Tuyển sinh 2025: Sẽ không còn xét tuyển sớm, quy định mới về điểm ưu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non sẽ được ban hành ngay trong tháng 2. Trong đó, nhiều điểm mới của quy chế tác động trực tiếp tới thí sinh trong quá trình xét tuyển năm nay.

Thông tin trên được đại diện Bộ GD-ĐT chia sẻ trong ngày hội khai mạc Tư vấn mùa thi 2025 do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường ĐH Đồng Nai sáng qua (15.2). Chương trình thu hút khoảng 10.000 học sinh (HS) tham dự trực tiếp, hơn 50 đơn vị giáo dục tham gia tư vấn.

Chương trình được tường thuật trực tuyến trên nhiều kênh của Báo Thanh Niên như: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Hàng ngàn học sinh Đồng Nai tham dự buổi khai mạc Tư vấn mùa thi trong sáng qua 15.2. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Hàng ngàn học sinh Đồng Nai tham dự buổi khai mạc Tư vấn mùa thi trong sáng qua 15.2. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

KHÔNG CÒN XÉT TUYỂN SỚM CÓ ẢNH HƯỞNG TỚI THÍ SINH ?

Tham dự chương trình, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết về công tác tuyển sinh, trong 4 năm qua, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT đã có nhiều đổi mới và đi vào ổn định. Để các thí sinh (TS) có cơ hội tốt nhất, trúng tuyển vào ĐH, đạt được nguyện vọng cao nhất của bản thân, phù hợp với năng lực sở trường, năm nay có những điểm đổi mới nhưng không quá lớn, TS yên tâm tham gia vào kỳ tuyển sinh.

Theo bà Thủy, thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non sẽ được ban hành trong tháng 2, sau khi hoàn chỉnh các thủ tục ban hành văn bản theo quy định. Từ dự thảo công bố và tiếp thu ý kiến góp ý, quy chế chính thức sẽ có những điều chỉnh so với dự thảo công bố lấy ý kiến trước đó.

Thứ nhất, năm nay sẽ không còn xét tuyển sớm và tất cả tuân theo quy trình xét tuyển chung trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Riêng xét tuyển thẳng được thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT dành cho các TS thuộc diện tài năng, xuất sắc, vượt trội. Bên cạnh đó, việc các cơ sở đào tạo có cách thức quy đổi tương đương giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển là điều bắt buộc, để đảm bảo các em được sắp xếp theo đúng năng lực nội tại, phẩm chất cốt lõi, đáp ứng yêu cầu từng chương trình đào tạo cụ thể. Điều này dẫn đến việc các trường không cần thiết phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển. Việc xét tuyển sẽ thực hiện lấy TS từ cao xuống thấp để thấy sự công bằng hơn nữa giữa các TS khi tham gia xét tuyển.

Phân tích thêm về 2 điểm mới này, theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, việc bỏ đi xét tuyển sớm và thực hiện quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức là để đảm bảo hơn công bằng giữa các TS, không phải giảm đi cơ hội của các em. Không phải vì xét tuyển sớm sẽ tăng cơ hội trúng tuyển vì mỗi em chỉ vào học một ngành ở một trường. Việc cho phép các em đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ sẽ giúp các em trúng tuyển cao nhất vào nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.

"Xét tuyển sớm hay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT thì mỗi em cũng chỉ đỗ một nguyện vọng, chứ không làm mất đi cơ hội của bất kỳ ai", PGS-TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Nhiều hoạt động sôi nổi tại các gian hàng. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Nhiều hoạt động sôi nổi tại các gian hàng. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

ĐIỂM CỘNG ƯU TIÊN KHÔNG VƯỢT QUÁ 10% MỨC TỐI ĐA TỔNG ĐIỂM XÉT TUYỂN

Một điểm mới tiếp theo, theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, các trường ĐH được quyền quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển. Do đó, TS không nhất thiết tham dự môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định.

Tuy nhiên, Vụ trưởng cho biết điểm cộng ưu tiên của mỗi TS không vượt quá 10% mức điểm tối đa (điểm cộng này là sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng); đồng thời tổng điểm xét của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa".

