Việt Nam kiên trì mục tiêu nhất quán kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc Mỹ gỡ mác thao túng tiền tệ với Việt Nam là thông tin kinh tế đáng chú ý nhất trong thời gian qua. Mục tiêu nhất quán của Việt Nam là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng với Mỹ.

NHNN đang có những điều chỉnh về điều hành tỉ giá theo hướng linh hoạt hơn. Ảnh minh hoạ: T.L
NHNN đang có những điều chỉnh về điều hành tỉ giá theo hướng linh hoạt hơn. Ảnh minh hoạ: T.L



Việt Nam nỗ lực đàm phán

Báo cáo mới nhất của Mỹ cho hay, chưa đủ bằng chứng khẳng định Việt Nam thao túng tỉ giá theo Đạo luật 1988.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Trong quá trình làm việc với Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thiện chí từ cấp kỹ thuật tới cấp cao, khẳng định việc điều hành tỉ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các giải pháp để từng bước nâng cao tính linh hoạt của tỉ giá trong khi vẫn duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ. Những diễn biến tích cực trên thị trường ngoại tệ cũng như trong hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được Bộ Tài chính Hoa Kỳ ghi nhận”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 18.4, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, chuyên gia trực tiếp tham gia vào phiên điều trần với Mỹ - cho biết: “Mỹ tạm thời không đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ trong báo cáo lần này. Tuy nhiên Việt Nam vẫn nằm trong danh sách phải tiếp tục theo dõi và làm việc”.

“Trong thời gian qua Mỹ và Việt Nam đã trao đổi tương đối sâu và rộng. Mỹ đã trao đổi với nhiều cơ quan, bộ, ngành và chủ trì là Ngân hàng Nhà nước về chính sách tiền tệ, tỉ giá, ngoại hối, thương mại. Ngoài ra phía Mỹ đã có những trao đổi, điều trần với các chuyên gia, giới học thuật” - TS Cấn Văn Lực cho biết. Đa số các ý kiến cho rằng, Việt Nam không có chủ ý thao túng tiền tệ để tạo ra lợi thế thương mại”. Việt Nam thời gian qua có một số điều chỉnh trong hoạt động quan hệ thương mại và chính sách tiền tệ, tỉ giá. Ví dụ, trong quan hệ thương mại, Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ, nhất là dịch vụ. Ngân hàng Nhà Nước đã có điều chỉnh chính sách tiền tệ, tỉ giá, cả về liên quan dự trữ ngoại hối. Qua đó, phía Mỹ ghi nhận nỗ lực, thiện chí của VN.

Bốn điểm lưu ý và Việt Nam chưa thể chủ quan

Theo TS Cấn Văn Lực, Việt Nam vẫn chưa thể chủ quan và phải tiếp tục theo dõi xử lý để Việt Nam không bị chạm ngưỡng liên tục 3 điều kiện trong các kỳ báo cáo tiếp theo của Mỹ.

Thứ nhất, việc Mỹ đưa Việt Nam khỏi danh sách thao túng tiền tệ trong báo cáo lần này chỉ là tạm thời và Việt Nam vẫn ở diện theo dõi.

Thứ hai, phía Mỹ cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam để hiểu sâu hơn về chính sách thương mại, tỉ giá và ngoại hối.

Thứ ba, trao đổi với cơ quan chức năng để đàm phán về những vấn đề khác như an ninh mạng, thanh toán điện tử…

Thứ tư, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ chưa tiến tới cân bằng hơn như hai bên mong muốn. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng 19% trong khi nhập khẩu từ Mỹ về VN giảm 8%. Điều này khiến thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam giãn ra, lên tới 70 tỉ USD. Đây là thách thức rất lớn của Việt Nam.

Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ nhưng cũng cần đẩy mạnh nhập khẩu, hàng hóa dịch vụ từ Mỹ nhiều hơn nữa. Trong năm 2020 vừa qua, Việt Nam cũng đã tăng nhập khẩu một số dịch vụ từ phía Mỹ, tuy nhiên vẫn còn nhỏ. Việt Nam có thể nhập khẩu những mặt hàng mà Mỹ có lợi thế như trang thiết bị y tế, nông sản, ICT…

Giải pháp nào cho Việt Nam thời gian tới?

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần phấn đấu cân bằng cán cân thương mại, tăng cường nhập khẩu. Thêm vào đó, tích cực chủ động đàm phán, trao đổi cung cấp thông tin.

Về phía Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách ngoại hối, tỉ giá linh hoạt hơn nữa. Tăng cường hơn nữa thị trường nội địa, bớt phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài, tăng tự cường tự chủ của Việt Nam. Điều này là chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

 


* Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh sự điều chỉnh tích cực về nội dung liên quan đến Việt Nam trong báo cáo trên”.

“Các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã trao đổi thông tin và tham vấn với phía Mỹ để làm rõ chính sách tỉ giá của Việt Nam, được các cơ quan quản lý điều hành đồng bộ, linh hoạt phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhằm ổn định các cân đối vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế” - bà Hằng nói thêm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam sẽ duy trì đối thoại và tham vấn xây dựng với Mỹ trên tinh thần coi trọng quan hệ kinh tế - thương mại, một trụ cột của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

* Định kỳ bán niên, Bộ Tài chính Mỹ công bố Báo cáo về Chính sách kinh tế và Ngoại hối của các Đối tác Thương mại lớn của Mỹ. Nếu bất kỳ đối tác thương mại nào có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và cán cân vãng lai thặng dư lớn, Mỹ sẽ tiến hành phân tích sâu để xem xét quốc gia này có thao túng tiền tệ hay không. Các “ngưỡng” tiêu chí cụ thể sẽ được rà soát định kỳ, tùy thuộc vào chính sách kinh tế, đối ngoại của Mỹ từng thời kỳ. Nếu một quốc gia chạm tất cả các “ngưỡng”, Mỹ sẽ gán mác thao túng tiền tệ. Khi đó, Mỹ sẽ có những biện pháp để can thiệp, có thể là đàm phán để các quốc gia điều chỉnh chính sách, thậm chí đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia đó nếu không đạt được thỏa thuận và các cam kết không có tiến triển...

Đối với Việt Nam, trong các báo cáo bán niên (từ tháng 5.2019 đến tháng 6.2020), Việt Nam đã 2 lần bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách giám sát. Đến ngày 16.12.2020 (tại Báo cáo tháng 12.2020 cho đợt rà soát từ tháng 7.2019 đến tháng 6.2020), Bộ Tài chính Mỹ đã xác định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ bởi cho rằng Việt Nam đã đạt và vượt ngưỡng cả 3 tiêu chí nêu trên.

Ngày 16.4.2021, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Trong đó, Bộ Tài chính Mỹ xác định trong giai đoạn năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.


https://laodong.vn/kinh-te/viet-nam-kien-tri-muc-tieu-nhat-quan-kiem-soat-lam-phat-va-on-dinh-kinh-te-vi-mo-900445.ldo


Theo Lan Hương (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).