Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai hoãn phiên xét xử vụ án Nguyễn Bổng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 28-10-2013, Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên hoãn phiên xét xử vụ án Nguyễn Bổng (53 tuổi, nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Ia Grai) bị truy tố với tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, dự án đầu tư xây dựng công trình đường ra xã biên giới Ia Chía-Ia O được UBND tỉnh Gia Lai giao cho UBND huyện Ia Grai làm chủ đầu tư. Nguyễn Bổng-Trưởng ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Ia Grai được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp, thực hiện dự án…

 

Nguyễn Bổng ngồi ngoài cùng ghế bên phải. Ảnh: Ngọc Linh
Nguyễn Bổng ngồi ngoài cùng ghế bên phải. Ảnh: Ngọc Linh

Theo các Quyết định số 1367/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu; Quyết định số 945/QĐ-UBND của UBND huyện Ia Grai về việc phê duyệt hồ sơ xây lắp công trình, ngày 6-12-2010, Nguyễn Bổng đã ký kết hợp đồng xây dựng số 55/2010/HĐ-XD với đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần xây dựng thương mại Bình An (trụ sở TP. Pleiku, Gia Lai) do bà Phạm Thị Quý Phượng làm Giám đốc, giá trị hợp đồng là 20.321.599.000 đồng, thời gian thực hiện từ ngày 6-12-2010 đến ngày 25-11-2011.

Khi ký hợp đồng xây dựng, Ban Quản lý Dự án Ia Grai đã tin tưởng Công ty Bình An đã làm nhiều công trình, trong hồ sơ năng lực thể hiện là Doanh nghiệp được xếp loại II nên đã không yêu cầu đơn vị thi công thực hiện bảo lãnh tạm ứng hợp đồng mà chỉ yêu cầu bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng với giá trị hơn 2 tỷ đồng.

Từ ngày 7-12-2010 đến ngày 16-6-2011, Ban Quản lý Ia Grai đã cho Công ty Bình An tạm ứng 4 lần với tổng số tiền là 10 tỷ đồng, tương ứng 50% giá trị công trình.

Cơ quan điều tra xác định, trong quá trình thực hiện, Nguyễn Bổng biết tiến độ thi công của nhà thầu không đảm bảo như tập trung máy móc, phương tiện, nhân lực không đầy đủ theo biểu tiến độ cam kết, nhưng nếu không giải ngân vốn kịp thời thì tỉnh sẽ chuyển vốn đi nơi khác nên đã “nhắm mắt làm liều”.

 

Nguyễn Thị Quý Phượng. Ảnh: Ngọc Linh
Phạm Thị Quý Phượng. Ảnh: Ngọc Linh

Đến ngày 7-7-2011, sau khi thi công được các phần việc phát quang tuyến; san ủi nền; bóc đất phong hóa; lu lèn độ chặt K95; đổ đất nền K98, chưa lu lèn, nhà thầu rút toàn bộ máy móc, thiết bị thi công và công nhân khỏi hiện trường mà không thông báo lý do với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát.

Cơ quan điều tra cũng chứng minh được, trong quá trình triển khai dự án, Nguyễn Bổng không báo cáo về việc Công ty Bình An tạm ứng vốn đồng thời cũng không có văn bản báo cáo về tiến độ thi công với UBND huyện Ia Grai.

Đối với số tiền tạm ứng, Phượng đã sử dụng mua ô tô, trả nợ ngân hàng, trả các khoản vay cá nhân… Phượng cho rằng không có khả năng trả các khoản đã tạm ứng (bị Cơ quan Điều tra truy đang cứu trách nhiệm hình sự ở vụ án khác). Ngày 26-9-2012, Nguyễn Bổng đã khởi kiện Công ty Bình An ra Tòa án Nhân dân TP. Pleiku yêu cầu trả nợ.

Kết luận tư pháp xây dựng thể hiện, giá trị khối lượng công trình mà Công ty Bình An đã thi công chỉ là 833.527.000 đồng, tương ứng 4,1% giá trị công trình, còn nợ hơn 9 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước 7,5 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.

Theo quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát và ông Đỗ Pháp- đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Nguyễn Bổng) thì Hội đồng Xét xử cần triệu tập thêm một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là đại diện UBND tỉnh Gia Lai vì đơn vị này chỉ đạo toàn bộ sự việc; đại diện Sở Kế hoạch-Đầu tư Gia Lai vì là đơn vị thẩm định năng lực của Công ty Bình An. Hội đồng Xét xử cho rằng các yêu cầu trên là hợp lý.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm