(GLO)- Chính phủ lấy năm 2017 làm năm khởi nghiệp quốc gia với nhiều quyết tâm và nỗ lực. Trong đó, tiến công vào kinh tế nông nghiệp với hàm lượng công nghệ cao là lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất. Chưa bao giờ thuật ngữ “nông nghiệp công nghệ cao” được sử dụng phổ biến như hiện nay.
Nông nghiệp công nghệ cao đang nhận được nhiều sự quan tâm. |
Gia Lai là tỉnh có điểm xuất phát thấp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 45%, có tiềm năng thế mạnh để phát triển nông nghiệp. Do đó, việc chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất là yêu cầu có tính bắt buộc, bên cạnh đòi hỏi sản phẩm làm ra có năng suất, chất lượng, sản lượng cao, đảm bảo cho tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu. Báo cáo từ ngành chức năng cho thấy, khu vực kinh tế nông-lâm-ngư nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu GDP của tỉnh (khoảng 40%) nên kinh tế nông nghiệp rõ ràng còn giữ vị trí hết sức quan trọng.
Trước yêu cầu của xã hội và công cuộc phát triển nông nghiệp, nhiều năm qua, tỉnh đã rất chú trọng đến lĩnh vực này. Năm 2015, UBND tỉnh có Chỉ thị 06/CT-UBND về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp đó là Kế hoạch 341/KH-UBND về thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020. Và gần đây, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 15-CTr/TU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị, gia tăng chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học chất lượng cao vào sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Kết quả đạt được cho nỗ lực phát triển nông nghiệp từ trước tới nay là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất mới hiệu quả đã được các ngành, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân trong tỉnh hưởng ứng sôi nổi. Nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, sản lượng, chất lượng tốt đã được đưa vào sản xuất. Không chỉ với khâu cây-con giống mà quy trình sản xuất, chăn nuôi từ làm cỏ, bón phân, sử dụng hóa chất, chăm sóc, thu hoạch sơ chế, bảo quản, tinh chế, xuất bán cũng được nhà nông và doanh nghiệp quan tâm. Có thể nói, kết quả đạt được trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất và chăn nuôi của tỉnh là rất lớn. Dù vậy, so với yêu cầu, kinh tế nông nghiệp của tỉnh vẫn phát triển chậm, manh mún và thiếu bền vững.
Chính vì lý do đó mà tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Gia Lai năm rồi, tỉnh nhà ưu tiên giới thiệu hàng loạt danh mục dự án kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nhất là dự án chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức hội thảo phát triển nông nghiệp công nghệ cao quy tụ rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và được đánh giá là một hội thảo khai phá và bổ ích.
Khởi động cho một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, ngay trong năm 2017, tỉnh ta có kế hoạch xây dựng 5 khu nông nghiệp công nghệ cao tại TP. Pleiku, thị xã An Khê, huyện Đak Đoa, Đak Pơ với quy mô 240 ha. Đây hứa hẹn là điểm đến của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ liên kết mở rộng sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững.
Thất Sơn