Tạp bút: Nỗi nhớ cây sặt…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Núi nằm bên kia sông, cách xóm một thôi đường xa. Ngày ngày mẹ vẫn dỡ cơm lội sông vào núi kiếm củi. Củi chà(1) thôi; núi nhỏ, lại gần làng, làm gì còn cây to? Tôi đi theo mẹ không phải chuyện củi đuốc mà vì… ham chơi: là dịp được tha hồ chạy nhảy nghê nga, chui bụi lủi bờ tìm chim chim, vú dẻ, ổi rừng…

Vậy nhưng lớn chút thì “tiêu chuẩn ăn chơi” ấy bị mẹ cắt mất… nửa phần; tức có làm mới cho chơi. Mẹ mài cây rựa nhỏ, bắt tôi cũng phải tập tành chuyện “phá sơn lâm” với mẹ. Củi đuốc khó chặt, phần mẹ lo. Riêng tôi, mẹ giao cho chuyện đi tìm chặt và gom cây sặt. Cây sặt (còn gọi cây lách) thuộc họ lau sậy (lớn hơn lau nhưng nhỏ hơn sậy), thân cứng, dài, khá thẳng, mọc rải rác khắp núi. Ngọn sặt thường trổ hoa trắng như lau. Đi tìm sặt, từ xa, người ta cứ dõi theo những cái hoa trắng kia mà phát giác nơi sặt “ẩn trốn”. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì không phải dễ ăn: cây sặt ít khi đứng riêng lẻ mà cứ nép mình lẫn trong các khóm lau sậy, lùm cây; lanh mắt và chui bụi lủi bờ cho hay mới mong tìm được.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

May, 2 năng lực trên tôi đều thuộc hàng “cao thủ”. Nhớ ngày đầu ra quân tôi rảo cả buổi cùng núi chỉ tìm được… 5 cây sặt, nhưng tuần lễ sau tôi đã thu gom được vài chục cây sặt đủ bó trong nửa buổi gọn bâng. Mẹ không cho chặt nhiều, chỉ đủ vác vừa sức tôi. Làm cho quen thôi, còn để lớn…, mẹ cười. Hôm nào vác sặt lỡ nặng, thấy tôi lom khom co đầu rút cổ, mẹ lại dừng gánh, đỡ vác sặt thảy luôn lên gánh của mẹ quẩy đi.

…Lần đó đi tìm sặt, tôi tình cờ lọt xuống một lũng đất sâu khuất nẻo. Trời đất, lù lù hiện trước mắt tôi nguyên xi một bụi sặt to đùng chưa ai phát giác. Những cây sặt suôn óng mỡ màng lô nhô vút thẳng. Ham quá, tôi cắm đầu chặt lấy chặt để. Tới lúc ngừng rựa thì, ôi thôi, đống sặt đã lù lù thành một bó to người lớn vác cũng lặc lè! Bữa ấy, báo hại mẹ phải làm việc bằng hai: cứ gánh củi đi một đoạn lại phải bỏ củi quay ngược lại vác sặt. Ráng về được tới nhà đã xẩm đen xẩm đỏ, hai chân mẹ cà lết bước muốn không nổi. Vậy nhưng mẹ vẫn xoa đầu tôi khen giỏi, vẫn cười…

Sặt kiếm được mỗi ngày ba đem chất đống chái nhà. Nhiều người hỏi mua nhưng mẹ không bán. Mẹ dùng cây sặt cắm choái khoai từ, khoai mài hay các loại đậu, dưa thân leo vụ Tết. Ba lựa mớ sặt già, suôn đẹp cất dành đan phên, liếp cửa. Tôi thó mấy cây sặt dài cong vút đem làm cần câu. Chị Tư cưa ngắn các nhánh sặt nhỏ, chuốt nhẵn đầu làm que đánh chuyền, bắt nẻ. Cây sặt ít mối mọt nên dùng rất bền; hết “niên hạn sử dụng” cho các việc chính, phế thải ra vẫn có thể tận dụng cắm làm rào ngăn gà ngăn chó. Dỡ rào thì cho vô bếp làm củi đun. Củi sặt dễ bén lửa, cháy rần rật khỏi chê, làm đóm mồi rất tốt. Công dụng “đáng ghét” duy nhất của cây sặt là dùng làm… roi cũng rất tốt. Vậy nên mỗi lần phạm lỗi, thấy mẹ đi vô đống sặt là tôi tái le tái lét, quanh quất kiếm đường chuồn…

Tết rồi về thăm quê, nghe chị Tư phàn nàn chuyện vườn rau bị gà bươi phá quá tay. Sao chị không vô núi kiếm vác sặt về cắm rào? Chị nhìn tôi như nhìn vật thể lạ ngoài hành tinh: Sặt đâu nữa mà kiếm? Núi thành núi trọc lâu rồi…

Y Nguyên
(1) Loại củi cây nhỏ, nhiều nhánh.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...