Bánh tráng cá cơm: Đặc sản sông nước vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại lòng hồ thủy điện Sê San 4 ở vùng biên xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) có hơn một trăm người dân đang tập trung sinh sống lênh đênh trên những căn nhà nổi. Cả đời họ gắn với nghề đánh bắt cá, làm khô cá các loại để kiếm kế sinh nhai. Gần một năm trở lại đây, phụ nữ trong làng chài đã sáng chế ra loại bánh tráng cá cơm. Món ẩm thực vừa ngon vừa lạ miệng này nhanh chóng trở thành đặc sản sông nước vùng biên.

Người đầu tiên “sáng chế” ra đặc sản này là bà Lâm Thị Đẹp. Thấy xóm chài ngày nào cũng đánh bắt được rất nhiều loại cá này mà chẳng có cách chế biến nào khác ngoài việc làm khô để trữ được lâu, trong một lần làm cỗ, bà Đẹp thử lấy cá cơm phơi khô trải đều lên bánh tráng và đem chiên như món bánh phồng. Ăn thử, mọi người đều tấm tắc khen ngon. Qua nhiều lần “thử nghiệm” cho phù hợp khẩu vị thực khách, đặc sản bánh tráng cá cơm ra đời.

 

Nhiều thực khách tấm tắc khen món đặc sản bánh tráng cá cơm.                                Ảnh: H.Đ
Nhiều thực khách tấm tắc khen món đặc sản bánh tráng cá cơm. Ảnh: H.Đ

Chúng tôi đến làng chài vào một ngày giữa tháng 8 để trực tiếp gặp chị Hà Thị Diễm Bé, cháu ruột bà Đẹp, người được bà truyền hết bí kíp làm món bánh tráng cá cơm trước khi chuyển về quê sống. Dưới ánh hoàng hôn dần buông, làng chài đẹp như một bức tranh, chị Bé vừa đều tay quết những mảng cá cơm lên chiếc bánh tráng nhỏ tròn, vừa cho chúng tôi biết về cách chế biến loại đặc sản vùng sông nước này với giọng đặc sệt miền Tây Nam bộ.

Chị Bé cho biết để làm được món bánh tráng cá cơm ngon, điều quan trọng nhất là cá phải thật tươi. Phải mua cá từ tờ mờ sáng, lúc ngư dân làng chài vừa đi cất vó về, sau đó rửa thật sạch rồi hong cho thật ráo. Lấy các loại gia vị gồm đường, bột ngọt, ớt, hành đem giã nhỏ, trộn đều cùng mẻ cá cơm rồi để cho thấm khoảng 5 phút. Bánh tráng phải là loại bánh tráng cuốn chả ram (dễ kết khi thấm nước). Lấy từng cái bánh đặt trên lòng bàn tay, sau đó quết cá đã được ướp lúc nãy lên trên bề mặt sao cho mặt bánh tráng được che kín bởi một lớp cá mỏng, sau đó đem phơi dưới nắng gắt một ngày thì đã có thành phẩm là món bánh tráng cá cơm.

Mỗi ký cá cơm tươi làm ra được khoảng 7 miếng bánh tráng cá cơm với giá bán 5.000 đồng/cái. Mỗi khi có đoàn du khách đến thăm, bà con làng chài lại lấy món đặc sản này ra thết đãi. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm được người dân trong xã, trong huyện biết đến và đặt hàng. Có khách đặt 100-200 cái để làm quà vì bánh tráng cá cơm ăn lạ miệng, có thể chiên giòn hoặc nướng than. Khi ăn, thực khách chấm với tương ớt hoặc mắm me cho thêm phần đậm đà. Chị Hà Thị Diễm Bé cho biết: “Bánh tráng cá cơm mua về để nơi thoáng mát có thể để đến nửa tháng. Lượng khách mua món đặc sản này cũng đều, họ gọi điện đặt trước rồi chúng tôi giao hàng tận nơi. Từ khi có loại bánh này, chị em làng chài cũng có thêm thu nhập. Cá cơm nước ngọt ở đây rất tươi nên bánh vừa ngon vừa đảm bảo vệ sinh”.

Ông Chế Hồng Quyền-Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, cho biết: “Chính quyền huyện đã xem xét chỉ đạo việc thành lập làng chài tại thôn 7, cho phép bà con tạm trú dài hạn. Lâu nay nghề chính của bà con là đánh bắt cá, kinh tế khá bấp bênh. Một năm trở lại đây, chị em làm thêm món bánh tráng cá cơm giúp tăng thu nhập cho gia đình. Chưa có đầu ra ổn định nên anh em các cơ quan, ban ngành đặt mua làm quà là chủ yếu, từ đó quảng bá món ăn này đến các vùng lân cận để giúp bà con phát triển kinh tế. Chưa kể nhờ vậy mà còn thu hút thêm lượng khách du lịch đến với làng chài Ia Tơi”.

Đến Ia Tơi vào xế chiều khi những tia nắng cuối cùng soi rọi xuống mặt hồ lấp lánh, ngồi trên những căn nhà nổi dập dìu theo sóng nước và thưởng thức món bánh tráng cá cơm chiên giòn rụm thơm phức, chợt thấy cuộc sống thật yên bình…

Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.