Xóa bỏ hủ tục cúng bái khi ốm đau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cúng bái mỗi khi ốm đau là tập tục được đồng bào Jrai ở huyện Krông Pa duy trì trong suốt thời gian dài. Bệnh nhẹ thì giết con gà, con heo; bệnh nặng thì đốt con trâu, con bò, chưa kể còn phải hậu tạ lễ vật cho thầy cúng. Tập tục lạc hậu này không chỉ tổn hại về kinh tế mà còn gây ra không ít hệ lụy. Nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành trong huyện, hủ tục này đang dần được xóa bỏ.

Xóa bỏ hủ tục

Trước đây, cũng giống như bà con trong buôn, gia đình chị Nay H’Rác (buôn Dù, xã Ia Mláh) thường tổ chức cúng bái khi trong nhà có người bị ốm đau, bệnh tật. Chị H’Rác còn nhớ, khi mẹ chị bị bệnh, gia đình đi coi bói và được thầy phán là bị “ma lai, thuốc thư”. Theo lời thầy bói, gia đình đã về đốt 1 con bò, mua 3 ché rượu cúng vái linh đình nhưng người bệnh vẫn không khỏi, thậm chí bệnh còn nặng thêm. Đến khi được nhân viên y tế khám, điều trị, bệnh của mẹ chị H’Rác mới giảm bớt. “Thầy bói nói mẹ mình bị trúng thuốc độc phải làm lễ cúng mới giải được. Nhà lúc đó nghèo lắm nhưng cũng phải cố gắng để có đủ lễ vật mà cúng cho mẹ khỏi bệnh. Cúng xong thấy bệnh nặng hơn, may được bác sĩ khám rồi cho uống thuốc mới khỏi. Bây giờ trong nhà có ai ốm đau là đưa đi khám ở bệnh viện chứ không cúng nữa”-chị Nay H’Rác nói.

 

Khám-chữa bệnh tại vùng dân tộc thiểu số.                                                                     Ảnh: Thanh Nhật
Khám-chữa bệnh tại vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật

Gia đình ông Ksor Na (buôn Nai, xã Ia Hdreh) cũng nhận thấy những tác hại của việc cúng bái khi ốm đau. Ông Na cho biết, trước đây, bà con ốm đau gì cũng chỉ biết dựa vào thầy cúng. Hủ tục này bao năm đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào Jrai trong buôn. Thầy cúng bảo sao thì nghe vậy, phó thác hoàn toàn sinh mạng người bệnh vào việc cúng bái. Nhiều nhà nghèo khi có người ốm đau phải cúng nhiều lần, chi phí tốn kém nên đã khó lại càng thêm khó. Vậy nhưng bệnh không khỏi, ngày càng nặng hơn, thậm chí có người chết vì không được điều trị kịp thời. “Trước đây, hễ có người đau bệnh, việc đầu tiên là người nhà đi coi bói, rồi cúng bái mất rất nhiều heo, gà, bò. Những năm gần đây, hủ tục này giảm đáng kể. Đảng, Nhà nước, chính quyền quan tâm, khi trong buôn có người đau bệnh đều đưa đi bệnh viện điều trị. Hiện nay, chúng tôi bỏ cúng bái rồi, không tin thầy bói nữa”-ông Na cho hay.

Không riêng gì ông Na, chị H’Rác, nhận thức của đồng bào Jrai ở huyện Krông Pa đã thay đổi hoàn toàn sau những trường hợp đáng tiếc xảy ra do không được cứu chữa kịp thời. Không ai còn nghĩ đến cúng bái khi có người thân đau ốm.

Nỗ lực của nhiều ngành

Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, cho biết, để có sự thay đổi nhận thức trong việc khám-chữa bệnh của người dân là nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó có sự tham gia của ngành Y tế. “Nhận thức của người dân đã thay đổi rõ rệt trong một thập kỷ trở lại đây. Trước đó, hủ tục này còn rất nặng nề trong các thôn, buôn. Đơn cử như bệnh xơ gan, ho lao vốn rất phổ biến trong cộng đồng người Jrai vì thói quen uống nhiều rượu, lây lan lao do không biết phòng bệnh. Biểu hiện của 2 căn bệnh này là gây ho (bệnh lao), chướng bụng (xơ gan). Nhưng hễ trong cộng đồng có người bị chướng bụng là đổ cho trúng thuốc thư, thuốc độc. Ngành Y tế phải cử cán bộ theo dõi sát sao, điều trị kịp thời cho các trường hợp bị bệnh. Nhiều người được bác sĩ chữa khỏi bệnh trở về làng đã làm cho người dân tin là có bệnh phải đi bệnh viện mới chữa khỏi. Không chỉ xóa bỏ hủ tục này, nhiều người dân còn chủ động đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám nhằm sớm phát hiện và kịp thời điều trị bệnh”-ông Bửu cho biết.

Công tác nhiều năm ở huyện vùng sâu, vùng xa có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, bác sĩ Đinh Viết Bửu cho biết thêm, chính hủ tục cúng bái khi ốm đau đã dẫn đến nhiều bi kịch đau lòng, đơn cử như vụ giết người do nghi thuốc thư ở xã Chư Ngọc năm 2016. Bác sĩ Bửu cho rằng, hủ tục này vẫn chưa thể xóa bỏ dứt điểm trong các thôn, buôn nên cần tăng cường công tác truyền thông.

Những năm qua, cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị phục vụ khám-chữa bệnh của ngành Y tế huyện Krông Pa đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được nâng cao. Ngoài việc khám-chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ y-bác sĩ, nhân viên y tế còn tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con các kiến thức về chăm sóc sức khỏe; cách phòng bệnh, ngủ màn, vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, hướng dẫn cách dùng thuốc an toàn, xóa bỏ các hủ tục, đồng thời giúp bà con tiếp cận các dịch vụ y tế, khám-chữa bệnh. “Truyền thông về y tế góp phần không nhỏ vào việc xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, việc tuyên truyền về quyền lợi của người dân khi khám-chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế đã khiến người dân tin tưởng và tìm đến các cơ sở y tế khám-chữa bệnh thay vì tin vào cúng bái”-ông Bửu cho hay.

Thay đổi nhận thức trong việc xóa bỏ những hủ tục, tập tục lạc hậu đã giúp cuộc sống của bà con ngày một tốt hơn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và sự phát triển chung của một huyện vùng sâu, vùng xa như Krông Pa.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm