho nông dân. Trong khi chủ nhiệm hợp tác xã có của ăn, của để, mua được cả xe riêng. Các xí nghiệp quốc doanh chỉ làm theo kế hoạch Nhà nước, khi có kế hoạch 3 phần cũng là lúc xuất hiện tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”.
Trong những năm tháng ấy, xuất hiện hai địa phương đã tạo ra sự thay đổi về cải cách nông nghiệp và phân phối lưu thông. Ở Long An, họ thực hiện bù giá vào lương để bán sản phẩm theo giá thị trường đối với cán bộ, công nhân, viên chức. Ở An Giang, họ thực hiện mua theo giá thị trường đối với mặt hàng nông sản, bán theo giá thị trường đối với mặt hàng công nghệ phẩm. Đây là hai đại phương tạo sự đột biến về phân phối hàng hoá, thu mua nông sản.
Tất cả những tích luỹ đó dẫn tới đường lối đổi mới tại Đại hội Đảng lần thứ VI. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta thừa nhận sai lầm về đường lối chứ không phải một chính sách cụ thể. Vậy nên, phải đổi mới từ tư duy tới hành động, sao cho phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Những năm kinh tế Việt Nam chuyển mình
Kinh tế Việt Nam đã thay đổi ra sao sau năm 1986, thưa ông?
GS. Nguyễn Mại: Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, chúng ta trải qua một giai đoạn nền kinh tế chưa phát triển được do chưa khắc phục về cơ bản những hệ luỵ cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội tạo ra. Tới năm 1991, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc, bước vào giai đoạn ổn định và phát triển. Tăng trưởng kinh tế của thời kỳ 1992-1997 đã cao gấp hơn hai lần của thời kỳ 1977-1991, 8,77%/năm so với 4,07%/năm.
Lạm phát của thời kỳ này cũng đã giảm mạnh so với thời kỳ 1986-1991 (bình quân năm là 9,5% so với 180,2%). Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 2 chữ số xuống còn một chữ số; đến năm 1996 còn 5,88%. Mất cân đối cán cân thương mại giảm dần và đến 1992, lần đầu tiên đã xuất siêu nhẹ. GDP bình quân đầu người tính bằng USD năm 1997 đạt 361 USD, cao gấp gần 4,2 lần năm 1988.
Việt Nam đã chuyển vị thế từ nước kém phát triển sang nhóm nước đang phát triển, từ chỗ bị bao vây, cấm vận sang bước đầu mở cửa hội nhập, tiếp nhận ODA (từ 1993 đến 1997, lượng vốn ODA cam kết là 10,8 tỷ USD, giải ngân gần 3,85 tỷ USD). FDI ttừ 1991-1996 thu hút 27,8 tỷ USD vốn đăng ký, bình quân 1 năm trên 4,63 tỷ USD, cao gấp 8,7 lần mức bình quân trong 3 năm trước đó, vốn thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD. Lượng kiều hối gửi về nước từ 1993 đến 1997 đạt gần 1,55 tỷ USD...
GS. Võ Đại Lược: Bên cạnh việc thực hiện 3 chương trình là: Chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm; Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng; Chương trình sản xuất hàng xuất khẩu. Cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp vẫn tồn tại trong thời gian ông Nguyễn Văn Linh giữ cương vị Tổng Bí thư. Tình hình mới xuất hiện vào năm 1989, khi ông Đỗ Mười trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Khi đó, lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao, khoảng 9%/tháng và nếu đà tiếp diễn thì sẽ đạt 110% năm. Lúc bấy giờ, có hơn 40 đề án chống lạm phát gửi đến ông Đỗ Mười từ rất nhiều cơ quan cả trong và ngoài nước. Thậm chí IMF đưa ra sáng kiến cho Việt Nam vay 2 tỷ đô la để chống lạm phát. Ông Đỗ Mười đọc hết nhưng chưa tán thành bất kỳ đề án nào.
Một lần đầu năm 1989, ông Lê Đức Thúy, thư ký của ông Đỗ Mười thông báo cho tôi là ông Mười muốn nghe đề án chống lạm phát của tôi. Khi tôi đến Văn phòng Chính phủ, ông Mười mặc bộ quần áo bộ đội đã ngồi đợi sẵn, trong căn phòng nóng nực.
Tôi trình bày phương án. Tóm tắt lại là lạm phát lên tới 9% tháng nhưng lãi suất chỉ 2-3% nên dân không gửi tiết kiệm mà tích trữ hàng hóa. Nhà nào cũng tích trữ săm, lốp xe đạp…  Dân không gửi tiền nên ngân hàng phải in tiền. Đó là nguồn gốc của lạm phát.
Tôi kiến nghị ba giải pháp. Một là nâng lãi suất thực dương lên 12%. Hai là tự do hóa kinh tế để dân tự do làm ăn buôn bán vì lúc đó vẫn ngăn sông cấm chợ, tất cả do Nhà nước cung cấp. Ba là mở cửa với thế giới bên ngoài.
Phương án của tôi bị nhiều chuyên gia phản đối, bởi nếu duy trì lãi suất thực dương cao như vậy, rât nhiều nhà máy, xí nghiệp sẽ phải đóng cửa, phá sản. Đối với phương án tự do hoá kinh tế, phải bãi bỏ toàn bộ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, nên nhiều người cũng ngại. Song ông Đỗ Mười vẫn cho thí điểm lãi suất 12% ở Hải Phòng. Một tháng sau, ông xuống Hải Phòng kiểm tra thì thấy dân bán hết hàng tích trữ để lấy tiền gửi ngân hàng, hàng hóa đầy trên thị trường, giá cả hạ xuống.
Về Hà Nội, ông Mười lại gọi tôi lên cho biết, cuộc thử nghiệm ở Hải Phòng rất tốt và thông báo là sẽ áp dụng toàn quốc. Sau đó, ông ban hành chỉ thị tăng lãi suất trên cả nước. Kết quả, lạm phát giảm từ 9%/tháng xuống mức rất thấp, thậm chí có tháng âm.
 
