Kbang: Quan tâm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, huyện Kbang đã chú trọng công tác đào tạo nghề thợ nề cho người có nhu cầu ở địa phương. Sau khi đào tạo, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn  quan tâm tạo việc làm, giúp số lao động này có thêm thu nhập.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương, từ năm 2016 đến nay, ngoài các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, huyện Kbang đã mở được 4 lớp đào tạo nghề thợ nề cho 115 lao động nông thôn (đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số) trên địa bàn huyện.

 

Các học viên sau đào tạo nghề thợ nề có thể làm các công trình nhỏ như nhà cấp IV và đường giao thông nông thôn.                                               Ảnh: Gia Hưng
Các học viên sau đào tạo nghề thợ nề có thể làm các công trình nhỏ như nhà cấp IV và đường giao thông nông thôn. Ảnh: Gia Hưng

Trong quá trình đào tạo, học viên được tiếp thu những kiến thức cơ bản về xây dựng như: phân biệt chất lượng các loại vật liệu xây dựng, biết và sử dụng các dụng cụ cần thiết, nắm vững kỹ thuật căng dây giác móng, xây, trát, lợp láng, trộn và đổ bê tông đến hoàn thiện công trình. Do thời gian đào tạo chỉ khoảng 2 tháng nên trong công tác giảng dạy, giáo viên ưu tiên nhiều cho việc hướng dẫn thực hành, giúp học viên nắm vững các kiến thức căn bản của nghề thợ nề.

Anh Đinh Văn Blăng (làng Tờ Mật, xã Đông) cho biết: “Qua lớp đào tạo nghề này, anh em trong làng nắm được một số kiến thức căn bản về xây dựng. Nếu được địa phương bố trí thì chúng tôi có thể đảm đương các công trình phù hợp với trình độ tay nghề đã học như đường bê tông, nhà cấp 4 trên địa bàn xã và huyện. Chúng tôi cũng có thể tham gia làm công cho các nhà thầu trên địa bàn, giúp  nâng cao thu nhập cho bản thân cũng như cải thiện kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo lộ trình huyện đã đề ra”.

Còn bà Nguyễn Thị Liên-Phó Chủ tịch UBND xã Đông, cho hay: “Sau lớp học này, xã sẽ có kế hoạch bố trí công ăn việc làm cho các lao động đã được đào tạo. Cụ thể, xã sẽ làm việc với các đơn vị nhận các công trình trên địa bàn để số lao động này cùng tham gia. Nếu họ đủ khả năng nhận được công trình nào đó trên địa bàn (là công trình xây dựng nông thôn mới) thì xã sẽ giao cho thực hiện. Đây là những công trình mà yêu cầu kỹ thuật cũng không cao lắm”.

Để giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo, huyện Kbang đã chỉ đạo các địa phương thành lập các tổ, nhóm và tạo điều kiện cho số lao động mới đảm nhận những công trình, phần việc đơn giản trong xây dựng cơ bản trên địa bàn, nhất là thực hiện các công trình của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Dương Văn Thọ-Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Kbang, cho biết: “Nghề thợ nề thì chủ yếu truyền đạt cho các em những kiến thức cơ bản và tập trung quan tâm đến rèn luyện tay nghề. Trong đó, chú trọng thực hành bằng cách  cầm tay chỉ việc để các em biết như thế nào là vật liệu đạt chất lượng và giúp các em biết xây dựng công trình đảm bảo chất lượng và yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Trước khi kết thúc mỗi lớp học, huyện thành lập Hội đồng sát hạch để kiểm tra tay nghề của các em và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. Từ đó giúp lao động có thêm việc làm lúc nhàn rỗi để tăng thu nhập, cải thiện đời sống; đồng thời, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống như tự chỉnh trang lại nhà cửa, vườn tược, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Gia Hưng

Có thể bạn quan tâm