Xét tuyển ĐH bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có giảm công bằng trong tuyển sinh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có nhiều lợi thế hơn trong xét tuyển đầu vào ĐH. Nhiều ý kiến đặt ra liệu việc các trường ưu tiên hơn cho thí sinh có điều kiện học tập ngoại ngữ đã phù hợp, công bằng?
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023

Có những phương thức xét tuyển chỉ dành cho thí sinh giỏi ngoại ngữ

Với phương thức tuyển sinh được các trường ĐH công bố năm nay, thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ nhiều lợi thế hơn nhóm thí sinh còn lại. Điều này do chính sách tuyển sinh của các trường ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn với học sinh giỏi ngoại ngữ.

Đáng chú ý, nhiều trường ĐH chấp nhận quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm môn ngoại ngữ trong xét tuyển. Ví dụ, với IELTS 4,5, thí sinh có thể được quy đổi thành 7-10 điểm môn tiếng Anh thay cho điểm thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ.

Nhiều trường ĐH khác không quy đổi thành điểm môn tiếng Anh mà sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo hình thức cộng điểm ưu tiên. Khi đó, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ ưu thế hơn hẳn nhóm thí sinh còn lại khi được cộng điểm ưu tiên theo tiêu chí này trong tổng điểm xét tuyển.

Dù theo cách thức nào, nhiều trường đang dành riêng một phương thức để xét nhóm thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Với phương thức này, chỉ thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển.

"Bị loại" vì không có chứng chỉ ngoại ngữ

Chị N.T.H (Gia Nghĩa, Đắk Nông) có con chuẩn bị thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH năm nay. Sau khi tìm hiểu kỹ phương thức tuyển sinh nhiều trường, bày tỏ khá nhiều băn khoăn: "Học sinh các địa phương không có điều kiện tiếp cận sớm với ngoại ngữ sẽ bị thiệt thòi hơn khi xét tuyển vào ĐH ngày nay, đặc biệt những trường tốp đầu có sự cạnh tranh cao".

Chị H. cho biết đã tìm hiểu phương thức xét tuyển học sinh giỏi của ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay. Điểm xét tuyển phương thức này được quy đổi từ 4 tiêu chí, trong đó một tiêu chí bắt buộc và 3 tiêu chí không bắt buộc. Tiêu chí bắt buộc là điểm trung bình học lực năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 theo quy định. Một trong 3 tiêu chí không bắt buộc là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. "Như vậy, con tôi chưa có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nếu chỉ xét trên điểm trung bình học tập là mất hẳn lợi thế để xét tuyển vào phương thức này của trường".

Một ví dụ khác, cũng theo chị H., là phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Y dược TP.HCM năm 2023. Trường chỉ xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng phân ra 2 phương thức, trong đó một phương thức dành riêng cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Dù ở phương thức kết hợp, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là điều kiện cần nhưng điều này đồng nghĩa với việc những trường hợp không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã "bị loại" ngay từ đầu.

"Theo dõi điểm trúng tuyển nhiều năm, có những năm điểm chuẩn ngành y khoa với phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế lấy thấp hơn ngành y khoa chỉ xét theo điểm thi tốt nghiệp. Đây cũng là một minh chứng để thấy sự thiệt thòi hơn của học sinh không có điều kiện học ngoại ngữ sớm", chị H. nhấn mạnh.

Có mất công bằng trong tuyển sinh?

Trước vấn đề này, hiệu trưởng một trường THPT ở Tiền Giang, chia sẻ góc nhìn theo 2 hướng. Ông cho rằng, xét tuyển theo phương thức nào là quyền chủ động trong tuyển sinh của các trường ĐH, đặc biệt trong bối cảnh nhà trường phải tính toán về vấn đề sinh viên ra trường có thể tiếp cận nhanh nhất với thị trường lao động. "Xét ở khía cạnh này, việc ưu tiên tuyển sinh viên giỏi ngoại ngữ có lợi cho các trường trong đào tạo", hiệu trưởng này khẳng định.

Nhưng xét ở góc độ người học, vị hiệu trưởng trăn trở: "Những địa phương vùng sâu, vùng xa nơi có điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển hơn, người học sẽ thiệt thòi khi các trường áp dụng chính sách ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ. Trong khi đó, tại các thành phố lớn, học sinh có điều kiện học ngoại ngữ sớm sẽ có lợi hơn. Xét đến đây, rõ ràng phần nào thấy rằng xu hướng tuyển sinh này ít nhiều chưa thực sự công bằng với người học. Dù rằng, chính sách tuyển sinh này của các trường ĐH ngược lại có tác dụng kích thích việc học ngoại ngữ tốt hơn ở tất cả các địa phương".

Giám đốc Trung tâm khảo thí một trường ĐH tại TP.HCM cũng cho rằng ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một xu hướng có sự tính toán của các trường ĐH với vấn đề chất lượng người học. Nhưng để hài hòa lợi ích của những nhóm người học khác nhau, các trường cần tính toán thêm tỷ lệ chỉ tiêu từng phương thức phù hợp hơn. Ví dụ, theo giám đốc này, phương thức ưu tiên thí sinh giỏi ngoại ngữ chỉ là một trong nhiều phương thức xét tuyển của trường. Ngoài phương thức này, trường vẫn nên dành phần lớn chỉ tiêu để tất cả thí sinh có thể cùng cạnh tranh với nhau trên thang đo chung.

Có thể bạn quan tâm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

Cẩn trọng chọn môn thi tốt nghiệp THPT

Cẩn trọng chọn môn thi tốt nghiệp THPT

Theo hiệu trưởng các trường THPT, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh được lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT nên cần được tư vấn, định hướng cẩn thận, tránh chọn theo cảm tính, số đông vì việc này tác động đến lựa chọn ngành.