Để tốt cho sức khỏe, nên uống đủ nước chứ không phải uống nhiều nước và cần uống đúng cách
Nghe lời bạn cho rằng sau khi đi ra ngoài đường về nhà phải uống 1 ca nước đầy để… "trôi virus SARS-CoV-2" và "thanh lọc chất độc mà mình hít trong không khí ô nhiễm" - bà Nguyễn Thị M.M. (55 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đã phải… đi bệnh viện.
Hiểu sai, hại đủ đường
"Tôi nghĩ mình có bệnh tim nên cái gì có thể giúp phòng Covid-19 thì làm, ai dè bác sĩ (BS) nói uống cả ca nước một hơi kiểu đó coi chừng "tiêu" trái tim" - bà M. kể.
Chị Trần N. thì một phen hoảng hồn khi tuần trước, chị làm cho cả nhà bình nước ngâm trái cây giúp thanh lọc cơ thể, có "dụ" con gái 6 tuổi uống. Nghe lời, cô bé ráng uống lấy uống để. Ai dè đến trưa, bé lừ đừ, nôn ói, đứng lên không nổi, chị phải đưa vào bệnh viện (BV). BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), cho biết tình huống trẻ con sau khi uống nước nhiều rồi đi tiểu thật nhiều trong thời gian ngắn sẽ có biểu hiện lừ đừ, mệt mỏi, có bé còn bị co giật đó là bé đã bị hạ natri máu. Dân gian gọi tình trạng này là "ngộ độc nước".
Ngoài ra, tin đồn "uống nước thật nhiều để ngừa Covid-19" là bị hiểu sai. Lời khuyên đúng trong phòng ngừa các bệnh hô hấp, bao gồm Covid-19 là "uống đủ nước và uống thường xuyên". Đủ nước nghĩa là vừa với nhu cầu của mình, thường xuyên tức là chia nhỏ ra, mỗi lần uống một ít thì có lợi hơn là để khát mấy giờ rồi mới uống một hơi thật nhiều.
"Cơ chế tác động của việc uống đủ nước có tác dụng phòng các bệnh hô hấp chính là giúp các niêm mạc đường hô hấp được khỏe mạnh, không bị khô, tăng khả năng tự nhiên của cơ thể chống lại mầm bệnh" - BS Minh Tiến giải thích.
Hiểu sai cần uống nước thật nhiều để phòng bệnh còn gây rắc rối cho trẻ em ở chỗ nếu uống nhiều về đêm, trẻ sẽ phải thức dậy đi tiểu đêm nhiều, trong khi trẻ em rất cần giấc ngủ dài, ngủ ngon và sâu để phát triển.
|
Loại nước tốt nhất để uống là nước lọc (ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Mang bầu, mang bệnh: nên cẩn thận
Lời đồn đại rằng bà bầu nên uống nước nhiều để nước ối không bị ít, dễ đẻ và để thanh lọc cơ thể, cũng được các chuyên gia cảnh báo. BS Nguyễn Ngọc Thông - Phòng khám Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM - cho biết tuy có lời khuyên người đa ối thì bớt uống nước lại, thiểu ối thì uống thêm nước nhưng điều này vẫn chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng. Tốt nhất bà bầu nên uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày như người bình thường, trời nóng, đổ mồ hôi thì uống thêm theo nhu cầu.
"Uống nước quá nhiều là bắt ép thận làm việc quá mức, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chưa kể nếu thai phụ có tình trạng cao huyết áp thai kỳ hay các vấn đề sức khỏe khác thì sẽ nguy hiểm. Loại nước tốt nhất để uống luôn là nước lọc, nước trái cây chỉ là để bổ sung. Không ít thai phụ hay mắc phải tình trạng cố uống thêm nhiều loại nước trái cây và nghĩ rằng sẽ tốt cho sức khỏe, cho thai nhi như nước cam, nước dừa… Nhưng đây là các loại nước gây lợi tiểu, uống thay cho nước lọc có thể khiến cơ thể mất nước vì lượng nước đào thải ra quá nhanh" - BS Thông tư vấn.
BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, cảnh báo rằng người có bệnh tim mạch là đối tượng nên lưu ý không để cơ thể mất nước, mà cũng không nên uống một hơi quá nhiều nước.
BS Anh Vũ giải thích: "Uống quá nhiều nước, nhất là uống một hơi sẽ làm tăng thể tích tuần hoàn, gây thêm áp lực cho tim và hệ thống mạch máu. Người bình thường thì không sao, chỉ hơi khó chịu, nhưng người có bệnh tim mạch, nhất là người lớn tuổi thì có thể gây nguy hiểm. Trái lại, để cơ thể mất nước thì thể tích tuần hoàn bị giảm, có thể gây trụy mạch. Vì vậy, tốt nhất người có bệnh tim mạch đi ra ngoài nên đem theo nước, thỉnh thoảng phải nhớ uống một chút nước".
Nước dừa không nên dùng nhiều trong tình huống đang bị rối loạn tiêu hóa, có bệnh lý thận, tim mạch… Cũng không nên uống nước dừa khi đang mệt, mới đi nắng về, đang hạ huyết áp. Lưu ý này dành cho cả bà bầu lẫn người bình thường, bởi nước dừa có tính năng làm giảm huyết áp và uống nhiều sẽ gây mỏi cơ.
ANH THƯ (NLĐO)