Hàng lậu, hàng giả của nhiều nhãn hàng như L’Oréal, Nike... được bán tràn lan trên mạng khiến các thương hiệu rất bức xúc.
Sáng 5-11, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), đánh giá mức độ tăng trưởng của thương mại điện tử hiện nay khác xa bối cảnh thời điểm xây dựng Nghị định 52 và đưa vào thực thi năm 2013. Thời điểm đó, quan điểm của Chính phủ, Bộ Công Thương là tạo lập môi trường thực sự hỗ trợ cho phát triển thương mại điện tử nên cho ra đời nhiều quy định tương đối mở. Chỉ sau thời gian ngắn, thương mại điện tử, đã có những thay đổi bước ngoặt. "Do vậy, tôi tâm đắc với mục tiêu mà Chính phủ giao Bộ Công Thương khi chủ trì sửa đổi Nghị định 52 là làm thế nào có hành lang pháp lý, có căn cứ để quản lý được ngành này; minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ và kiểm soát được hàng giả" - ông Minh nói.
Kho hàng lậu rộng gần 10.000 m2 ở TP Lào Cai - Ảnh: NLĐO |
Ông Nguyễn Kỳ Minh cũng chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan đến tình trạng bán hàng giả, hàng nhái tràn lan trên nền tảng internet để khẳng định mục tiêu của Chính phủ trong bối cảnh hiện này là rất đúng đắn.
"Hội thảo hôm nay có chị Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - đại diện L’Oréal. Chị Trinh rất nhiều lần bức xúc đặt câu hỏi tại sao ở thị trường Việt Nam, các sản phẩm của L’Oréal được bày bán trên mạng và hàng giả tràn lan như vậy? Gần như tuần nào chúng tôi cũng nhận được văn bản của L’Oréal gửi cơ quan QLTT về việc chỗ này bán hàng giả, website kia bán hàng dỏm. Hay như Nike cũng vậy. Họ nói với tôi gần như 100% sản phẩm bày bán ở gian hàng Nike mà không phải mall chính hãng trên sàn TMĐT thì là giả. Họ khẳng định theo chính sách giá của Nike ở thị trường Việt Nam, không có chiếc áo nào giá dưới 800.000 đồng, không có đôi giày nào dưới 1,2 triệu đồng" - ông Minh kể và cho rằng cần có quy định rõ ràng về minh bạch hóa thông tin sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Dẫn lại vụ triệt phá kho hàng lậu trên 10.000 m2 với 160.000 sản phẩm quần áo, giày dép, mỹ phẩm… không cung cấp được hóa đơn, chứng từ ở Lào Cai vào đầu tháng 7 vừa qua, ông Minh cho rằng một trong những đơn vị góp phần giúp sức tích cực cho bán hàng online thành công chính là đơn vị giao nhận. Do vậy, ông Minh góp ý có quy định về trách nhiệm của đơn vị giao nhận trong việc kiểm soát cụ thể người gửi sản phẩm để có địa chỉ rõ ràng giúp cơ quan chức năng xử phạt. "Nhiều trường hợp chúng tôi phải xử lý theo quy định với hàng vô chủ, đem tiêu hủy chứ không xử phạt được. Phải xử phạt được mới có tính răn đe, còn nếu chỉ tiêu hủy thì không khác nào "muỗi đốt inox", không ăn thua" - ông Minh nói thêm.
Trong khi đó, đại diện Tiki cho rằng bản chất của thương mại điện tử chính là đưa hoạt động kinh doanh truyền thống lên nền tảng internet. Nếu như đặt ra quá nhiều điều kiện, thủ tục để hạn chế hoạt động này thì sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các kênh bán hàng. Đại diện doanh nghiệp thương mại điện tử này đề nghị phải tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho doanh nghiệp tham gia thị trường.
Theo Phương Nhung (NLĐO)