Trong một năm người Việt có nhiều ngày Tết khác nhau, là ngày mọi người nghỉ làm việc và vui vầy đoàn tụ.
1. Tết Nguyên Đán (Mồng 1 tháng Giêng)
Theo âm Hán Việt, "Nguyên" là bắt đầu, "Đán" là buổi sáng, Tết Nguyên đán (còn gọi là Tết Ta, Tết Cả để phân biệt với những Tết còn lại trong năm), là ngày đầu năm mới âm lịch, là ngày sum họp của mọi gia đình.
2. Tết Khai Hạ (Mùng 7 tháng Giêng)
Tết mở đầu ngày vui để chào mùa Xuân mới, cầu mong may mắn cho cả năm.
Tết Nguyên đán miền Bắc ấm áp hơn với đặc trưng của sắc hoa đào. |
3. Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng)
Mừng ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, người dân thường tổ chức cúng gia tiên để cầu mong có một mùa màng bội thu (tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc-Tết cả năm không bằng rằm tháng Giêng).
4. Tết Hàn Thực (Mùng 3 tháng Ba)
Là ngày duy nhất trong năm chỉ ăn đồ nguội, không đốt lửa nấu nướng theo sự tích Giới Tử Thôi thời Xuân Thu (Trung Quốc). Công tử Trung Nhĩ lúc lâm cảnh cơ hàn, đói quá được Giới Tử Thôi xẻ thịt đùi của mình nấu dâng cho ăn.
Sau 19 năm loạn lạc, Công tử Trung Nhĩ giành lại được ngôi Vua. Vua Trung Nhĩ ban thưởng hậu hĩnh cho tất cả những ai theo mình lúc hoạn nạn, nhưng lại sơ ý quên mất Giới Tử Thôi. Tử Thôi lặng lẽ đưa mẹ về sống ở núi Điền.
Lúc nhà Vua nhớ ra, cho người tới mời về kinh kỳ để Vua ban thưởng nhưng Giới Tử Thôi nhất định không về và đưa mẹ vào sống ẩn náu trong rừng.
Nhà Vua sai đốt rừng nhằm buộc Tử Thôi phải ra, nhưng Tử Thôi không chịu ra và cả hai mẹ con đều bị chết cháy. Nhà Vua vô cùng cảm kích tấm lòng nghĩa khí của Giới Tử Thôi, cho lập Đền thờ trên núi tưởng nhớ ngày mất của Tử Thôi mùng 3 tháng Ba âm lịch.
Người đời thương tiếc Tử Thôi nên hàng năm cứ độ mùng 3 tháng Ba lại kiêng nổi lửa nấu ăn, chỉ dùng đồ nguội nấu sẵn từ hôm trước.
5. Tết Thanh Minh (trong Tháng Ba)
"Thanh Minh" có nghĩa là trời trong sáng, là lễ tảo mộ, tùy thời điểm thích hợp tương ứng với từng địa phương. Người dân đi tảo mộ, rồi về nhà làm cỗ cúng gia tiên.
6. Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng Năm)
Là tết giết sâu bọ, mong cho mùa vụ bội thu. Vào giờ Ngọ, người dân thường đi hái lá ích mẫu, lá vối, lá ngải để phơi khô dùng dần.
Mùng 5 tháng Năm là dịp tưởng nhớ Khuất Nguyên, là nhà thơ kiên định, do ngăn cản Vua Hoài Vương không được, đã trẫm mình xuống dòng Mịch La tự vẫn, đúng ngày mùng 5 tháng Năm. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ tới ngày đó người dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài, rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên.
7. Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy)
Vào rằm tháng Bảy hàng năm có hai ngày lễ cúng: ngày “Xá tội vong nhân” dành cho những linh hồn “cầu bơ cầu bất”; còn lễ Vu Lan được coi là lễ cầu siêu giải thoát cho ông ba, cha mẹ bảy đời, minh chứng lòng hiếu thảo của lớp con cháu hậu duệ.
8. Tết Trung Thu (rằm tháng Tám)
Ban đầu là Tết của tất cả mọi người. Là ngày kỷ niệm trăng tròn nhất trong năm, người ta thường rong trống mở cờ, múa lân để đón trăng lên, sau thành Tết của con trẻ.
9. Tết Trùng Cửu (mùng 9 tháng Chín)
Thường diễn ra trên chỗ cao ráo và chỉ uống rượu hoa cúc. Tết này bắt nguồn từ sự tích của đạo Lão bên Trung Quốc.
Thời Hán, có người tên gọi là Hoàn Cảnh, đi học phép tiên. Một hôm thầy bảo Hoàn Cảnh khuyên mỗi người trong nhà nên may một túi lụa đựng hoa cúc, rồi lên chỗ cao mà trú ngụ. Quả nhiên, ngày 9 tháng Chín có lụt to, ngập hết làng mạc. Nhờ làm theo lời thầy, Hoàn Cảnh và gia đình thoát nạn.
10. Tết Trùng Thập (mùng 10 tháng Mười)
Là ngày hội của giới thầy thuốc. Theo sách “Dược lễ”, đến ngày 10 tháng Mười, cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời, trở nên tốt nhất.
11. Tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười-Tết Cơm mới)
Thường được tổ chức nhằm ngày mùng 1 hoặc ngày rằm tháng Mười, là Tết cơm mới sau khi đã gặt hái xong mùa vụ.
12. Tết Ông Táo (23 tháng Chạp)
Là ngày Ông Táo (“Vua Bếp”) chầu trời. Theo truyền thuyết xưa có hai vợ chồng nghèo khổ vì một chút mâu thuẫn nhỏ thành chia ly. Người vợ sau đó đi lấy chồng khác. Người chồng cũ hối hận đã mắng vợ nên đi tìm, tiêu hết tiền bạc, thành kẻ ăn xin. Run rủi một ngày đến ăn xin nhà người vợ cũ, hai người nhận ra nhau, người vợ thương chồng cũ đem cơm gạo và tiền bạc ra cho.
Đúng lúc người chồng mới về nhà, sợ khó giải thích, bèn nói chồng cũ núp vào đống rơm. Ai dè, người chồng mới lại đốt rơm để lấy tro bón ruộng. Người chồng cũ bị thiêu trong đó. Người vợ thấy vậy, chả biết làm sao, cũng lao vào đống rơm cháy để chết theo. Người chồng mới thấy vậy, lao theo vào đống rơm cứu vợ và cả ba cùng chết trong đó.
Ba người lên tới thiên đình, Ngọc Hoàng thấy cả ba người đều có nghĩa nên phong họ làm “Vua Bếp”, cho cai quản việc bếp núc, hàng năm đến 23 Chạp thì cưỡi cá chép lên Thiên đình để tâu với Ngọc Hoàng việc làm bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua.
Theo VOV