BOT không minh bạch, khó tránh tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu làm đúng, chặt chẽ thì các dự án BOT giao thông đem lại lợi ích lớn cho quốc gia, ngược lại thì sẽ nảy sinh tham nhũng.

Tại tọa đàm trực tuyến "Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân (DNTN) phát triển" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 23-8, có ý kiến cho rằng việc đặt trạm thu phí BOT dày đặc, thu phí không hợp lý đang là một trong những nguyên nhân tạo gánh nặng chi phí cho DN và người dân.

Cả xã hội phải chịu đựng

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cho biết từ năm 2009, bộ này đã có những cảnh báo về bất cập trong phương thức đầu tư BOT nhưng không được các cơ quan thẩm quyền chú ý. Đến nay, những hạn chế này đã bộc lộ, gây bức xúc trong xã hội.


 

Do có nhiều bất cập trong việc thu phí, trạm thu phí Quán Hàu (Quảng Bình) nhiều lần bị người dân tụ tập phản đối
Do có nhiều bất cập trong việc thu phí, trạm thu phí Quán Hàu (Quảng Bình) nhiều lần bị người dân tụ tập phản đối


"BOT là chi phí không hợp lý mà cả xã hội chúng ta đang phải chịu đựng. Chúng ta làm BOT không theo một quy định nào cả. Khi triển khai các dự án BOT giao thông, chúng ta cứ nói chung chung là hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và DN. Thế nhưng, thế nào là hài hòa? Nếu hài hòa thì tại sao khi triển khai những dự án đầu tư theo hình thức BOT, các cơ quan chức năng lại không công khai, minh bạch?" - ông Đặng Huy Đông thẳng thắn.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh nhiều quốc gia đã đưa ra cảnh báo rủi ro xảy ra tham nhũng trong BOT luôn lớn nhất. Nếu làm đúng, làm tốt, làm chặt chẽ thì BOT sẽ đem lại lợi ích lớn cho quốc gia, ngược lại sẽ làm nảy sinh tham nhũng.

Theo ông Đông, để ngăn chặn rủi ro, lẽ ra việc thiết kế xây dựng các đề án, dự án BOT, nhà nước phải bỏ tiền ra làm, sau đó mới kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu. Chỉ có như vậy, nhà nước mới chủ động tính toán chi phí, lưu lượng xe, cũng như đầu vào, đầu ra của dự án để quyết định mức phí hợp lý, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, DN và người dân.

"Để DN làm hết và nhà nước chỉ đứng ở vị trí thụ động xem xét thì dễ dẫn đến nguy cơ chi phí đầu vào bị đẩy lên tăng lên gấp đôi, lưu lượng phương tiện bị hạ xuống thấp… Rồi nhiều thứ "tù mù" tính toán khác, cuối cùng phí BOT bị đẩy lên ở mức cao nhất, dài nhất, có lợi nhất cho DN" - ông Đông cảnh báo.

Khó tránh xung đột

Đánh giá về mức thu phí mà người dân phải trả cho các trạm BOT, ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ KH-ĐT, cho biết dư luận cũng nêu rất nhiều về vấn đề này. "Tại sao mỗi trạm BOT lại quy định một mức giá khác nhau, có trạm thì 25.000 đồng, có trạm lại 35.000 đồng? Vậy căn cứ vào cơ sở nào? Rõ ràng, người dân hoàn toàn không có thông tin gì về việc tính toán này cả" - ông Sơn băn khoăn.

Để khắc phục những sai phạm ở các dự án BOT, ông Trần Kỳ Sơn cho rằng điều khiến dân bất bình nhất là sự thiếu công khai, minh bạch. Ông Sơn đề nghị: "Cần phải khẩn trương quyết toán các dự án; xem xét, kiểm tra lưu lượng xe thực tế qua các trạm thu phí, sau đó công bố công khai cho dân biết".

Từ các vụ phản đối thu phí vừa qua, mới đây nhất là trạm BOT Cai Lậy, PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ Trường Đại học GTVT, nhìn nhận việc người dân đang đi trên những con đường miễn phí, giờ có BOT, lại phải trả phí, thậm chí phải trả phí cao nên xung đột là khó tránh khỏi. "Người dân càng bức xúc hơn khi phải trả phí cho những con đường kém chất lượng hoặc không xứng đáng với mức phí phải trả. Do đó, phải minh bạch, công khai với dân việc đầu tư xây dựng các dự án BOT để họ chấp nhận" - ông Toản nhấn mạnh.

Ông Phạm Sỹ Liêm-Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - đánh giá việc triển khai các dự án BOT ở Việt Nam không có các quy định cụ thể, rõ ràng nên rất dễ thiếu minh bạch. "Nhà đầu tư bỏ vốn 1 đồng nhưng kê khai 10 đồng ai mà biết được. Khi vận hành thu hồi vốn thế nào, giá vé bao nhiêu, thu phí bao nhiêu năm…, nhà đầu tư cũng tự tính toán thì đương nhiên, họ phải tính theo cách có lợi cho họ" - ông Phạm Sỹ Liêm phân tích.

Phải cho dân có sự lựa chọn

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, BOT là giải pháp tốt trong bối cảnh ngân sách nhà nước không đáp ứng được nhu cầu đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải được thực hiện minh bạch mới có hiệu quả. "Việc triển khai mỗi dự án BOT cũng phải tuân thủ nguyên tắc để người dân có sự lựa chọn trả tiền để sử dụng công trình tốt hơn, tiết kiệm thời gian đi lại hơn hoặc vẫn sử dụng đường cũ do nhà nước đầu tư mà không phải mua vé" - ông Phạm Sỹ Liêm góp ý.

Tô Hà - Văn Duẩn (nld)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.