Nguy cơ tai nạn giao thông trên đường Tôn Đức Thắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đường Tôn Đức Thắng (TP. Pleiku) tuy nằm ở vùng ven thành phố nhưng từ lâu đã trở thành con đường huyết mạch. Con đường này chính là điểm đầu tiên của tuyến đường tránh nội thành, nối quốc lộ 14 tại ngã tư Biển Hồ và quốc lộ 19 tại ngã ba Chư Á. Bởi vậy, mật độ phương tiện lưu thông trên con đường này luôn ở mức cao, đặc biệt là các loại xe tải lớn. Đây là đoạn đường có mặt đường khá đẹp nhưng lòng đường hẹp, nhiều khúc cua quanh co tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Tại đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, nhất là vào mùa mưa.

  Đường Tôn Đức Thắng thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa. Ảnh: V.N
Đường Tôn Đức Thắng thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa. Ảnh: V.N

Trao đổi với P.V, bà Đặng Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, cho hay: Vào mùa mưa, đoạn từ Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu đến chợ Biển Hồ dài chừng 2 km thường bị ngập. “Ngày trước phải mưa lớn lắm đường mới có nước đọng, nhưng năm nay chỉ cần mưa bình thường thôi đã ngập cả một đoạn dài. Tình trạng này rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, bất tiện trong sinh hoạt và đây còn là tuyến đường bộ mặt của xã nên rất mất mỹ quan”-bà Ngọc cho biết.  

Theo ghi nhận của P.V, vào những ngày trời mưa, người dân phải rất vất vả mới có thể đi qua đoạn đường này. Nhiều xe bị chết máy do nước vào ống pô. Mưa thường xảy ra vào chiều tối cũng là lúc lượng xe lưu thông lớn khiến từng đoàn người phải mò mẫm để vượt qua đoạn đường “đau khổ” này. Chưa kể, khi trời tối, tầm nhìn hạn chế, lòng đường nước mênh mông như lòng sông khiến nhiều người dân không phân biệt được lề đường nên đã bị ngã. Những hộ dân ven đường cũng bị nước tràn vào nhà hoặc do các phương tiện ô tô đi với tốc độ cao khiến nước tạt vào.

Khu vực nguy hiểm nhất trên đoạn đường này chính là tại khúc cua trước cổng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu. Khúc cua này đã trở thành một “ao nước”. Không có đường thoát, nước đọng lại sau 1-2 ngày vẫn chưa kịp tiêu thì mưa tiếp tục đến. Ghi nhận vào chiều 10-7, sau một ngày nắng to, nước tại khúc cua này vẫn lấn sang qua vạch vôi giữa đường trong một đoạn kéo dài gần 50 mét vô tình ép lòng đường vốn hẹp nay càng hẹp hơn. Các phương tiện ở làn đường bị ngập nước buộc phải lấn sang làn đường bên kia để tránh “ao nước” này.

Nguy hiểm là vậy nên tại đoạn đường này thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn trớ trêu. Chị Nguyễn Kim Anh (nhà số 173 Tôn Đức Thắng) bức xúc: “Nước ngập cả tháng nay không rút được lại có ổ gà rất lớn ở lòng đường bị ngập nên tai nạn xảy ra liên tục. Thấy nhiều người bị ngã nên chúng tôi phải mang chiếc ghế sô pha ra đó để cảnh báo. Đêm hôm nghe tiếng kêu la là y như rằng có người bị tai nạn. Chúng tôi mong các cấp, các ngành sớm xử lý việc này chứ nguy hiểm quá”. Theo tin từ Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku, vào lúc 23 giờ 45 phút đêm 10-7 cũng đã xảy ra một vụ tai nạn ngay tại khúc cua này. Anh Vũ Duy Hà (trú tại thôn 3, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) điều khiển xe máy BKS 48B1-350.13 lao vào lề đường đâm vào gốc cây rồi tự ngã, bị thương rất nặng.   

Theo bà Đặng Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, vấn đề này người dân đã phản ánh nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp. Ủy ban nhân dân xã cũng đã gửi văn bản đến UBND thành phố và các đơn vị liên quan. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, khu vực này vẫn tồn tại như một ung nhọt trên tuyến đường huyết mạch. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, cho biết sẽ cử lực lượng kiểm tra để sớm có biện pháp xử lý.
 

 Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Những năm tháng cuối đời của Anh hùng Núp

Những năm tháng cuối đời của Anh hùng Núp

(GLO)- Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) để sưu tầm thêm tư liệu, phục vụ triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của người anh hùng huyền thoại (2/5/1914-2/5/2024).

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.