Một thời... "dế yêu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, có được cái điện thoại di động, gọi là “dế yêu”, là mơ ước “cháy bỏng” của nhiều người. Với người viết câu chuyện vui vui này cũng không ngoại lệ.  Xin miễn bàn về sự ra đời, phát triển, cải tiến và được du nhập vào Việt Nam của loại thiết bị điện tử “thông minh” này, mà chỉ xin nói đến chuyện có nó và dùng nó trong một thời... chưa xa.

Hôm đó, một buổi tối Phố núi đẹp trời, vào cuối năm 1998, mấy anh em chúng tôi trong khi trà dư tửu hậu thì một anh bạn khoe vừa tậu được con “dế yêu”. Thì biết vậy, với phận nghèo lại ở huyện xa, chưa nói chuyện về tiêu chuẩn được sử dụng hay không... nên tôi cũng chỉ nhìn qua món hàng đặc biệt ấy của anh bạn rồi tìm chuyện đánh trống lảng cho xong. Anh bạn sau một hồi thuyết giảng tiện ích của “dế yêu”, lại nói đến chuyện hòa mạng, mạng di động không dây là gì, nó ra đời từ bao giờ, do ai sáng tạo...

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Rồi anh bạn đếm trên các đầu ngón tay của mình xem ở Phố núi, nơi xa các trung tâm phát triển của đất nước, xem đã có bao nhiêu người tậu được con “dế yêu” như anh. Tính ra đến thời điểm đó cũng đã có kha khá người dùng. Đứng đầu là các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, rồi đến vài ba doanh nhân có máu mặt trên địa bàn TP. Pleiku. Người viết nghe mà vừa... thèm, vừa nể, vừa ước ao, khao khát.

Giữa cuộc vui, anh bạn ấy-là Trần Quang Khanh, gọi di động nói chuyện với ai đó, có vẻ bí mật lắm. Đâu chừng vài chục phút thì một bạn còn khá trẻ xuất hiện, bằng giọng Quảng rặt ri, lễ phép chào mọi người. Trần Quang Khanh giới thiệu sơ qua về khách và chủ, rồi hỏi anh bạn giọng Quảng: “Đâu rồi?”. Trong khi mọi người còn chưa hiểu thì bạn trẻ ấy đã đem ra một... con “dế” to tổ chảng đưa cho Khanh, anh cầm lên xem xét có vẻ thận trọng và đưa cho tôi, bảo: Đây là của mình tặng, phần hòa mạng là của chú nó-tức anh bạn trẻ, cước phí tự chịu nhé. Thử gọi vào số này này... xem được chưa? Tiếng “dế” kêu ngay trong túi anh ấy, nghe mà tim tôi đập loạn xạ, chắc là khi đó vui mừng lắm lắm, thật mà cứ tựa như… đang mơ.

Rồi vài tháng sau, hình như “dế yêu” thành thứ đồ trang sức, giải quyết khâu oai của không ít người. Nhiều người không nằm trong “tiêu chuẩn” phục vụ nhiệm vụ công tác nào mà cũng tìm mọi cách sở hữu cho mình một-con-dế yêu. Có những người làm việc và nhà cũng ở tận huyện xa, chẳng sóng siếc gì cũng sắm một “dế yêu” cho... oách, lâu lâu về phố có cái mà nở mày nở mặt với thiên hạ. Cũng có những anh chị khi có “dế” rồi thì đưa nó vào hoạt động hết công suất: tới công sở, nhậu ngoài vỉa hè, đi thể dục, chơi thể thao, ngồi trên xe máy, họp trong hội trường... đều luôn kè kè con “dế”. Lâu lâu nghe “dế” kêu, mặt mày của chủ nhân nó rạng rỡ hẳn lên. A lô, a lô... Mấy người chung quanh trố mắt trầm trồ, còn chủ của “dế” tỏ ra nghiêm trọng, bí hiểm lắm. Mà bí hiểm, mà nghiêm trọng thật ấy chứ... Giữa hội trường họp có cả trăm người dự, chốc chốc ở một góc nào đó lại có tiếng “dế” vang lên, bao cặp mắt đổ dồn về hướng đó, phục sát đất chủ nhân của “dế” luôn. Có nhiều vị, sợ không ai biết mình có “dế”, đành đem theo nào là dây nhợ, đồ sạc, ổ cắm điện dự phòng... và sạc pin, sạc mãi cho đến khi hết họp.

Giờ nhớ lại chuyện xưa khi mới có điện thoại di động nhiều chuyện nghĩ mà cười ra nước mắt. Chuyện nhắn tin chẳng hạn, hồi ấy điện thoại di động nhập vào Việt Nam chưa có phần mềm tiếng Việt, viết tin nhắn không dấu, nhiều câu “luận” ra tiếng ta, thành những nội dung hài hước. Rồi nữa, không ít sếp lợi dụng công quỹ sắm cho riêng mình “dế yêu” sang xịn, đắt tiền, gây ra bao chuyện “nực cười” trong không ít cán bộ, nhân viên dưới quyền. Phát sinh “tình hình” thì cần có văn bản pháp quy điều chỉnh, chẳng hạn đã có quy định mức kinh phí sắm “dế” cho sếp, mức cước được thanh toán hàng tháng cho từng cấp bậc, chức vụ v.v... và v.v...

Chuyện “dế yêu” bây giờ thì khác, bởi gần như đa số các tầng lớp, thành phần trong xã hội đều có thể sở hữu nó, từ người già đến trẻ con, từ người lao động phổ thông như cô hàng xén, chị bánh mì, bác xe ôm, anh tài taxi đến các cháu, các em học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, công chức, viên chức, doanh nhân…; từ nơi xa xôi hẻo lánh, biên giới, hải đảo đến phố phường, thôn xóm, buôn làng... đều được phủ sóng. Theo đó, các nhà mạng, các doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này cũng luôn đáp ứng hết mức nhu cầu của Thượng đế, đề ra nhiều chính sách khuyến khích Thượng đế móc hầu bao, lao theo phong trào...

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong tốp 4 nước của khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng nhanh về số người sử dụng điện thoại di động. Đó là điều đáng mừng, khi mà người dân tiếp cận nhanh với mạng thông tin, các loại thiết bị điện tử, trong đó có điện thoại di động. Song, cũng đã có cảnh báo, người Việt Nam dùng điện thoại thông minh, đắt tiền chủ yếu chỉ để... chơi game, mua hàng hóa trên mạng và cũng từ “dế yêu” mà không ít chủ nhân của nó trở thành con nợ của ngân hàng, của các cửa hàng điện tử. Điều đó có làm mọi người suy nghĩ chăng?

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm