Tận thấy lâm tặc tàn phá rừng Chư Cố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm cách trụ sở UBND xã Ia Tul, huyện Ia Pa chừng 30 cây số, vùng rừng Chư Cố đang là miếng mồi ngon của đám lâm tặc ráo riết xẻ thịt trong những ngày cận Tết Nguyên đán.

Con đường đất bên hông trụ sở UBND xã Ia Tul, huyện Ia Pa băng qua các rẫy mì của người địa phương chừng hơn chục cây số thì tới lối mòn rẽ vào rừng sâu. Sau hơn hai tiếng đồng hồ luồn lách theo đường mòn lằn sâu dấu vết trâu bò kéo gỗ từ trên núi xuống, anh thanh niên người Jrai dẫn đường chỉ tay lên đỉnh ngọn núi cao phía trước nói: “Đỉnh Chư Cố đấy!”.

 

Một cây gỗ cổ thụ vừa bị đốn hạ nằm chắn ngang lối mòn dùng để kéo gỗ từ trên núi Chư Cố xuống. Ảnh: Đức Phương
Một cây gỗ cổ thụ vừa bị đốn hạ nằm chắn ngang lối mòn dùng để kéo gỗ từ trên núi Chư Cố xuống. Ảnh: Đức Phương

Bắt đầu từ đây, chúng tôi đã nghe thấy tiếng cưa xăng gầm rú vọng ra từ các cánh rừng lút sâu hai bên đường. Người dẫn đường cho hay đó là những người đi mót lại các gốc gỗ hương, trắc để về bán cho những người đục tượng. Càng đi sâu vào sát chân núi, dấu vết của việc tàn phá rừng càng lộ rõ hơn. Nằm vắt vẻo chắn ngang lối đi là một thân cây cổ thụ to chừng hai người ôm bị đốn hạ từ trước đó. Cạnh đó, có hai người đàn ông trung niên đang cầm cưa lốc bóc hộp một khúc cây cà chít dài hơn 3 mét, đường kính gần 40 cm ngay giữa lối đi. Thấy người lạ họ dừng máy cưa hất hàm dò hỏi: “Mấy anh đi đâu?”-“Chúng tôi đi kiếm mấy gốc mai rừng về chơi Tết”- người dẫn đường nhanh nhảu giải thích. Hai người nọ đưa ánh mắt xét nét nhìn chúng tôi rồi tắt máy cưa, đi khuất vào rừng cây rậm ven đường.
 

Xe bò chở gỗ hương của lâm tặc trên đường mòn từ núi Chư Cố xuống. Ảnh: Đức Phương
Xe bò chở gỗ hương của lâm tặc trên đường mòn từ núi Chư Cố xuống. Ảnh: Đức Phương

Kể từ đây, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những lóng gỗ đường kính chừng 35-40 cm, chiều dài gần 6 mét do lâm tặc để lại hai bên lối đi. Nhất là đoạn suối Ia Brú vắt ngang lối mòn lưng chừng núi Chư Cố, có rất nhiều lóng gỗ  to dài được giấu bên dưới lòng suối có các bụi le um tùm che phủ. Người dẫn đường cho biết đó là các cây gỗ cà chít và dầu người ta lấy về làm cột và xà nhà sàn. “Theo quy cách cột cà chít đen hoặc đỏ sau khi đẽo lục giác, đường kính 30-35 cm dài 6 mét kéo ra bìa rừng bán mỗi cây giá xấp xỉ 3 triệu đồng. Loại hàng này giờ đang chuộng. Khắp vùng Đông sông Ba loại cây này chỉ còn sót lại ở núi Chư Cố”.
 

