Việt Nam nằm trong nhóm điểm đến du lịch tăng trưởng cao trên thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các thị trường khách đang hồi phục khá nhanh, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh, Việt Nam tiếp tục nằm trong top những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế gia tăng... là những thông tin chính vừa được Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhộn nhịp sáng 29/7. Ảnh: CTV
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhộn nhịp sáng 29/7. Ảnh: CTV
Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất
Thông tin từ Tổng cục Du lịch, tính chung 7 tháng của năm 2022, nước ta đón 954.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 9 lần so cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng tháng trong 7 tháng qua đạt 62%/tháng.
Trong 10 thị trường gửi khách hàng đầu tới Việt Nam, có 9 thị trường từ khu vực châu Á và Thái Bình Dương, còn lại là thị trường Mỹ. Hàn Quốc là thị trường gửi khách tới Việt Nam lớn nhất với 196,2 nghìn lượt, tăng 903,7% so với cùng kỳ. Mỹ đứng thứ 2 với 102,9 nghìn lượt, tăng 5.382%.
Trong 10 thị trường trên, khu vực Đông Nam Á có tới 4 thị trường là Campuchia, Singapore, Thái Lan và Malaysia. Các thị trường từ châu Âu dù số lượng khách chưa đông nhưng tốc độ tăng trưởng rất cao, đứng đầu là Anh, tiếp đó là Pháp và Đức.

Hàn Quốc là thị trường gửi khách hàng đầu tới Việt Nam trong 7 tháng qua.
Hàn Quốc là thị trường gửi khách hàng đầu tới Việt Nam trong 7 tháng qua.
Cũng theo Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50%-75%. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt mức 100 điểm, cao gấp 5,9 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 (17 điểm). So với cùng kỳ năm 2021, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200%. Nhóm 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Australia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Malaysia, Đức và Thái Lan.
Trong khi đó, lượng tìm kiếm du lịch nước ngoài của người Việt trong tháng 7/2022 vẫn tăng cao ở mức 780% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao khi hoạt động du lịch quốc tế trên toàn cầu đang có xu hướng phục hồi. Du khách Việt Nam vẫn ưa chuộng các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi
Tổng cục Du lịch nhận định, kinh doanh du lịch đang “ấm lên” theo đà phục hồi du lịch Việt Nam. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Du lịch đã thẩm định, cấp mới 312 giấy phép cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (tăng 286 giấy so với 2021), cấp đổi 65 giấy phép, thu hồi 38 giấy phép.
Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hiện có 1.060 doanh nghiệp đã được các địa phương cấp phép. Cả nước hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng…

Các doanh nghiệp lữ hành hoạt động sôi động trở lại. Ảnh: Vietravel
Các doanh nghiệp lữ hành hoạt động sôi động trở lại. Ảnh: Vietravel
Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới gia tăng ấn tượng, trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%. Hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Trong những tháng cuối năm, để hỗ trợ đà phục hồi của toàn ngành, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục cùng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp các doanh nghiệp, hãng hàng không và các điểm đến lên kế hoạch tổ chức xúc tiến quảng bá nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tập trung vào các thị trường gần khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Âu.
Cụ thể, du lịch Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế JATA (JATA Tourism Expo) tại Nhật Bản từ ngày 22-25/9. Đây là hội chợ du lịch quốc tế hàng đầu trong khu vực, tập trung thu hút khách Nhật Bản, một trong những thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam.
Tiếp đó là Hội chợ Du lịch thế giới WTM (World Travel Market) tại Vương quốc Anh từ ngày 7-9/11. Đây cũng là hội chợ du lịch quốc tế lớn hàng đầu thế giới, tập trung các đối tác lớn từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó là các lễ hội, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Bắc Mỹ, Australia...).
Ở trong nước, du lịch Việt Nam sẽ được giới thiệu tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC (International Travel Expo) tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 8-10/9. Đây là 1 trong 2 hội chợ du lịch quốc tế thường niên lớn nhất của Việt Nam. Sau đó là chương trình xúc tiến du lịch Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Mê Công (MTF) diễn ra tại Hội An, Quảng Nam từ ngày 9-14/10. Đây được coi là sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch lớn nhất trong khuôn khổ hợp tác khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng...
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ tổ chức các lễ hội, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Bắc Mỹ, Australia,…), đón các đoàn FAM/Press từ các thị trường trọng điểm đến Việt Nam.
Theo T.LINH (NDĐT)
 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.