(GLO)- “Dù ai đi ngược về xuôi-Đến ngày hội vật nhớ quay về Sình”, đó là câu ca dao ở Huế nhắc nhở mọi người hãy quay về làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế vào ngày mồng mười tháng Giêng để xem hội vật ngay giữa sân đình. Đặc biệt, hội vật là một hình thức tưởng nhớ ngài khai canh truyền dạy dân làng nghề vật. Vì vậy, ngoài việc trao giải nhất nhì, ban tổ chức còn trao giải thưởng nhân cách và đạo đức cho các đô vật có tinh thần thi đấu đẹp.
Các đô vật đang tranh tài trên sới vật làng Sình. Ảnh: Bùi Oanh |
Xứ Huế xưa vốn là đất kinh kỳ nên thường có nhiều bậc kì tài về võ học. Để tránh sự sát phạt và đề cao tinh thần thượng võ trong khi thi đấu, lệ làng Sình xưa quy định rõ, các đô vật khi thi đấu không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt...
Gần 500 năm qua, hội vật truyền thống làng Sình vẫn nổi tiếng gần xa và thu hút một lượng lớn du khách về địa phương trong dịp đầu xuân. Chuyện kể rằng, vào thời Trần-Hồ, thành Hóa Châu là lỵ sở của một vùng phên dậu phương Nam nước Đại Việt, được xây dựng trong khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt, án ngữ thuỷ lộ huyết mạch mà vùng Thanh Phước, Sình chính là cửa ngõ. Để huấn luyện binh sĩ, vật võ là môn thể thao được ưa chuộng.
Trai làng Sình tích cực tham gia và dần dần trở thành một phong trào được tổ chức hàng năm để rèn luyện sức khoẻ trong lao động và bảo vệ quê hương. Đến thời Nguyễn, nhờ có vị trí đặc biệt quan trọng trên các tuyến thuỷ lộ huyết mạch mà ngã ba Sình được triều đình chú trọng đầu tư xây dựng thành nơi diễn tập thủy quân. Với phương châm lấy việc rèn luyện sức khoẻ làm đầu, Nhà nước phong kiến khuyến khích quân lính tổ chức vật võ, về sau ấn định ngày mồng 10 tháng Giêng làm ngày hội thao, tổ chức tại làng Sình. Vật võ đã trở thành mạch sống văn hóa của làng Sình và còn có ý nghĩa để cầu an.
Không như các làng võ cổ truyền ở Bắc Bộ, sới vật làng Sình không trải thảm mà vẫn dùng bằng đất cát, trên nền sới vuông, cao 1,5 m, mỗi cạnh rộng 8 m. Năm nay, Hội vật làng Sình được chuẩn bị khá kĩ lưỡng. Thanh niên trong xã được huy động đắp cao sân đình, rào chắn trở thành một sới vật cho các đô vật trổ tài. Mỗi một gia đình ở đây cũng đã chuẩn bị tươm tất các món ẩm thực để chuẩn bị đón người thân, bạn bè đi làm ăn xa nay có dịp về thăm quê hương.
Ông Lê Bá Thành (80 tuổi) ở làng Sình cho rằng, hội vật là nơi tôn vinh những thanh niên cường tráng, ngoài yếu tố vui khỏe những ngày đầu xuân hội vật còn mang đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí. Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Sau tiếng trống khai hội, các đô vật biểu diễn những thế vật đẹp, lần lượt đến là các đô vật lứa tuổi thiếu niên, thanh niên tham gia tranh tài.
Hội vật làng Sình luôn đứng đầu cả nước về số lượng khán giả theo dõi và tán thưởng. Ảnh: Bùi Oanh |
Các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ, để giành chiến thắng, các đô vật phải đánh bại đối thủ của mình với đòn đánh làm cho đối phương "lấm lưng, trắng bụng" (một phần hoặc cả hai phần lưng của đối phương phải lấm đất, bụng ngửa lên trời). Vượt qua vòng đấu loại, các đô vật bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua 1 đối thủ nữa mới lọt được vào vòng chung kết. Nét độc đáo của hội vật làng Sinh, các đô vật lên sới đấu không nhất thiết phải là người địa phương và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật.
Ngoài việc nhận cờ, huy chương và tiền thưởng, các đô vật đoạt giải nhất được nhận mâm cau, trầu, rượu của Hội Bồi dâng làng cúng trong buổi lễ tế ngày hôm trước. Hội vật còn trao giải thưởng nhân cách và đạo đức cho các đô vật có tinh thần thi đấu đẹp. Là sân chơi đầu xuân với ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ, hội vật luôn chú trọng đến việc rèn luyện sức khoẻ, không đặt nặng tư tưởng thắng thua. Nếu đô vật không tuân thủ những quy định, không thể hiện tinh thần thượng võ và đạo đức thì hình thức kỹ luật là đuổi khỏi sới, cấm thi đấu.
Hội vật còn là dịp giúp thanh thiếu niên rèn luyện thể lực và nhân cách sống đẹp, sống khỏe. Đặc biệt, do tính hiếu khách và uy tín của hội vật làng Sình mà liên tiếp gần 500 năm qua, lễ hội này vẫn luôn được tổ chức một cách đều đặn và thu hút ngày càng đông các đô vật cũng như du khách trong và ngoài nước.
Bùi Oanh