BỎ YÊU CẦU MỖI NGÀNH CÓ TỐI ĐA 4 TỔ HỢP XÉT TUYỂN

Ngoài ra, một số điểm mới của quy chế tác động trực tiếp tới kế hoạch tuyển sinh các trường. Theo đó, quy chế bỏ yêu cầu mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển, tức không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển tối đa cho một ngành hay một chương trình cụ thể.

Lý giải quy định này, đại diện Bộ GD-ĐT nói: "Chúng ta đang muốn tạo cơ hội cho TS có thể trúng tuyển vào ngành mình mong muốn. Trong khi tổng số lượng các môn nhiều hơn nhưng số lượng môn TS dự thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ 4 môn, số lượng tổ hợp xét tuyển không quá lớn nên việc giới hạn số lượng tổ hợp cho một ngành không cần thiết". Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, có một quy định sẽ áp dụng từ năm 2026 về số môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển phải chiếm trọng số 50%.

Cũng trong năm nay, các trường ĐH, CĐ dùng kết quả bậc THPT để xét tuyển, điểm mới trong quy chế là phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12. Điều này tác động lại tới bậc học THPT, để các em không bỏ lại kiến thức của năm lớp 12.

CÁCH TÍNH ĐIỂM BÀI THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC RA SAO ?

Cũng trong chương trình, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), lưu ý thêm những nét mới của kỳ thi đánh giá năng lực, đặc biệt lưu ý cách để đạt kết quả cao nhất ở bài thi có những điều chỉnh cấu trúc năm nay.

Theo tiến sĩ Chính, năm nay bài thi có một số đổi mới so với năm ngoái. Về nội dung, bài thi có sự điều chỉnh nhất định, được thiết kế để TS dù chọn môn học khác nhau vẫn có tiếp cận dễ dàng và công bằng với bài thi năng lực. Cụ thể, bài thi gồm 4 phần, trong đó 3 phần đầu (tiếng Việt, tiếng Anh và toán) là 3 môn mà tất cả HS đều học. Riêng phần thứ 4 đánh giá tư duy logic và suy luận khoa học, bài thi không hỏi chuyên sâu về lý, hóa, sinh, sử, địa mà yêu cầu TS sử dụng năng lực của mình dựa vào các dữ kiện được cung cấp sẵn trong đề thi để thực hiện.

"Do đó, HS không cần học chuyên sâu vẫn làm được bài. Bởi lẽ, mặc dù có những kiến thức có vẻ giống vật lý nhưng mang tính khoa học", tiến sĩ Chính nói thêm.

Về cách tính điểm, tiến sĩ Chính cho biết bài thi có 120 câu với tổng điểm tối đa 1.200 điểm. Tuy nhiên, không phải câu nào cũng là 10 điểm mà tùy độ khó, độ phân biệt có trọng số điểm khác nhau. "TS không cần đến trung tâm luyện thi vẫn có thể ôn tập được", tiến sĩ Chính khuyên.

Nhiều hoạt động hỗ trợ tuyển sinh, hướng nghiệp

anhbox.jpg

Chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 27 chính thức khai mạc tại Trường ĐH Đồng Nai, điểm hẹn quen thuộc của chương trình trước khi bắt đầu chuỗi hoạt động diễn ra tại 12 tỉnh thành trên cả nước và kéo dài đến hết tháng 3. Trước đó, nhiều hoạt động hỗ trợ tuyển sinh và hướng nghiệp khác của Báo Thanh Niên đã diễn ra trên tất cả nền tảng của báo: website, báo in, YouTube, Facebook, TikTok…

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng (Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên)

Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các đơn vị hỗ trợ thực hiện chương trình: Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, Trường ĐH Đồng Nai, Trường TH - THCS - THPT Bùi Thị Xuân (Đồng Nai), Công ty CP đầu tư bất động sản Phú Gia Hưng, Trường TH - THCS - THPT song ngữ Á Châu.

Cảm ơn các đơn vị đồng hành cùng chương trình học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; cảm ơn Công ty cổ phần xe khách Phương Trang hỗ trợ đưa đón ban tổ chức trong quá trình thực hiện chương trình.

Theo Hà Ánh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.