(GLO)- Trung tuần tháng 4, chúng tôi có chuyến công tác dọc đường Trường Sơn Đông-đoạn qua địa bàn huyện Krông Pa để tìm hiểu về tình trạng xe ô tô chở quá khổ, quá tải tại đây. Trước mắt chúng tôi là con đường phẳng lỳ vừa hoàn thành đã phải oằn mình “gồng gánh” những đoàn xe chở nông sản ngược xuôi.
Những chiếc xe tải chở mì cao vượt thùng xe trên 1 mét. Ảnh: V.N |
Đường Trường Sơn Đông đoạn qua huyện Krông Pa đi qua các xã: Ia Rsươm, Uar, Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Hdreh và Krông Năng có chiều dài khoảng 35 km. Tuyến đường gồm một phần trải nhựa và một phần bê tông, vừa mới hoàn thành cách đây gần 1 năm. Từ khi được đưa vào sử dụng, đây là tuyến đường huyết mạch của huyện Krông Pa với lưu lượng xe lưu thông lớn, đặc biệt là các xe tải chở mì lát và mía cây… Đi kèm với đó là việc các xe chở quá khổ, quá tải “vô tư” lưu thông mà P.V Báo Gia Lai đã ghi nhận trong vụ thu hoạch mì vừa qua.
Theo quan sát của P.V, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe chở mì lát được thu mua từ các kho nông sản tập trung hai bên đường lưu thông từ huyện Krông Pa về huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Bên cạnh đó là hàng chục chuyến xe chở mì tươi về nhà máy sơ chế tại thị trấn Phú Túc. Hầu hết các xe này đều có dấu hiệu quá tải khi các bao mì được chất vượt quá thùng xe trên 1 mét. Thường vào các buổi sáng, xe “ăn” hàng tại các kho nông sản rồi đến chiều và tối, những chiếc xe “khủng” chất đầy ắp mì bắt đầu xuôi về hướng Phú Yên.
Những chiếc xe này đã trở thành nỗi bức xúc của người dân hai bên đường Trường Sơn Đông. Anh Nguyễn Văn Chi (xã Chư Drăng) cho biết: “Xe chở mì chất hàng cao quá nên liên tục làm đứt đường dây điện. Xe hầu hết đều đi ban đêm nên chẳng ai biết mà bắt đền, có nhà cũng bắt đền được rồi đấy nhưng hôm sau lại bị đứt, cũng chẳng biết phải làm sao nữa”. Cùng tâm trạng như anh Chi, nhưng một số người lại lo lắng về nguy cơ tai nạn giao thông cũng như sự xuống cấp của con đường nếu tình trạng xe chở quá khổ, quá tải vẫn xảy ra.
Trong vai người đi tìm người mua mì, chúng tôi đã gặp nhiều thương lái để đặt vấn đề và hầu hết đều không ngần ngại cho xe chở quá tải. Một thương lái tiết lộ: “Tùy lượng mì của em thôi, xe 2 chân thì chở được 18-20 tấn, nếu em có 50 tấn thì để điều xe 3 chân, 4 chân chở hai chuyến là hết”. Được biết, loại xe 2 chân theo quy định chỉ được chở 7-8 tấn nhưng các tài xế “đôn” lên đến 18-20 tấn; xe 3 chân, 4 chân theo quy định được chở 15-18 tấn cũng được đôn lên khoảng 25 tấn/xe.
Ảnh: Văn Ngọc |
Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Hoàng Duy Hiền-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Krông Pa cho biết: “Hôm nay, chúng tôi mới nghe P.V phản ánh chứ trước giờ chưa thấy người dân nói gì. Tuyến đường này không phải dài mà lượng phương tiện cũng ít. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cử anh em đi tuần tra nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Hiện tại, việc xử lý vấn đề chở quá tải gặp khó khăn vì Công an huyện không được trang bị cân, không thể nhìn xe như vậy rồi nói họ là quá tải và phạt họ được, muốn phạt phải có căn cứ rõ ràng”.
Trong khi các cơ quan chức năng có vẻ đang “ngó lơ” trước tình trạng xe quá khổ, quá tải này thì người dân trong vùng có cớ để lo lắng cho tuyến đường đẹp như dải lụa mà bao năm họ mơ ước. Bởi cách đó không xa, tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua các vùng là “vựa” nông sản như ở Ia Pa đã nát tươm và liên tục phải chắp vá, tu sửa. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, việc đường Trường Sơn Đông qua huyện Krông Pa xuống cấp là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần.
Lê Văn Ngọc