(GLO)- Trên chuyên mục Biển đảo Việt Nam của Báo Gia Lai, thời gian qua đã cố gắng đem đến cho bạn đọc khá nhiều thông tin đáng quan tâm về biển, đảo. Lần này, người viết trên cơ sở một số tài liệu mới xuất bản gần đây của các cơ quan chức năng để tổng hợp, phân tích, nhận định, đánh giá khái quát về các nguồn tài nguyên phong phú và quan trọng ở các vùng biển của Việt Nam.
Biển Đông có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng. |
Biển Đông có nguồn tài nguyên sinh vật thật phong phú, đa dạng, lên đến trên 160.000 loài, gần 10.000 loài thực vật, 260 loài chim sống ở biển. Trữ lượng các loài động vật ở biển ước tính vào khoảng 32,5 tỷ tấn, trong đó các loài cá chiếm 86% tổng trữ lượng. Vùng biển Việt Nam có trên 2.458 loài cá, gồm nhiều bộ, họ. Trong đó, khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng cá trong vùng biển của nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm; trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm lên đến 2,3 triệu tấn. Các loài động vật thân mềm ở biển Đông và biển nước ta có hơn 1.800 loài, trong đó có nhiều loài là thực phẩm rất ưa thích như mực, hải sâm... Ngoài động vật, biển còn cung cấp cho con người nhiều loại rong biển có giá trị, nó là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và là nguồn dược liệu phong phú.
Tài nguyên phi sinh vật cũng là nguồn lợi vô cùng to lớn ở vùng biển nước ta. Trong đó dầu khí là tài nguyên lớn nhất, đến nay đã xác định được tổng tiềm năng dầu khí tại bể trầm tích Sông Hồng, Phú Khánh, Nam Côn Sơn, Cửu Long, Malay-Thổ Chu, Tư Chính-Vũng Mây... Trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn quy dầu. Ngoài ra, vùng biển của ta còn có khí đốt với trữ lượng khai thác ước chừng 3.000 tỷ m3/năm. Trữ lượng đã được xác minh là gần 550 triệu tấn dầu và trên 610 tỷ m3 khí. Trữ lượng dự kiến và đã đưa vào khai thác khoảng 400 tỷ m3.
Vùng biển của Việt Nam, nằm trong phần phía Tây của vành đai quặng thiếc Thái Bình Dương, có trữ lượng thiếc lớn và tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng của các nguyên tố hiếm, có triển vọng băng cháy lớn. Cùng với đó, tài nguyên về giao thông, vận tải; về du lịch cũng rất lớn. Lần trước khi nói về tầm quan trọng và vai trò, vị trí của vùng biển nước ta, chúng tôi đã đề cập vấn đề này. Đó là, cùng với cả biển Đông được coi là con đường chiến lược trên biển của các quốc gia biển và hơn thế, của nhiều nước khác trên thế giới; Việt Nam chúng ta thuận lợi là các cảng ven biển thông qua eo biển Malaca để đi đến Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Âu, châu Phi; qua eo biển Basi vào Thái Bình Dương, đến Nhật, Nga, Nam Mỹ, Bắc Mỹ... Qua các eo biển giữa Philippine, Indonesia, Singapore đến Autralia, New Zealand. Hầu hết các nước châu Á-Thái Bình Dương đều có hoạt động vận tải thương mại trên biển Đông; trong tổng số 10 tuyến đường biển lớn nhất thế giới thì đã có 5 tuyến đi qua biển Đông hoặc có liên quan đến biển Đông.
Hoàng hôn Hà Tiên - Hòn Chông, Kiên Giang (nguồn internet) |
Về du lịch, đây là một trong số các tiềm năng có thể nói vô cùng to lớn. Dọc dài trên 3.200 km bờ biển và hàng ngàn đảo gần, xa bờ, là những nơi có cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình, không khí trong lành, xanh và sạch, đẹp, lý tưởng cho du khách có dịp ghé thăm. Với đó, còn có cả một hệ thống danh lam thắng cảnh ven biển, gắn liền với biển, đảo và các di tích lịch sử, văn hóa lâu đời và của các cuộc trường kỳ kháng chiến để lại. Đó là một loại tiềm năng không dễ đâu trên thế gian này có được.
Nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát của Việt Nam có trữ lượng tiềm năng khoảng trên 4 tỷ m3 dầu quy đổi và gần đây mở rộng tìm kiếm đã phát hiện một số mỏ mới cho phép gia tăng trữ lượng dầu khí của ta. Trong 5 năm (2006-2010) có 12 phát hiện dầu khí mới, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 333 triệu tấn quy dầu, riêng năm 2010 có 7 phát hiện dầu khí mới, gia tăng trữ lượng đạt 43 triệu tấn quy dầu. Hiện Chính phủ đang kêu gọi các quốc gia có tiềm lực mạnh cùng hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò, khai thác, sản xuất dầu khí phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. |
Trong thời gian qua, do kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư phát triển những ngành thuộc về kinh tế biển chúng ta làm chưa tốt, hơn thế, trình độ, năng lực, sự tiếp thu ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để khai thác kinh tế biển và ven biển chúng ta còn nhiều yếu kém. Tuy nhiên, giờ chúng ta đã có chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế và bảo vệ biển đảo, có pháp luật về Biển của Nhà nước, có điều kiện hơn khi kinh tế được phục hồi và đặc biệt là sự hội nhập kinh tế quốc tế, điều đó sẽ thuận lợi cho chúng ta đi đôi với việc ra sức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, với việc đầu tư, khai thác, làm giàu cho đất nước từ biển.
Bích Hà