Gia Lai : Vốn dịch chuyển vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đảm bảo đầu tư vốn tín dụng cho phát triển kinh tế-xã hội có trọng tâm, trọng điểm, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tích cực khảo sát nhu cầu và dịch chuyển tín dụng theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa có bước tăng trưởng mạnh về dư nợ…

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Tính đến nay, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn (NNNT) trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 55 của Chính phủ đạt 22.170 tỷ đồng (chiếm 38,7% tổng dư nợ) với 81.258 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, riêng ngành nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 80%. Điều đó cho thấy, ngành ngân hàng đã có sự chủ động tích cực triển khai đồng bộ nhiều chính sách nhằm phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất cà phê, cao su, hồ tiêu, mía đường với quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Theo đánh giá, tín dụng NNNT tăng trưởng mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngoài cho vay NNNT, tín dụng cho nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên còn tập trung vào xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Dư nợ hiện đã đạt 5.839 tỷ đồng với 14.937 khách hàng còn dư nợ, trong đó có 397 DN. Việc nỗ lực tìm kiếm khách hàng, mở rộng đối tượng vay vốn làm ăn ở hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như thủy điện, công nghiệp chế biến, chế tạo… đã góp phần đưa tổng dư nợ tín dụng toàn ngành trong 5 tháng đầu năm nay tăng khá.

Từ những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai nhận định: Việc triển khai thực hiện các chính sách cho vay tập trung vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, đồng thời có nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ vốn và điều chỉnh giảm lãi suất, đã giúp khách hàng giảm được chi phí vốn vay, ổn định và phát triển sản xuất. Hiện tăng trưởng tín dụng đã đạt 4,7%, và dự báo sẽ tăng mạnh từ đầu quý III trở đi. Với việc triển khai những chương trình, chính sách cụ thể, mục tiêu tín dụng tăng trưởng18% trong năm nay sẽ đạt được.

 

Tính đến cuối tháng 5-2016, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 58.300 tỷ đồng, tăng gần 27,5% so cùng kỳ năm trước và tăng 4,7% so cuối năm 2015. Dư nợ tăng trưởng đều ở cả kỳ hạn ngắn hạn và trung dài hạn. Trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm 65% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 35% tổng dư nợ.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Hiện nay, việc giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập và khả năng trả nợ của hộ nông dân và DN. Do đó, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh đang được ngành ngân hàng đặt ra với mục tiêu cụ thể. Đến nay, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ cho 62.150 khách hàng (trong đó có 1.726 DN), với dư nợ được điều chỉnh là 21.291 tỷ đồng (trong đó dư nợ của DN là 12.545 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với số tiền 593 tỷ đồng.

Cũng từ việc triển khai tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường thông qua chương trình kết nối ngân hàng-DN, ngành ngân hàng đã cho vay với doanh số lũy kế từ đầu chương trình là 30.390 tỷ đồng, doanh số thu nợ lũy kế là 14.662 tỷ đồng; dư nợ đến cuối quý I là 18.792 tỷ đồng. Việc cho vay ở mức lãi suất hợp lý, phổ biến ngắn hạn 6-7%/năm, trung dài hạn 10-12%/năm là cơ hội để DN mạnh dạn tính toán phương án sản xuất kinh doanh.

Trong một cuộc họp có nội dung liên quan đến việc thúc đẩy DN phát triển, bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội DN Gia Lai đánh giá: Mặc dù còn nhiều khó khăn đối với hoạt động của DN, song nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có việc đầu tư vốn đã giúp DN kịp thời tiếp cận và sử dụng vốn vay tốt để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo đà phục hồi và đẩy mạnh phát triển. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình của Hiệp hội, vẫn còn không ít DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ khó khăn trong việc xoay xở vốn hoạt động. Vì vậy, đề nghị ngành ngân hàng cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

(GLO)- Bám sát định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển sản phẩm xanh, sản phẩm OCOP.