Ngôi nhà có hoa dã quỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. Mới đến ngày thứ ba, anh viện lý do để tách đoàn. Có điều gì nửa như hối thúc nửa như gọi mời. Anh phải tìm đến ngôi nhà nằm ở rìa thành phố. Ngôi nhà ấy có những vạt hoa dã quỳ, tầm đầu tháng này những cánh hoa bắt đầu bung nở. Màu vàng kiêu ngạo vươn lên giữa cái nắng hanh hao cùng cái gió lồng lộng, phóng túng của vùng đất Tây Nguyên.

- Cô ấy đã bỏ đi cách nay chừng 2 năm, còn đứa con nghe nói gửi vào trường khuyết tật. Tội nghiệp!

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Người phụ nữ hàng xóm luống tuổi đã thông tin như vậy. Cảm giác hụt hẫng khiến anh quên mất một lời cảm ơn. Người phụ nữ nhìn anh dò xét như muốn nhận ra người quen, đã từng gặp. Anh bối rối, quay mặt, nhìn vào ngôi nhà bỏ không. Những vạt hoa dã quỳ lên cao, um tùm, nghiêng ngả sau trận bão vừa qua. Cỏ dại mọc tràn lối đi, xanh ngăn ngắt-những dấu hiệu cho biết chủ nhân chưa một lần quay lại từ khi bỏ đi.

2. Đã gần 5 năm. Thời gian qua như chớp mắt. Anh từng dự định sẽ trở lại vùng đất này, nhưng cuộc sống cơm áo, thêm nữa những đổi thay không lường trước trong công việc đã khiến anh chần chừ.

- Chú không được chụp ảnh cháu đâu, mẹ biết được là mắng cháu đấy!

Cô bé luyến thoắng, xua tay lia lịa khi anh mở máy ảnh. Cô bé khoảng năm, sáu tuổi. Gương mặt bầu bĩnh, cặp mắt tròn xoe, đen láy. Cái miệng nhỏ xinh như búp bê. Đôi môi thì đỏ như bôi son. Nhưng cô bé bị tật đôi chân nên phải ngồi xe lăn.

Anh đã tình cờ gặp cô bé khi rong ruổi khắp nơi trên vùng đồi bát ngát để tìm đề tài cho lần triển lãm sắp tới. Anh là một họa sĩ nhiều đam mê và sáng tạo. Thế nên anh quá bức bách trước sự tù túng, quẩn quanh, chỉ trong phạm vi thành phố và nhàm chán với những đề tài quen thuộc. Anh bắt xe rời nhà lên vùng đất lạ này, vừa tìm cảm hứng vừa là dịp thăm người bạn trước đây học cùng lớp.

- Mẹ cháu đâu rồi?
Nghe anh hỏi, cô bé ném vội cánh hoa dã quỳ vừa ngắt, chỉ tay về phía con đường trước mặt.
- Mẹ đi chợ rồi ạ!
Níu lấy cánh cổng, cô bé nghiêng đầu nhìn chiếc máy ảnh anh đeo trước ngực một cách chăm chú như thể đây là lần đầu tiên cô bé trông thấy nó vậy.
- Cháu rất thích vẽ và chụp ảnh chú ạ!

Anh bất ngờ trước lời bộc bạch của cô bé. Anh thầm nghĩ, mới từng tuổi này lại chưa đi học, sao cô bé lại có thể hiểu biết về hội họa và nhiếp ảnh.

Hình như biết được băn khoăn của anh, cô bé bảo:

- Chú đợi cháu tí nhé! Nói xong, cô bé dùng đôi tay bé bỏng đẩy cho vành bánh xe lăn quay  lui. Khi trở ra, cô bé chìa trước mặt anh mấy bức tranh vẽ bằng bút chì màu nguệch ngoạc. Anh cầm bức tranh vẽ khóm dã quỳ lác đác chừng năm bông, được tô bởi hai màu vàng, đỏ. Cô bé nhìn theo chờ đợi.
Anh trả lại bức tranh và xúc động thủ thỉ:
- Cháu vẽ đẹp lắm!
- Thiệt hả chú, cháu thích quá!
Cô bé reo lên, mừng rỡ. Khi nó nhìn xuống bức tranh, mấy sợi tóc mai lòa xòa che đi một phần  gương mặt, trông đáng yêu và có hồn lắm.  

Nắng đã nhạt. Quả đồi phía sau lưng nhà được nhuộm vàng sắc nắng cũng dần phai. Con đường đất đỏ chốc chốc bụi bay mù mịt khi một chiếc xe máy chạy qua. Khi anh vừa giơ tay chào tạm biệt cô bé, quay ra, dợm bước thì tiếng xe máy cũng vừa trờ tới.

- A, mẹ đã về!

Cô bé reo lên. Anh nhìn lại. Người phụ nữ khoảng gần ba mươi, ăn mặc gọn gàng, trông trẻ trung và nhanh nhẹn. Là Ngân. Thấy anh, Ngân nhíu mày, tỏ vẻ lạnh nhạt rồi vội vàng mở cổng, nhanh tay đẩy cô bé vào nhà. Cô bé chỉ kịp ngoái đầu lại nhìn anh. Ánh mắt lạ lắm, cứ ám ảnh, bám riết lấy anh, đến mãi sau này khi vẽ chân dung ai đó, đến phần vẽ đôi mắt anh luôn giật mình, nhớ về ánh mắt ấy.

Anh bất ngờ, cứ đứng tần ngần, nhìn hút theo. Ngân quay ra, bằng giọng nói dứt khoát nhưng đầy ẩn ức:

- Tôi không biết anh tìm kiếm tôi hay tình cờ ngang qua, nhưng xin anh đừng đến đây nữa. Mẹ con tôi đã chịu khổ chừng này là đủ rồi!

Buổi chiều, mây xám giăng ngang, kéo tuột bầu trời xuống thấp, báo hiệu một cơn mưa to sắp đến. Từng đợt gió tạt qua, vạt dã quỳ oằn rạp rồi vươn lên như cố lấy hết sức chống chọi.

3. Anh đã từng đọc ở đâu đó về những hệ lụy đớn đau mà con người vô tình vấp phải. Đành chấp nhận, chịu đựng và thỏa hiệp. Anh chưa biết nguồn cơn của Ngân là gì từ khi anh và cô chia tay nhau. Dù vậy, anh biết mình có lỗi khi dự phần vào số phận của cô. Họ không đến được với nhau, rất đơn giản do không thống nhất quan niệm hay định kiến mà mỗi người đem ra để bào chữa cho lý lẽ của mình.

- Mình chia tay nhau thôi! Anh đã rất bình tĩnh nói với Ngân như thế. Để mãi sau này anh tự trách mình sao quá phũ phàng chấm dứt mối tình gần bốn năm.

Ngân không níu kéo, van xin, điều này khiến anh chột dạ. Cô nhìn sâu vào mắt anh, giọng dứt khoát đầy ngạo nghễ:

- Được thôi, em sẽ không hối hận vì từ bỏ anh!

Nói xong, Ngân đứng bật dậy và đi ngay. Cô cắt mọi liên lạc với anh. Anh hụt hẫng và tự trách mình. Nhưng rồi cái đồ án tốt nghiệp và những chuyến đi thực tế tìm tư liệu khiến anh dần quên. Nghe đâu, Ngân bỏ học nửa chừng đi làm thêm. Sau đó gặp một người đàn ông lái xe chở hàng tuyến Tây Nguyên. Anh chỉ biết chừng ấy về Ngân.

Anh lại đến ngôi nhà ấy lần nữa trước khi kết thúc đợt thực tế sáng tác. Con đường dẫn ra ngoại ô rộng rãi, nhìn đến hút tầm mắt vẫn không ngoài hai hàng cây xanh rợp bóng mát. Bất giác, anh nghe văng vẳng lời Ngân:

- Có lẽ chúng ta nên quên hết mọi chuyện của quá khứ để tìm sự bằng an trong tâm hồn mình!

Nghe Ngân nói, anh hiểu tâm tư của cô đang xáo trộn ghê gớm. Lúc này đó, anh muốn nắm bàn tay gầy xanh đang run rẩy của Ngân nhưng anh kiềm lòng, giọng anh chùng xuống gần như là hơi thở:

- Nhưng không phải bằng cách trốn chạy, khước từ mà phải đối mặt để vượt qua! Anh sẽ bù đắp cho mẹ con em?

Anh nhìn Ngân chờ đợi. Ngân lảng tránh câu hỏi bằng cách nhìn mông lung khắp quả đồi trước mặt. Cỏ hồng mùa này trỗi dậy, từng sóng hoa bồng bềnh đuổi nhau theo gió.

Ngân quay lại nhìn anh, ánh nhìn nghiêm nghị, khiến anh giật mình. Vẫn giọng điệu ngày nào, Ngân rót vào anh những lời ráo hoảnh:

- Em xin lỗi, hệ lụy của mối tình đầu đã khiến em mù quáng nhận lời lấy ba của con bé. Để rồi những năm tháng ngắn ngủi bên người em gọi là chồng em lại nghĩ về những gì đẹp nhất trước đó với anh. Em điên rồ làm vậy để trả thù anh nhưng…. Thế nên, anh đừng nói thêm gì nữa…

4. Vị Giám đốc Nông trường chè nổi tiếng, bạn của một người trong đoàn, bắt tay thân mật từng người, rồi quay sang người phụ nữ đang lúi húi phân loại đọt, lá chè, giới thiệu:

- Đây là cô Ngân, công nhân giỏi của nông trường chúng tôi.

Trong lúc mọi người háo hức, giơ máy lên chọn góc chụp  thì anh lại bất ngờ đến há hốc mồm bởi cái tên và dáng người quen thuộc.

Anh ngồi bên Ngân. Lúc này, mọi người đã tản đi tìm khung cảnh khác để chụp ảnh. Ngân bây giờ đằm dịu hơn, lắng nghe anh nói nhiều hơn. Anh nôn nóng muốn biết về cô bé. Ngân mỉm cười nói rằng cô bé đã được gửi vào trường năng khiếu sau đợt khảo sát năng lực của một nhóm họa sĩ.

- Thế sao hai mẹ con không còn ở ngôi nhà cũ?
Ngân nhìn anh, thổn thức:
- Ngôi nhà ấy không giữ được.
- Nghĩa là...?-Anh cắt lời.
- Những cánh hoa dã quỳ luôn không biết nép mình mà cứ vươn lên đầy ngạo nghễ để rồi cơn bão cuộc đời đã quật tả tơi…

Anh đã hiểu phần nào về cuộc hôn nhân của cô. Người đàn ông là chồng Ngân đã cờ bạc, nợ nần nên bán ngôi nhà. Một lần nữa cô không cho phép mình mềm yếu, khóc lóc…

Ngân cúi mặt, tức tưởi. Anh biết cần phải làm gì trong lúc này. Cảm xúc dâng ngập, anh mở rộng vòng tay ôm  cô vào lòng. Và cứ thế, nước mắt của Ngân thấm ướt vòm ngực anh!

Sơn Trần

Có thể bạn quan tâm

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...