Vì sao mạng xã hội ngả nghiêng vì nước ép cần tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kể từ một chia sẻ của Kylie Jenner (ngôi sao giải trí người Mỹ) về việc uống nước ép cần tây mỗi sáng để lấy lại vóc dáng sau khi sinh con, cả mạng xã hội Instagram nháo nhào với từ khóa “nước ép cần tây”.
 
Người trẻ khắp thế giới thi nhau check in cùng một ly nước cần tây và chia sẻ những trải nghiệm của mình với loại nước uống được cho là vô cùng bổ dưỡng này. Không chỉ giúp giải khát, hạ nhiệt trong những ngày hè nắng nóng, nước ép cần tây và bản thân loại rau này còn có nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Ngăn ung thư: Theo Hãng tin UPI dẫn lời các nhà khoa học thuộc Đại học Illinois (Mỹ), ăn cần tây giúp ngăn chặn tế bào ung thư tuyến tụy. Đó là nhờ trong cần tây có chứa apigenin, luteolin - những flavonoid có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu nhận thấy apigenin ức chế một enzyme gọi là glycogen synthase kinase-3 beta. Loại enzyme này làm giảm quá trình sản xuất các gien chống tự hủy hoại trong các tế bào ung thư tuyến tụy.
Còn theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Missouri (Mỹ), apigenin còn giúp làm teo khối u ung thư vú do progestin gây ra. Progestin là một loại hormone tổng hợp dành cho phụ nữ để giảm bớt các triệu chứng liên quan đến thời kỳ mãn kinh.
Ngừa táo bón: Hàm lượng chất xơ phong phú trong cần tây làm sạch đường tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón, đồng thời loại thải các độc tố khỏi cơ thể, qua đó bảo vệ gan và thận.
Giảm cân: Nước ép cần tây là trợ thủ đắc lực cho những ai muốn giảm cân. Cần tây có hàm lượng calo thấp. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một ly nước ép cần tây chứa chỉ 15 calorie.
Cải thiện thị lực: Hàm lượng cao vitamin A trong cần tây cải thiện sức khỏe mắt và ngăn ngừa các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác. Đây còn là nguồn phong phú folate, kali, vitmain B6, vitamin C và vitamin K.
Giảm huyết áp: Kali, canxi và phthalide trong cần tây đã được chứng minh giúp giảm huyết áp cao bằng cách thư giãn các cơ bắp xung quanh động mạch.
Giảm viêm: Đây là một lợi ích khác của cần tây nhờ chứa nhiều chất polysaccharide và chất chống ô xy hóa. Các chất chống ô xy hóa có khả năng chữa tổn thương gốc tự do góp phần gây viêm. Các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư hoặc viêm khớp là do viêm. Cần tây có nhiều loại chất chống ô xy hóa có lợi như a xít ferulic, caffeicacid và quecetin.
Đây là biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả cho một loạt các tình trạng viêm, bao gồm viêm gan, thận, đau khớp, hội chứng ruột kích thích, rối loạn da và cả nhiễm trùng đường tiết niệu.
Giảm cholesterol cao: Bạn có thể thêm cần tây vào chế độ ăn uống để giúp bảo vệ và cải thiện sức khỏe của tim mạch.
3-n-butylphthalide (BuPh), một hợp chất độc đáo có trong cần tây, có tác dụng hạ mỡ máu.
Ngăn ngừa loét: Bổ sung cần tây thường xuyên giúp ngăn ngừa và điều trị lở loét. Một loại chiết xuất ethanol trong cần tây có hiệu quả trong việc ngăn chặn hình thành các vết loét trong niêm mạc của đường tiêu hóa. Cần tây chứa tannin, flavonoid, alkaloid có khả năng nuôi dưỡng ruột kết, dạ dày.

Ai không nên dùng cần tây?
Những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với cần tây nên tránh ăn, uống loại rau này. Những ai đang cố gắng giảm hấp thụ sodium (chất trong muối ăn) nên chú ý đến tổng lượng sodium nạp trong ngày từ mọi loại thực phẩm, bao gồm cả cần tây.
Theo Medical News Today, cần tây có chứa hóa chất psoralen, phản ứng với ánh sáng mặt trời. Ăn cần tây và các thực phẩm khác chứa nhiều psoralen có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với tia cực tím, làm tăng nguy cơ viêm da. Đối với những người đặc biệt nhạy cảm với psoralen, chỉ cần chạm vào thực phẩm giàu psoralen cũng có thể gây kích ứng da.
Khi ăn cần tây mà có triệu chứng như khó thở, nổi mề đay, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, huyết áp thấp, tim đập nhanh…, bạn nên ngưng sử dụng ngay và hiểu rằng cần tây không dành cho bạn. Ngoài ra, nếu bạn có huyết áp thấp, hoặc đang mang thai trong những tháng đầu, hoặc thể trạng yếu, hay mệt mỏi thì cũng không nên uống nước ép cần tây.
Thế Phương (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm