Phú Bổn: Miền đất huyền thoại tôi yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi tôi đến Tây Nguyên, miền đất phía Đông Nam Pleiku còn là một tỉnh riêng-tỉnh Phú Bổn và con đường 7 (nay là quốc lộ 25) nối với Phú Yên đi lại còn trắc trở. Sau ngày giải phóng, có dịp tôi về Ayun Pa, một trị trấn nhỏ còn hoang tàn bởi chiến tranh. Trong ấn tượng đầu tiên của tôi, đây là vùng đất bằng phẳng với những cánh đồng bát ngát dập dìu cánh cò bay và miền khí hậu đặc trưng-mưa ít nắng nhiều. Nhất là mùa khô, các sông suối nơi đây đều kiệt nước, sông Ba nhiều nơi có thể lội qua bình thường.

Lịch sử vùng đất Cheo Reo, thủ phủ của người Jrai đã khiến tôi tò mò muốn khám phá vẻ đẹp của nền văn hóa lâu đời, tiềm ẩn nhiều biến cố mà các bộ tộc ngụ cư nơi ngã ba sông này từng trải qua. Ngoài dấu ấn văn hóa Jrai bản địa với các Pơtao mang nét thần quyền gây sự chú ý của không ít du khách, nơi này còn có sự chồng lấn dấu tích văn hóa Chămpa dọc theo con sông Ba đầy huyền thoại mà không phải ai cũng biết.

 

Sông Ba trước đây là con đường duy nhất nối vùng Duyên hải với Tây Nguyên. Ảnh: K.N.B
Sông Ba trước đây là con đường duy nhất nối vùng Duyên hải với Tây Nguyên. Ảnh: K.N.B

Trong những trang sử còn mờ nhạt, người ta đã lần mò ra một xứ Man, được vua Lê Thánh Tông đặt tên-nước Nam Bàn, nơi mà các bộ tộc của Tây Nguyên đang sinh sống với bóng dáng của 2 vị thủ lĩnh người Jrai đầy quyền uy cai quản, đó là Pơtao Ia và Pơtao Pui (Vua Nước và Vua Lửa). Thực ra, các bộ tộc ở Tây Nguyên bấy giờ chưa có nhà nước đúng nghĩa mà thường phụ thuộc vào các đế chế mạnh hơn, như Lâm Ấp, Phù Nam, Chân Lạp, Chiêm Thành. Sau này, dưới triều Nguyễn, Tây Nguyên còn bị người Xiêm La xâm lấn. Nổi lên trong thời chiến tranh giữa các bộ tộc, các buôn người Jrai đã liên kết lại thành các tơring-đơn vị lớn hơn làng, buôn. Tuy nhiên, các tơring này cũng chỉ tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhất định và sau đó tan rã, trở lại với văn hóa truyền thống buôn-làng.

Mốc son đánh dấu thời kỳ người Tây Nguyên bản địa trở lại thời tự chủ của mình là vào cuối thế kỷ XV, khi vua Lê Thánh Tông đưa quân Nam tiến, kinh đô Đồ Bàn thất thủ, đất người Chiêm Thành bị đẩy về bên kia núi Đá Bia (Phú Yên). Lúc bấy giờ, châu Thượng Nguyên (bao gồm vùng Tây Nguyên ngày nay bị Chiêm Thành chiếm đóng hơn 300 năm) cũng không còn tồn tại trên bản đồ người Chăm nữa; vùng đất Hoa Anh (Phú Yên) và Nam Bàn (Tây Nguyên) trở thành những phiên quốc thuộc nước Đại Việt. Con đường bộ từ Phú Yên thời đó lên vùng Cheo Reo, đất của các Pơtao, có lẽ gần với con đường 7 ngày xưa, tức phải qua đèo Tông Á (đèo Tô Na) vì không phải băng qua nhiều đồi núi cao do vùng hạ lưu sông Ba khá bằng phẳng. Còn ở thời người Chăm cai quản, con đường giao lưu từ Phú Yên lên châu Thượng Nguyên chủ yếu là thuyền trên sông Ba, trừ mùa nước lũ.

Tôi có dịp lội ngược dòng sông Ba, và dấu ấn về nền văn hóa Chăm giờ vẫn còn lưu lại những dấu tích khá nguyên vẹn dọc đôi bờ mà ngày nay các buôn làng Jrai đang còn ngụ cư. Từ Thành Hồ ở bờ Bắc sông Đà Rằng (vùng hạ lưu sông Ba, cách cửa biển Đà Diễn khoảng 15 km) có một phế tích của người Chăm có từ rất sớm; các nhà nghiên cứu xem đây là trung tâm văn hóa Chăm ở vùng Phú Yên, nơi vừa có chức năng quân sự vừa là cửa ngõ giao lưu từ phía biển Đông và miền núi phía Tây. Trước thế kỷ XV, người Chăm đã có mối bang giao với các bộ tộc miền núi phía Tây và lần lượt áp đặt nền cai trị lên vùng đất rất giàu có về sản vật quý này. Những phế tích ở Ayun Pa mà các nhà nghiên cứu còn nhắc đến là một cụm công trình như: tháp Yang Mum, tháp Drang Lai và thành Quai King nằm theo thế chân kiềng. Tài liệu của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân-Giám đốc Bảo tàng tỉnh có nhắc đến ý kiến của Jacques Dourner cho rằng, Quai King ở Cheo Reo là trung tâm hành chính của người Chăm. Nếu đúng vậy thì đây có thể là cơ quan đầu não của chính quyền của Vương quốc Chiêm Thành có mặt đầu tiên trên đất Tây Nguyên, vì sông Ba là độc đạo nối vùng Duyên hải với Tây Nguyên bấy giờ.

Thật tự hào vì tôi đang được sống trong miền huyền thoại của vùng đất ngã ba sông...

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.