Nhiều lóng gỗ dài dùng làm cột nhà sàn do lâm tặc để lại trên đường rừng chưa kịp vận chuyển ra. Ảnh: Đức Phương
Nhiều lóng gỗ dài dùng làm cột nhà sàn do lâm tặc để lại trên đường rừng chưa kịp vận chuyển ra. Ảnh: Đức Phương

Tại một bãi đất bằng chừng năm chục mét vuông bên cạnh lối đi, chúng tôi bắt gặp một xe bò chở nhiều khúc gỗ hương dài chừng 1,5 mét đã xẻ hộp theo quy cách 30-40 cm còn tươi màu nhựa và nhiều lóng gỗ tròn màu đen nằm lăn lóc dưới đất. Một anh thanh niên người ở địa phương dựng chiếc xe Hon da đặc chủng trơ khung sắt phía sau chở hai cục gỗ hương dài hơn nửa mét đường kính 40-45 cm. Được chúng tôi chia sẻ cho 1 chai nước suối giúp giải cơn khát, anh vô tư khoe: “Hai cục hương này về bán cho dân đục tượng kiếm không dưới 2 triệu đồng đâu!”
 

Một gốc cây rừng vừa bị đốn hạ còn tươi màu nhựa. Ảnh: Đức Phương
Một gốc cây rừng vừa bị đốn hạ còn tươi màu nhựa. Ảnh: Đức Phương

Để phục vụ cho việc chặt trộm gỗ, lâm tặc đã ngang nhiên dựng cả lán trại ngay lưng chừng núi Chư Cố. Trước mắt chúng tôi, nhiều bãi tập kết gỗ chỉ còn các tấm bìa và cành, ngọn bị bỏ lại ngổn ngang sau khi lâm tặc đã bóc hộp gỗ mang đi. Thi thoảng lại bắt gặp các gốc cây rừng đường kính 40-50 cm mới bị đốn hạ còn rỉ nhựa. “Người ta chỉ chọn lọc để đốn hạ những cây gỗ cà chít, căm xe, dầu về bán làm trụ nhà sàn chứ không phải đốn bừa bất cứ cây gì như đi chặt củi nên rừng Chư Cố chưa đến mức bị cạo trọc”- người đẫn đường cho biết. Theo quan sát của chúng tôi, lối mòn hằn vết trâu, bò kéo gỗ đã leo dần lên tận đỉnh núi Chư Cố cao chót vót. “Họ lựa chọn cây gỗ đẹp làm cột nhà sàn rồi đốn hạ, lao xuống theo triền núi. Sau đó dùng bò hoặc trâu kéo ra đến đường rộng, chờ đêm xuống sẽ chất lên xe độ chở đi”.
 

Bãi xẻ gỗ chỉ còn các tấm bìa và cành ngọn bị bỏ lại ngổn ngang. Ảnh: Đức Phương
Bãi xẻ gỗ chỉ còn các tấm bìa và cành ngọn bị bỏ lại ngổn ngang. Ảnh: Đức Phương

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết vùng Đông sông Ba có đàn trâu, bò phục vụ kéo gỗ khá đông đúc. Người địa phương cho biết giá mỗi con bò đực dùng để kéo gỗ lên đến 40-50 triệu đồng và giá trâu thì cao hơn đến gần 70 triệu đồng/con. Chuyện trâu bò kéo gỗ trên núi bị gỗ đè chết không phải là hiếm. Cách mấy hôm trước có một con trâu kéo gỗ trên núi xuống bị gỗ lăn dìm cả trâu và gỗ xuống suối chết ngạt. Chủ trâu đã xẻ thị đem ra thị xã Ayun Pa để bán. Chỉ hai chiếc đùi của con trâu kéo gỗ này xẻ ra thịt đã trải đầy trên một tấm bạt rộng.
 

Lâm tặc ngang nhiên dựng chòi “định cư” lưng chùng núi Chư Cố để đốn hạ gỗ. Ảnh: Đức Phương
Lâm tặc ngang nhiên dựng chòi “định cư” lưng chùng núi Chư Cố để đốn hạ gỗ. Ảnh: Đức Phương

Con đường rừng dẫn vào khai thác gỗ trên vùng núi Chư Cố dẫu xa nhưng đây lại là con đường độc đạo men theo suối Ia Brú. Lối chở gỗ từ rừng ra lại nằm sát trụ sở UBND xã Ia Tul. Cứ nhìn dấu vết lằn xe chở gỗ lõm sâu thành hai vệt dài còn tươi mới trên đường như thế, không lý gì chính quyền địa phương và ngành chức năng ở đây lại không biết chuyện?

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.