Phiếu mua lương thực thời bao cấp. (Ảnh: Internet)
Một lần, ông Mười gọi tôi lên phàn nàn, mỗi năm phải in thêm 300 tỷ đồng để bù mua nông sản của nông dân với giá đắt rồi bán như cho không ở thành phố. Ông băn khoăn, điều này cũng gây lạm phát và hỏi ý kiến tôi.
Tôi đáp lại giải pháp đã từng trình bày với ông trước đó, Nhà nước không nên làm việc đó mà để nhân dân tự do mua bán thì họ sẽ đưa lương thực, thực phẩm vào Hà Nội. Ông Mười tỏ ra ngần ngại. Tôi khuyên, đã có kinh nghiệm thí điểm lãi suất ở Hải Phòng, nay cho thí điểm dân tự do buôn bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm vào Hà Nội. Ông Mười do dự nhưng cũng ban hành chỉ thị cho dân mang hàng vào thủ đô.
Chẳng bao lâu, các chợ ở Hà Nội tràn ngập hàng hóa, Hà Nội dư thừa lương thực ngay lập tức và các cửa hàng mậu dịch không còn cảnh xếp hàng. Sau Tết âm 1989, ông Mười cho triển khai chính sách đó trên toàn quốc. Nhờ đó, hệ thống tem phiếu cũng được bỏ đi.
Liên quan đến chính sách mở cửa có rất nhiều chuyện đáng nhớ. Hồi đó, Việt Nam vẫn còn bị Mỹ cấm vận, may là còn nguồn hàng đưa về Liên Xô và Đông Âu. Tuy nhiên, Hải Quan vẫn siết rất chặt, cán bộ, sinh viên mang hàng về vẫn bị khám xét rất gắt gao.
Gặp ông Mười, tôi lại đặt vấn đề cho dân tự do buôn bán. Lần này, ông Mười không còn do dự như trước. Ông yêu cầu ông Nguyễn Công Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan bỏ luôn chế độ kiểm soát, không còn thuế má, bắt bớ. Nhờ vậy mà hàng hóa từ Liên Xô, Thái Lan đổ vào Việt Nam. Nhiều người giàu có lên từ đó.
Dường như Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV về khoán sản phẩm trong nông nghiệp đã tạo ra không khí hồ hởi trong nông thôn và bước phát triển mới về nông nghiệp, đưa Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?
GS. Võ Đại Lược: Khoán 10 là sáng kiến của ông Kim Ngọc và được chính thức áp dụng đầu những năm 1980 nhưng chưa giúp giải quyết vấn đề thiếu lương thực. Sau năm 1975, rồi bước sang những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, hợp tác xã với cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp không còn hiệu quả. Cơ chế khoán hộ được xem là giải pháp cởi bỏ, giao đất cho người nông dân. Nhưng người nông dân khi đó làm ra bao nhiêu, hợp tác xã đều thu mua hết với giá rất rẻ, rồi bán cho người dân thành phố theo hình thức tem phiếu, mỗi người chỉ được mua một khối lượng gạo trong quy định hàng tháng. Tới mức, có người còn ví von “Mua thì như cướp, bán thì như cho”.
 
