Gia Lai: Thanh tra những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2018, ngành Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều sai phạm tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, ngành cũng đã tham mưu, đề xuất các ngành chức năng kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm.
Nhiều tập thể, cá nhân sai phạm bị phát hiện
Tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh, Thanh tra tỉnh đã phát hiện đơn vị này chi sai kinh phí phỗ trợ ăn trưa của trẻ 3, 4, 5 tuổi với số tiền hơn 3 tỷ đồng; không nộp trả ngân sách nhà nước số tiền gần 28 triệu đồng. Đặc biệt, đơn vị này đã lập chứng từ khống để chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng. Cũng qua thanh tra tại Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), Thanh tra tỉnh xác định đơn vị này đã lập chứng từ khống hợp thức hóa hồ sơ để rút hơn 393 triệu đồng từ ngân sách nhà nước; chi sai nguồn hơn 23 triệu đồng và không nộp tiền cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh gần 16 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng Thanh tra cũng phát hiện ông Nguyễn Công Dũng-Chủ tịch UBND xã Al Bá (huyện Chư Sê) có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền 81 triệu đồng của Nhà nước.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm 2018, Thanh tra tỉnh còn tiến hành thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm xảy ra trong thời gian dài tại các Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) trên địa bàn tỉnh. Riêng tại Ban QLRPH Ia Grai, Thanh tra tỉnh phát hiện đơn vị này không thực hiện đúng trách nhiệm của chủ rừng để hơn 360 ha rừng bị lấn chiếm, cháy. Đặc biệt, Ban QLRPH Ia Grai đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân địa phương để đưa họ ký các chứng từ hoặc giả mạo chữ ký trên phiếu chi thanh toán chi phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và thực hiện giao khoán trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng trồng từ năm 2009 đến nay không đúng đối tượng. Thanh tra tỉnh xác định, đơn vị này đã gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước với số tiền hơn 12,4 tỷ đồng.
  Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh bị phát hiện sai phạm gần 6 tỷ đồng. Ảnh: V.N
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh bị phát hiện sai phạm gần 6 tỷ đồng. Ảnh: V.N
Ban QLRPH Ayun Pa cũng bị phát hiện đã để mất hơn 550 ha rừng từ năm 2015 đến nay. Bên cạnh đó, từ tháng 4-2012 đến năm 2015, đơn vị này đã giao khoán bảo vệ rừng cho 13 nhân viên không đúng quy định với tổng số tiền gần 263 triệu đồng; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, nghiệm thu nên đã thanh toán tiền khoán bảo vệ rừng cho diện tích không có rừng với số tiền hơn 70 triệu đồng; thực hiện thu, chi không đúng quy định của pháp luật với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến năm 2017, đơn vị đã thanh-quyết toán cho một số nội dung không đúng quy định, sai nguyên tắc tài chính với số tiền hơn 826 triệu đồng. Các năm 2016 và 2017, đơn vị này đã chi phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm cho công chức, viên chức và từ năm 2014 đến năm 2017 đã chi phụ cấp kế toán trưởng không đúng đối tượng với số tiền hơn 454 triệu đồng. Ban QLRPH Đak Đoa cũng bị Thanh tra tỉnh yêu cầu thu hồi số tiền hơn 5,3 tỷ đồng sai phạm trong việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí trong 5 năm (2013-2017). 7 cá nhân tại đơn vị này cũng đang bị xem xét xử lý trách nhiệm, trong đó có các nguyên Trưởng ban. 
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh đã cùng các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra về việc san lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định pháp luật trên địa bàn TP. Pleiku và việc phân lô, bán nền khu vực rừng thông xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Qua đó, Thanh tra tỉnh đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất và yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc với 17 cá nhân là lãnh đạo, công chức của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Pleiku, Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Pleiku, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku và các đơn vị, cá nhân liên quan.
Tập trung thanh tra các “điểm nóng”
Trong năm 2018, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 146 cuộc thanh tra hành chính tại 174 đơn vị trên các lĩnh vực tài chính-ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý bảo vệ rừng, chăm sóc và quản lý diện tích rừng trồng… Qua đó, ngành Thanh tra đã phát hiện sai phạm về tài chính với số tiền hơn 44,6 tỷ đồng, kiến nghị nộp ngân sách nhà nước gần 22 tỷ đồng, giảm trừ khi quyết toán 3,6 tỷ đồng và đã kiến nghị tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với 32 tập thể, 103 cá nhân sai phạm.
Ngoài thanh tra hành chính, ngành Thanh tra cũng tiến hành 78 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 1.126 tổ chức, cơ sở và 1.470 cá nhân trên các lĩnh vực như công tác nội vụ; giá dịch vụ trông giữ xe; vệ sinh an toàn thực phẩm; kinh doanh vận tải; hoạt động khai thác khoáng sản… Qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã phát hiện 414 tổ chức, cơ sở và 611 cá nhân vi phạm và đã ban hành 1.025 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành Thanh tra cũng đặc biệt chú trọng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Riêng trong năm 2018, toàn tỉnh đã tiếp 3.494 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị (giảm 782 lượt so với năm 2017); tiếp nhận 279 đơn khiếu nại, tố cáo (giảm 94 đơn so với năm 2017). Trong số này đã xác minh, giải quyết xong 105/116 vụ phải xác minh, đạt 90,5%. Việc tiếp xúc, đối thoại với công dân đã từng bước gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người gây mất ổn định về an ninh trật tự.
Trao đổi với P.V, ông Trần Hữu Đức-Chánh Thanh tra tỉnh-cho biết, trong năm 2018, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng-chống tham nhũng đã được triển khai đúng kế hoạch, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Các kết luận kiến nghị xử lý sai phạm qua thanh tra đều đảm bảo tính chính xác, khách quan, kịp thời và đúng pháp luật. “Thời gian tới, Thanh tra tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận quan tâm và có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo như: công tác quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ rừng, quản lý tài sản công và việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia…”-ông Đức thông tin.
Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.