(GLO)- Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…”, câu thơ của Tố Hữu khiến tôi liên tưởng đến bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Văn Lỹ. Với gần 30 năm trong nghề, nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp đánh giá đây là vị thầy thuốc dường như chỉ nghĩ đến một chữ “cho”...
Ca cấp cứu đêm 30 Tết
“Tôi bước ra khỏi phòng mổ khi đồng hồ đã điểm 2 giờ sáng. Vậy là thời khắc Giao thừa đã qua 2 giờ đồng hồ. Trời hơi se lạnh. Choàng vội chiếc áo khoác và đi thẳng ra hành lang để hít thật sâu cái hương vị thiên nhiên bắt đầu đổi chuyến, tôi thầm cảm ơn đôi bàn tay mình đã lại cứu thêm một bệnh nhân ngay trong đêm Giao thừa…”- bác sĩ Phạm Văn Lỹ mở đầu câu chuyện.
Bác sĩ Lỹ trong giờ khám bệnh. Ảnh: L.V.N |
Đêm 30 Tết Nhâm Thìn 2012. Nhà nhà đều đầm ấm sum họp chuẩn bị đón Giao thừa. Bệnh viện vắng lặng. Thời khắc thiêng liêng của đất trời sắp điểm. Tôi đang bần thần với những cảm xúc trước thềm năm mới thì chiếc xe cấp cứu bỗng đổ xịch trước sân bệnh viện. Ngay tức thì, cái phản xạ đã ăn sâu vào tiềm thức của người thầy thuốc khiến tôi bừng tỉnh. Trên trang đầu bệnh án nhập viện tôi đọc thấy “Bệnh nhân khoảng 50 tuổi, lúc đi mua sắm bị tai nạn giao thông dẫn đến hôn mê sâu…”.
Cuộc hội chẩn triển khai trong tích tắc. Mỗi người mỗi việc gần như không ai nói với ai mà có lẽ đã thấu hiểu từ lâu. Thời gian như ngưng đọng. Ngoài kia trời về đêm se lạnh nhưng trên trán ai cũng lấm tấm mồ hôi… Cuối cùng niềm hân hoan cũng đã đến đúng vào thời khắc năm mới-ca phẫu thuật đã thành công! Tất cả chúng tôi cùng vỡ òa trong niềm hạnh phúc vô bờ. Nối dài cuộc sống cho một con người giữa cái thời khắc đứt nối của tạo hóa-hạnh phúc đó có lẽ chỉ những thầy thuốc mới cảm nhận đầy đủ được.
Một ca trong hàng trăm ca đã qua đi như thế trong cuộc đời của người thầy thuốc tận tâm. Sau ca phẫu thuật đêm Giao thừa đó không lâu, tháng 2-2012, Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại tiếp nhận bệnh nhân Tori (SN 1970), quốc tịch Campuchia chuyển từ huyện Ban Lung, tỉnh Rattanakiri vào cấp cứu khẩn cấp do vết chém dao quắm làm toác thành ngực, gãy nhiều xương sườn và xuyên xuống ruột gây thủng dạ dày, ruột.
Bác sĩ Lỹ cùng với bác sĩ Bùi Viết Hoàng đã nhanh chóng thành lập 2 kíp mổ với 4 bác sĩ. Kết quả trong 4 tiếng đồng hồ bệnh nhân đã được cứu sống… “Đây là ca cấp cứu cực kỳ phức tạp, vừa phẫu thuật mổ lồng ngực vừa khâu vết thủng dạ dày và ruột. Với trách nhiệm của người thầy thuốc, điều đặt lên hàng đầu là cứu người trong bất kỳ tình huống nào có thể và bằng hết khả năng của mình. Để làm được điều đó, người thầy thuốc trước tiên phải biết chia sẻ với nỗi đau của người bệnh và người nhà của bệnh nhân”-bác sĩ Lỹ trải lòng.
Thầy giáo tặng hoa thầy thuốc
Ngày thầy thuốc, tôi tặng hoa bác sĩ Lỹ là sự tri ân người đã cứu mình. Chắc rằng tôi cũng chỉ là một trong nhiều người tặng hoa cho bác sĩ để biểu hiện tấm lòng tri ân chân thành. Nghề nào cũng cao quý, nhưng tất nhiên không phải ai làm nghề cao quý cũng tự mình trở thành cao quý”-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku Nguyễn Ngọc Nghĩa tâm sự.
…Năm ấy cũng đúng vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2006, thầy Nghĩa bị nạn trên đường đi dạy học về. Ca chấn thương làm thầy Nghĩa phải trải qua 2 đợt phẫu thuật sọ não cách nhau trong 2 ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mặc dù chỉ được chẩn đoán qua hình ảnh cắt lớp Scanner (CT) mà không có hình ảnh cắt lớp từ máy MRI (phát hiện các cấu trúc bất thường ở não, cấu trúc các mô mềm trong cơ thể và có độ nhạy cao hơn 80-90% so với CT…) nhưng với kiến thức và trách nhiệm của người thầy thuốc, bác sĩ Lỹ cùng cộng sự quyết tâm cứu bệnh nhân bằng mọi giá...
Sau ca phẫu thuật, thầy Nghĩa đã được chuyển tiếp vào Bệnh viện Chợ Rẫy-TP. Hồ Chí Minh để theo dõi điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Sau một tháng phẫu thuật, thầy Nghĩa đã hồi phục và trực tiếp gọi điện thoại từ TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai cảm ơn bác sĩ Lỹ với lòng tri ân vô hạn trước sự ngạc nhiên của mọi người. Năm ấy, thầy Nghĩa đã kịp trở về nhà đón Tết Nguyên đán cùng gia đình trong không khí đầm ấm và niềm hạnh phúc vô hạn.
Trong câu chuyện của mình, thầy Nghĩa bất chợt liên tưởng đến nhân vật bác sĩ mang tên Mr.Bones trong tiểu thuyết “Lời chẩn đoán cuối cùng” (The final diagnosis) của Arthur Hailey. Đó là một bác sĩ chỉnh hình chuyên về khớp xương, tính tình nóng như lửa nhưng giỏi nghề, yêu trẻ và tận tụy với công việc. Một hình ảnh phần nào khắc họa cá tính mạnh mẽ đầy trách nhiệm. “Có thể sự so sánh đôi khi khập khiễng nhưng ở đó phần nào nói lên tình yêu thương với bệnh nhân”. Thầy Nghĩa nói thêm: “Người ta vẫn cho rằng trên đời có hai nghề cao quý nhất, đó là thầy giáo và thầy thuốc. Thầy giáo dạy người và thầy thuốc cứu người. Sự tôn vinh, tri ân của chúng ta với những con người chân chính đang làm nghề cao quý đó chính là đạo làm người...”.
Lê Văn Nhung