 Cân lúa nộp cho hợp tác xã thời bao cấp. (Ảnh: Internet)
Điều này không có ý nghĩa với quá trình sản xuất nông nghiệp. Đầu năm 1989, ông Mười còn ký văn bản chỉ thị nhập khẩu 200.000 tấn lương thực
Chỉ sau này, khi ông Đỗ Mười cho tự do lưu thông hàng hóa mới thực sự giúp giải quyết vấn đề. Đến giữa năm 1989, thì lương thực bắt đầu dư thừa, đến cuối năm Việt Nam xuất khẩu được 1 triệu tấn lương thực. Đó là năm đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam xuất khẩu được 1 triệu tấn lương thực. Cuối năm 1989, dự trữ ngoại tệ vọt lên 200 triệu đô la từ 20 triệu đô la hồi đầu năm.
Vậy hai cuộc khủng hoảng kinh tế còn lại đã tác động tới Việt Nam ra sao?
GS. Nguyễn Mại: Việt Nam đang trên đà phát triển và mở cửa hội nhập thì xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ Thái Lan lan sang Hàn Quốc, Indonesia...
Do tác động của cuộc khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao trong thời kỳ 1995-1997, thì đến năm 1998 chỉ tăng 5,76%, năm 1999 chỉ tăng 4,77%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký, nếu năm 1995 đạt trên 6,9 tỷ USD, năm 1996 đạt gần 10,2 tỷ USD, thì năm 1997 còn gần 5,6 tỷ USD, năm 1998 còn gần 5,1 tỷ USD, năm 1999 còn gần 2,6 tỷ USD.
Lạm phát nếu năm 1996 ở mức 4,5%, năm 1997 ở mức 3,6%, thì năm 1998 lên mức 9,2%. Giá USD nếu năm 1995 giảm 0,6%, 1996 tăng 1,2%, thì năm 1997 tăng 14,2%, năm 1998 tăng 9,6%... Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm 1996 ở mức 33,2%, năm 1997 ở mức 26,6%, đến năm 1998 chỉ còn 1,9%. Nhập khẩu nếu năm 1996 còn tăng 36,6%, thì năm 1997 chỉ còn tăng 4% và năm 1998 giảm 0,8%, năm 1999 chỉ tăng 2,1%.
 
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1980-2014. (Ảnh: Internet)
Cuộc khủng tiếp theo tới từ nước Mỹ, tiềm ẩn từ cuối năm 2007, bùng phát vào cuối 2008, bắt đầu từ  khủng hoảng nhà đất, lan sang hệ thống tài chính, sang kinh tế thực, sang lĩnh vực lao động việc làm, lan sang các nước trên thế giới. Cuộc khủng hoảng này xảy ra trong điều kiện Việt Nam vừa mới gia nhập WTO từ đầu năm 2007.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 giảm xuống còn 6,31%, năm 2009 còn 5,32%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh về vốn đăng ký (từ 71,7 tỷ USD năm 2008 còn 21,5 tỷ USD năm 2009) và vốn thực hiện (từ 11,5 tỷ USD xuống 10 tỷ USD). Lượng khách quốc tế giảm từ trên 4,2 triệu lượt người xuống còn trên 3,7 triệu lượt người. Lượng kiều hối giảm từ 7,2 tỷ USD xuống còn gần 6,3 tỷ USD, vốn đầu tư gián tiếp sụt giảm mạnh...
Tốc độ tăng giá tiêu dùng cao trong năm 2007 (12,63%), bùng phát trong năm 2008 đã tăng tới 19,89% (tính bình quân năm đã tăng tới 22,97%). Giá USD nếu năm 2007 giảm nhẹ, thì năm 2008 tăng 6,31% và năm 2009 đã tăng 10,7%. Nhập siêu năm 2007 lên trên 14,2%, năm 2008 đã lên đến trên 18 tỷ USD và năm 2009 cũng gần 12,9 tỷ USD.
Ông Đỗ Mười và tấm giấy phép đầu tư nước ngoài đầu tiên
Nhìn lại lịch sử hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam được đánh giá đã có chiến lược đúng đắn để trở thành một điểm đến hấp dẫn của FDI. Nhưng để ban hành được tấm giấy phép có số ký hiệu 1/GP-KTĐN bằng nét bút dạ màu xanh năm ấy là nỗ lực của rất nhiều người?
GS. Nguyễn Mại: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời sau Đại hội Đảng lần thứ VI khoảng 1 năm, vào ngày 29.12.1987. Đây là văn bản luật đầu tiên thể hiện chính sách đổi mới, hội nhập kinh tế của Việt Nam. Ngay khi ra đời, Luật Đầu tư nước ngoài được đánh giá là cởi mở nhất khu vực lúc đó. So sánh với các quốc gia xung quanh trong khu vực, chỉ Việt Nam cho phép hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
 
Trước ngưỡng cửa của thời kỳ đổi mới năm 1986, việc soạn thảo và lấy ý kiến dự thảo Luật đầu tư nước ngoài lại gặp không ít trắc trở, đặc biệt khi điểm mấu chốt gây tranh cãi là tỷ lệ rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao nhiêu thì phù hợp. Ở thời kỳ được đánh giá là "giao thời", nhiều ý kiến cho rằng chủ trương mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ khiến nền kinh tế của Việt Nam bị "thôn tính". 
Nhiều người hiểu 100% vốn đầu tư nước ngoài nghĩa là tài sản của nhà đầu tư nước ngoài đặt trên Việt Nam, mà chúng ta sẽ không có quyền gì cả. Một thực tế khi đó là những nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều chưa cho phép hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài..uộc tranh luận giữa cho phép hay không cho phép hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam diễn ra rất căng thẳng. Nhiều ý kiến cho rằng không nên, nhưng hai người có quyền quyết định nhất lúc đó là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và ông Đỗ Mười - người sau đó trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, thấy rằng cần phải đưa hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vào Luật. Từ đó, Việt Nam mới có Luật Đầu tư nước ngoài được đánh giá là rất cởi mở trong bối cảnh đó.
Ông Đỗ Mười rất coi trọng việc thu hút vốn đầu tư quốc tế, đã chọn những người có năng lực và kinh nghiệm về đối ngoại như cố Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, cố Bộ trưởng Võ Đông Giang phụ trách lĩnh vực quan trọng; thường xuyên làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư để nghe báo cáo và chỉ đạo nhằm thực hiện đúng phương châm đa phương hóa và đa dạng hóa trong hội nhập quốc tế.
Viết tiếp câu chuyện cạnh tranh với người khổng lồ
Thưa GS. Nguyễn Mại, gần đây xuất hiện nhiều doanh nhân trẻ nhưng đã sớm thành công trên thương trường, trong số đó có không ít doanh nhân sinh năm 1975. Điều gì giúp thế hệ doanh nhân trẻ sớm đạt đạt được thành công như vậy?
GS. Nguyễn Mại: Sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt cuốn sách với nội dung về viết tiếp câu chuyện cạnh tranh với người khổng lồ, dự kiến cuốn sách được đặt tên là “Nâng tầng thương hiệu Việt”. Câu chuyện này bắt đầu từ Tân Hiệp Phát, một doanh nghiệp gia đình, sản xuất nước giải khát với thương hiệu Dr. Thanh. Họ có một nữ Phó Chủ tịch rất trẻ là bà Trần Uyên Phương, người đã có một cuốn sách viết bằng tiếng Anh có tên “Cạnh tranh với người khổng lồ” được xuất bản tháng 2.2019 tại Mỹ và gây tiếng vang lớn, khi một doanh nghiệp gia đình đã cạnh tranh được với Coca-cola Việt Nam. Có một số nguồn tin cho rằng, Coca-cola đã đàm phán với Tân Hiệp Phát để mua lại thương hiệu này với giá 2,2 tỷ USD nhưng họ không bán. Từ thành công đó, tôi cho rằng muốn phát triển kinh tế tư nhân, chúng ta không chỉ cần những DNNVV, mà cần phải tập trung phát triển thêm nhiều tập đoàn lớn.
Đối với thành công của thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay, đặc biệt là những doanh nhân sinh năm 1975, tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất mang lại thành công chính là môi trường sinh tháit. Trong cơ chế bao cấp, chúng ta chỉ tập trung cho kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, không khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã làm thui chột tất cả động cơ cá nhân, sáng kiến, ý tưởng của những người muốn kinh doanh, muốn bỏ tiền đầu tư làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội.
 
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.
Từ khi có kinh tế thị trường, chúng ta có kinh tế tiền tệ, đồng nghĩa với việc chúng ta có một nền kinh tế cạnh tranh. Những người có hoài bão, biết tận dụng thời cơ, có ý chí vươn lên sẽ tranh thủ mọi điều kiện để phát triển. Ví dụ như trường hợp của doanh nhân Trịnh Văn Quyết, từ một luật sư trở thành Chủ tịch của chuỗi doanh nghiệp xây dựng, bất động sản với những công trình, dự án xuất hiện ở mọi miền đất nước. Trong một lần trò chuyện với tôi, ông Quyết cho biết, vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008, thời cơ kinh doanh chỉ tới chậm khoảng 5 – 6 tháng, chắc chắn doanh nghiệp của ông sẽ phá sản, không thể có Tập đoàn FLC ngày hôm nay. Ở thời điểm đó, nhờ sự nhanh nhạy hơn người khác, ông Quyết đã vượt qua được rủi ro phá sản, dần tích luỹ được vốn và mở rộng kinh doanh. Khi thị trường chứng khoán dần phát triển trở lại, ông ấy đã mở công ty chứng khoán, đặt nền móng cho sự phát triển như hiện nay với hệ sinh thái bao gồm: bất động sản – xây dựng – hàng không – nông nghiệp.
Tôi vẫn khẳng định lại điều quan trọng nhất đối với một quốc gia chính là môi trường sinh thái. Những ai có tài năng, sáng kiến, dám kinh doanh, dám làm giàu, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần được tạo điều kiện phát triển. Vì sao nước Mỹ có rất nhiều tỷ phú? Họ gọi nước Mỹ là một khu kinh tế tự do, ở đó, luật pháp không ngăn cấm bất kỳ ai làm giàu, mà đơn giản chỉ hỗ trợ cho tất cả mọi người làm giàu.
Tôi còn nhớ cách đây 3 năm, giới khởi nghiệp ở Việt Nam từng gặp khó trước Điều 292 Bộ Luật Hình sự 2015 về việc cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Rất nhiều strartup đã tìm đường sang Singapore khởi nghiệp vì họ sợ sẽ vi phạm pháp luật Việt Nam, thậm chí phải ngồi tù. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyên gia và thấy rằng quy định như vậy không hợp lý, Quốc hội đã quyết định bỏ điều luật này. Kết quả, trong 2-3 năm qua, phong trào khởi nghiệp phát triển rất nhanh.
Điều này thêm một lần chứng tỏ người Việt Nam có tài kinh doanh, nhưng điều quan trọng là Nhà nước phải tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhất, thủ tục hành chính đơn giản nhất để các doanh nhân có thể phát huy năng lực của mình. Doanh nghiệp rất hi vọng Nhà nước sẽ tiếp tục công cuộc cải cách từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới nhiều lần, cần phải“trên nóng, dưới cũng nóng” chứ nếu “nóng” không đều, hay “trên nóng, dưới lạnh” thì rất nguy hiểm. Khi Thủ tướng đưa ra yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh, có những công việc được thực hiện nhưng không có tác dụng thực tế như gom những điều kiện kinh doanh trước đây thành một điều kiện, hoặc bỏ một điều kiện kinh doanh nhưng tạo ra thêm nhiều điều kiện mới…Trong khi doanh nghiệp làm việc với bộ máy cấp dưới chứ không phải những người thiết kế chính sách ở cấp cao nhất. Cấp cao nhất có đề ra chính sách hay, nhưng cấp dưới không thực hiện thì chính sách không thể đi vào thực tiễn, doanh nghiệp không phát triển được.
Theo ông, những yếu tố nào sẽ tạo nên một quốc gia thịnh vượng?
GS. Nguyễn Mại: Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Nếu như 30 năm đầu tiên sau cuộc chiến, chúng ta có thể giải thích đất nước chưa phát triển như kỳ vọng do hệ quả chiến tranh thì 30 năm tiếp đó, chúng ta không thể đổ lỗi cho bất kỳ điều gì. So với các quốc gia phát triển trước Việt Nam, Hàn Quốc mất 20-25 năm, từ một nền kinh tế xấp xỉ Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Trong khi chúng ta mất 35 năm để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Vì sao Việt Nam mất nhiều thời gian như vậy mà vẫn chưa đạt được thành tựu kinh tế tương tự các quốc gia khác?
Bởi thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam chưa phải tốt nhất. Trước đây, nhiều người từng có định kiến với những người làm giàu, những người làm kinh tế tư nhân thì nay không còn nữa, đây là một sự tiến bộ đáng kể. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Trong đó, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng cho thị trường phát triển.
Phải xây dựng hành lang pháp lý, chứ không phải xây dựng “một đoạn đường sắt để con tàu chạy trên hai đường ray”. Hiện nay, khiếm khuyết lớn nhất là thể chế chưa hoàn chỉnh, quy định nọ “đá” quy định kia. Việc thực thi thể chế còn khó khăn hơn, Thủ tướng vẫn liên tục chỉ đạo nhưng doanh nghiệp ở địa phương vẫn “kêu” rất nhiều.
Theo tôi, điều quan trọng nhất lúc này là phải hoàn thiện thể chế và thực thi thể chế. Nhiều chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam rất thấp. Tôi nhớ Tổng thống Indonesia từng tuyên bố: “Các chỉ số cạnh tranh của Indonesia xếp hạng trên 50 là nhục quốc thể”. Vậy nên, không có lý do gì khiến Việt Nam không thể làm được như Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Malaysia hay nhiều quốc gia khác.
Người Việt Nam phải tự tin là chúng ta không kém ai. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam, các công nghệ blockchain, fintech chúng ta chỉ đi sau các quốc gia một vài năm, còn việc triển khai hệ thống mạng 5G chúng ta đang có cơ hội đi sớm hơn họ. Phải tranh thủ cơ hội trong điều kiện chúng ta có nguồn nhân lực chất lượng cao, có quyết tâm để xây dựng những thành phố thông minh, chính quyền điện tử… Qua đó, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Hoàng Nhật/Thực hiện (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Toyota Avanza Premio sở hữu diện mạo mạnh mẽ và năng động

Toyota Avanza Premio 2022: Xe cho người tiết kiệm, giá trên 617 triệu đồng

(GLO)- Toyota Avanza Premio là mẫu MPV nhập khẩu từ Indonesia, được phát triển dựa trên nền tảng khung gầm DNGA của Daihatsu, mang đến một sự thay đổi mạnh mẽ trong thiết kế ngoại và nội thất. Xe sở hữu hai tùy chọn cấu hình là số sàn MT giá hơn 617 triệu đồng và CVT giá trên 617 triệu đồng.

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

(GLO)- Tại triển lãm ôtô Việt Nam 2024 (VMS 2024) ở TP. Hồ Chí Minh, GAC giới thiệu mẫu MPV GAC M6 Pro với hai phiên bản GL và GS. Đây là dòng MPV nhập khẩu từ Trung Quốc với thiết kế vuông vức và tiện ích hiện đại, hứa hẹn là một lựa chọn hấp dẫn trong phân khúc MPV có giá dưới 1 tỷ đồng.

Suzuki Ertiga: Mẫu MPV tiết kiệm nhiên liệu với động cơ hybrid, giá khởi điểm từ 596 triệu đồng

Suzuki Ertiga: Mẫu MPV tiết kiệm nhiên liệu với động cơ hybrid, giá khởi điểm từ 596 triệu đồng

(GLO)- Suzuki Ertiga 2022 là một trong những mẫu MPV cỡ nhỏ phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc xe gia đình. Với động cơ hybrid nhẹ, Suzuki Ertiga không chỉ mang lại khả năng vận hành ổn định mà còn tiết kiệm nhiên liệu vượt trội so với các mẫu xe cùng phân khúc.