Qua 3 ngày làm việc tại Gia Lai, ông có những đánh giá như thế nào về hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như hoạt động văn nghệ dân gian?
Đến Gia Lai lần này tôi đã làm việc với UBND tỉnh, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Đoàn Nghệ thuật Đam San, Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật cũng như thăm và tìm hiểu về tập tục, sinh hoạt văn hóa của người dân tộc thiểu số ở một số nơi. Có thể thấy, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là một nhu cầu tự thân. Tôi đã có dịp thưởng thức văn hóa cồng chiêng, đội cồng chiêng có cả những người lớn tuổi và trẻ tuổi. Đây là thuận lợi rất căn bản để phát triển văn hóa nghệ thuật ở Gia Lai. Tôi cũng thấy rằng UBND tỉnh đã rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ thuật biểu diễn tỉnh nhà. Với Đoàn Nghệ thuật Đam San, 150 buổi biểu diễn của Đoàn đều là kinh phí của Nhà nước, tỉnh cũng đang nới chỉ tiêu biên chế cho Đoàn… Về phía trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật, tỉnh cũng đã dành diện tích 4 ha, tương lai sẽ cấp thêm 2 ha để đủ chuẩn nâng cấp Trường thành trường cao đẳng.
Tuy nhiên, Gia Lai cũng có nhiều điều không thuận lợi cho nghệ thuật biểu diễn. Đó là, khán giả chưa có thói quen hàng tuần ra khỏi nhà 1, 2 buổi và mua vé để thưởng thức nghệ thuật. Tôi nghe nói một số nghệ sĩ có tiếng về đây biểu diễn nhưng khán giả đến xem cũng không đông lắm. Đoàn nghệ thuật của tỉnh mà bán vé biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa thì không bán được rồi, nhưng ngay ở thành phố thì cũng rất khó. Điều này gây cho đoàn những khó khăn, tạo ra “sức ỳ” nếu đoàn chỉ biểu diễn nhờ tiền bao cấp ít ỏi của Nhà nước và người nghệ sĩ không sống được bằng khả năng của mình. Đây là điều rất khác với các thành phố lớn. Ở đó, đoàn nghệ thuật nào năng động thì họ có thể sống tốt.
Theo ông, Gia Lai cần đầu tư như thế nào để hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp có “đất sống” hơn?
Gia Lai là tỉnh còn khó khăn về kinh tế. Nhưng tôi mong rằng, trong khi chăm lo phát triển kinh tế thì cũng cần chú ý đến những hoạt động văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Thực tế cho thấy, nếu không chăm lo phát triển văn hóa, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân thì sẽ hạn chế con người về nhiều mặt. Đây cũng là tình hình chung của cả nước. Những địa điểm đẹp nhất trong các thành phố đều dành cho các hoạt động kinh tế, những khu đô thị mới thì gần như không có một công trình văn hóa nào cả. Và tại rất nhiều tỉnh thành, số rạp hát, rạp chiếu bóng được xây dựng từ sau giải phóng đến nay thì… vô cùng ít trong khi cao ốc, nhà hàng, khách sạn thì vô cùng nhiều; thậm chí một số tỉnh thành còn bán các thiết chế văn hóa cho các doanh nghiệp.
Theo tôi, cần phải quan tâm đầu tư đến văn hóa, bên cạnh phát triển kinh tế, cũng như người ta phải đi bằng 2 chân thì mới vững. Văn hóa không làm ra tiền tức thì, nhưng nó tạo ra những giá trị quý báu cho xã hội. Đời sống văn hóa nghèo nàn sẽ dễ sinh ra cái ác. Người ta hay kêu ca tại sao bây giờ án hình sự nhiều hơn, tội phạm ngày càng trẻ hơn và có những án rất rùng rợn, mất nhân tính. Có rất nhiều lý do, nhưng tôi cho rằng một trong những lý do đó là do mình chưa chăm lo phát triển về văn hóa. Điều đó không khác gì việc trong một gia đình bố mẹ chỉ lo làm ăn mà không chăm lo cho đời sống tinh thần các con thì chúng khó có thể ngoan.
Tỉnh cần đầu tư thêm về cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển văn hóa. Gia Lai chưa có nhà hát, chưa có rạp chiếu bóng đúng tiêu chuẩn, Đoàn Nghệ thuật Đam San có không gian rất chật hẹp. Tôi được biết tỉnh cũng định bố trí một chỗ đất khác cho Đoàn Nghệ thuật Đam San, nhưng chúng tôi cũng kiến nghị với tỉnh nên chọn một địa điểm ở trung tâm và phải có không gian thoáng đãng đủ để xây dựng nhà hát và khuôn viên, vì người dân đến đấy không chỉ có nhu cầu vào xem biểu diễn nghệ thuật mà còn dạo chơi, thư giãn.
Còn về đào tạo thì bên cạnh việc đào tạo những lớp nghệ sĩ kế tục, cần đầu tư “đào tạo” khán giả. Khi kinh tế phát triển đến một mức nào đó, người dân cũng sẽ năng đến với các chương trình biểu diễn nghệ thuật hơn. Nhưng nếu muốn kéo họ đến bằng sự nhiệt tình, sự hiểu biết, thì phải “bồi dưỡng” khán giả ngay từ bây giờ. Chẳng hạn, có thể thông qua các kênh truyền hình của tỉnh để giới thiệu về nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật dân tộc. Cứ phát vào một giờ nhất định thì tự nó sẽ tác động đến người xem (trong đó có thanh niên), lúc đó họ mới dần yêu thích và trở thành khán giả trung thành của nghệ thuật được. Ngoài ra, theo tôi các đoàn nghệ thuật cũng cần năng động hơn. Trong biểu diễn người ta cần gì? Cần vở mới, tiết mục mới, diễn viên mới và trẻ. Đó là một trong những cách hấp dẫn người xem. Về phía Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật, cần phối hợp tốt hơn nữa với các đơn vị sử dụng lao động để có kết quả tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Phương Duyên (thực hiện)