Hà Đông chuyển mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại Hà Đông, xã xa nhất và khó khăn nhất của huyện Đak Đoa. Dù còn nhiều thiếu thốn nhưng Hà Đông đang từng ngày thay da đổi thịt với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên khá nhiều.

Trước đây, nói đến Hà Đông, nhiều người thường nghĩ ngay đến một xã xa xôi nằm lọt thỏm giữa rừng già Trường Sơn. Để đi từ trung tâm huyện đến xã, dù khoảng cách chỉ chừng 50 km nhưng phải mất cả ngày trời vì phần lớn là đường đất. Thậm chí, vào mùa mưa bão, xã gần như bị cô lập với bên ngoài. Vậy nhưng bây giờ, xuất phát từ trung tâm huyện, chúng tôi chỉ mất hơn 1 giờ chạy xe trên con đường nhựa là đã có mặt tại trung tâm xã.

 

Hà Đông ngày càng đổi thay. Ảnh: Đ.T
Hà Đông ngày càng đổi thay. Ảnh: Đ.T

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã trên những con đường được đổ bê tông phẳng lì, ông Lương Minh Thiện-Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông, vui vẻ nói: Từ khi Nhà nước đầu tư làm 15 km đường bê tông liên xã từ Đak Sơ Mei vào, Hà Đông đã không còn là xã vùng sâu, vùng xa nữa. Cũng nhờ đó mà hoạt động giao thương mua bán các mặt hàng nông sản, nhu yếu phẩm của người dân được thuận lợi.

Sản phẩm của bà con làm ra không còn bị tư thương ép giá. Nhu yếu phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống cũng đã được các “công ty hai sọt” đưa đến tay người dân hàng ngày. Về đường liên thôn, xã đã được đầu tư làm đường bê tông xi măng 11,5/12 km với mặt đường rộng 3-3,5 m. “Năm tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện đường liên thôn 100% bê tông. Việc xây dựng hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa, khám-chữa bệnh tại huyện, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực  để xã xây dựng nông thôn mới”-ông Thiện cho biết thêm.  

Cùng với sự phát triển rất nhanh về cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế của người dân Hà Đông cũng ngày một nâng lên. Người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cơ giới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu trồng  lúa rẫy, mì thì nay đã biết trồng cây bời lời, cao su, lúa nước, bắp lai và  cả cây chuối mốc, cà phê, hồ tiêu...

Chị Xrên (làng Kon Sơ Lôk) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 2 sào lúa nước. Khi xã được xây dựng công trình thủy lợi, năng suất cây lúa nước tăng lên hẳn, góp phần giải quyết đáng kể nhu cầu lương thực tại chỗ. Ngoài ra, bà con còn tham gia hoạt động kinh tế tập thể và thành lập nhóm chung sở thích trồng lúa nước, được dự án hỗ trợ kinh phí dùng làm quỹ quay vòng vật tư, từ đó chủ động mua phân, giống phục vụ sản xuất, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Hình ảnh đổi thay rõ nhất ở Hà Đông là những vườn bời lời, keo lai xanh tốt trên  các sườn đồi, chẳng những góp phần phần phủ xanh đồi núi trọc mà còn giúp bà con tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo. Hiện xã có 750 ha bời lời và hơn 268 ha keo lai.  Đây là các loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp thổ nhưỡng và phương thức sản xuất của người dân. Ngoài ra, để phát triển kinh tế ổn định, xã đã thành lập được 22 nhóm chung sở thích với 288 thành viên gồm 5 nhóm trồng cây lúa nước, 5 nhóm trồng cây bời lời, 5 nhóm chăn nuôi bò, 7 nhóm trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Anh Thôl (làng Kon Pơ Dram) nói: “Nhóm chung sở thích trồng bời lời của chúng tôi có 15 hộ. Trước đây, mỗi khi đến chu kỳ thu hoạch, người dân trong làng bán luôn cả rẫy cho thương lái. Nhưng từ khi được Dự án nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng, nhóm tổ chức thu mua lại sản phẩm vỏ bời lời của bà con với giá cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg, giúp người dân có thêm thu nhập”.

Ông Nguyễn Hồng Việt-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông, cho hay: “Hà Đông vẫn là xã khó khăn nhất của huyện. Toàn xã có 840 hộ với 4.660 khẩu (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99%) và vẫn còn 498 hộ nghèo (chiếm 58,2%), 84 hộ cận nghèo (chiếm 10%). Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất của người dân tuy có chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế, năng suất lao động thấp và hiệu quả kinh tế chưa cao, trình độ dân trí chưa bằng với mặt bằng chung toàn huyện. Đặc điểm của xã là diện tích rừng tương đối nhiều và người dân vẫn còn thói quen du canh, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Cho nên giúp bà con thay đổi tập quán sinh hoạt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết”.

“Chúng tôi xác định trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi  núi trọc giúp người dân phát triển kinh tế bằng phương thức sản xuất phù hợp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của xã hiện nay. Vì vậy, xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia trồng rừng bằng các loại cây dài ngày như bời lời, keo lai. Hy vọng những thành công bước đầu sẽ giúp người dân ổn định cuộc sống, tăng thêm thu nhập, có thể sống được nhờ rừng. Làm tốt công tác này cũng có nghĩa nâng cao ý thức người dân  trong việc  quản lý, bảo vệ rừng”-ông Việt cho hay.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm