Say với… trà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu không gặp anh Nguyễn Quốc Tuân, khó lòng hình dung rằng giữa Phố núi nổi danh với loại thức uống thượng hạng là cà phê lại có những người chỉ say mê với trà và các loại ấm chén. Và khi được mời nhấp trà vào một sáng lạnh lẽo bằng chiếc chén “Thiên mục cốt Tử Sa”-chén “mắt trời” làm bằng đất Tử Sa, ta càng hiểu vì sao thú vui này có sức hấp dẫn đến thế.

Anh Nguyễn Quốc Tuân (38 tuổi, 45/3 Phan Đình Giót, TP. Pleiku) hiện sở hữu trên 100 ấm trà cùng hàng trăm chiếc chén trà các loại. Tất cả đều được làm bằng đất Tử Sa, một loại đất sét đặc biệt ở thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)-nơi mà lịch sử của nghệ thuật chế tác ấm trà đã lên đến hàng ngàn năm.

 

Nguyễn Quốc Tuân bên những chiếc ấm trà được anh yêu thích nhất.         Ảnh: L.N
Nguyễn Quốc Tuân bên những chiếc ấm trà được anh yêu thích nhất. Ảnh: L.N

Không phải tự nhiên mà Tuân mê trà. Gia đình anh đã 4 đời gắn với cây chè, anh là đời thứ 4, hiện công tác tại Công ty Chè Biển Hồ (TP. Pleiku). Bởi vậy, không ngoa khi nói màu trà, mùi trà đã ngấm vào từng tế bào trong con người anh. “Cây trà nuôi tôi lớn”-anh nói. “Lớn” ở đây được hiểu ở cả 2 nghĩa: thể chất và tâm hồn.

Chơi ấm chén trà các loại đã hơn 5 năm, đến nay, Nguyễn Quốc Tuân có trong tay bộ sưu tập ấm trà đồ sộ, phong phú. Ấm nhỏ nhất dung tích chỉ 40 ml, ấm lớn nhất 430 ml, giá dao động từ 600 ngàn đồng đến 20 triệu đồng/chiếc. Ấm chén Tử Sa có nhiều loại, tùy vào màu đất tự nhiên: Chu Sa (đỏ bóng), Tử Sa (tím), Lam Sa (xanh lam), Lục Sa (xanh lá), Đoàn Sa (vàng), Hắc Sa (đen)… Mỗi chiếc ấm trà là cả một tác phẩm nghệ thuật được làm thủ công; tất cả đều có giấy chứng nhận của nghệ nhân làm ra chúng, mỗi nghệ nhân một bí quyết riêng, người nào càng có tay nghề bậc thầy thì giá trị sản phẩm càng cao.

Cầm trên tay chiếc ấm Cung Xuân Long Ẩn, anh Tuân giải thích: Cung Xuân là tên nghệ nhân sáng tạo ra chiếc ấm, trên ấm là dáng rồng đang ẩn hiện trong mây (Long Ẩn). Còn chiếc ấm Đức Trung thì có điểm đặc biệt không phải ở hình dáng mà bởi trong lòng chiếc ấm nhỏ xinh này có khắc kinh Bát Nhã. Đây là chiếc ấm rất được anh ưa thích. Những chiếc ấm quý còn phải kể đến là Tiếu Anh, Báo Xuân Mai, Thạch Biều, Tư Đình, Tây Thi… Anh Tuân chia sẻ: Điểm đặc biệt của ấm đất Tử Sa là độ kín khít đáng kinh ngạc của bình và nắp bình dù làm hoàn toàn bằng tay, khi xoay nhẹ nắp vào miệng bình nghe như có tiếng chạm gươm. Ấm Tử Sa cũng không nứt vỡ khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, vòi ấm thông thoáng, dòng chảy đều, trà đã pha trong bình dù để quên đến vài ngày cũng không thiu…

Càng tìm hiểu, càng ngạc nhiên bởi nét tao nhã, tinh tế của thú thưởng trà. Những người mê trà đều biết, trà uống ngon nhất là trong ấm đất sét, bởi trong đất có khoáng chất tự nhiên, khi chế trà thì các loại kháng chất này cũng thẩm thấu, cho ra hương vị thơm ngon. Mỗi loại ấm lại hợp với một loại trà khác nhau. Anh Nguyễn Quốc Tuân đưa ra ví dụ: ấm Báo Xuân Mai anh thường dùng uống trà Phổ Nhĩ, Đức Trung đi với Ô Long, còn Tư Đình thì không gì hợp hơn là trà Shan Tuyết...

 

Nâng trong tay chén trà quý, tôi băn khoăn: Chén đẹp và quý như vậy, nếu lỡ tay làm vỡ…? Tuân liền cười như không: “Có hình có hoại” (vật gì có hình dáng thì sẽ có ngày hư hỏng). Nếu xem mất-còn là việc thường thì đúng là anh đã “ngộ” được nhiều điều từ thú vui thưởng trà.

Đi cùng với các loại ấm kể trên, chén trà là thứ cũng đòi hỏi sự tinh tế không kém. Một vài loại được anh Nguyễn Quốc Tuân nêu tên: Thiên Mục Du Trích, Thiên Mục Thố Hào, chén gốm Tử Sa, chén sứ Cảnh Đức (Cảnh Đức trấn, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc), Hắc Sa Chu Nê… Trong số này, nổi bật là bộ chén Tứ đại Mỹ nhân bằng sứ thấu quang Cảnh Đức, giá 8 triệu đồng/bộ. Những chiếc chén trà có chiều cao gấp 3 lần chén thường này sẽ giữ hương trà tốt hơn; những ngày lạnh giá, ta có thể ôm trọn chén trong lòng bàn tay, vừa uống trà vừa… sưởi ấm. Chén Thiên Mục cũng có điểm đặc biệt là khi rót nước vào thì chiếc chén trông như một con ngươi hoàn chỉnh, đẹp đến ngỡ ngàng, thật đúng với triết lý: Chén trà chứa đựng cả nhân gian.

Rõ ràng, việc thưởng trà ở xứ sương mù này cũng là một thú vui. Với Tuân, trà giúp anh thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, không đua tranh, bon chen. Độc ẩm hay đối ẩm đều hay. Bên cạnh đó là được giao lưu với những người cùng sở thích, có thể bán hoặc mua các sản phẩm trên trang facebook có nick Tâm Việt Trà.

Nâng trong tay chén trà quý, tôi băn khoăn: Chén đẹp và quý như vậy, nếu lỡ tay làm vỡ…? Tuân liền cười như không: “Có hình có hoại” (vật gì có hình dáng thì sẽ có ngày hư hỏng). Nếu xem mất-còn là việc thường thì đúng là anh đã “ngộ” được nhiều điều từ thú vui thưởng trà.

Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm