(GLO)- Hơn 35.462 ha đất đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho 15 doanh nghiệp thuê lập 52 dự án đầu tư trồng cao su. Từ năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp đã trồng mới gần 28.250 ha cao su trên đất rừng nghèo chuyển đổi; nâng tổng diện tích cao su toàn tỉnh lên 100.000 ha.
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, tiếp nhận lao động, hỗ trợ thực hiện chính sách an sinh xã hội địa phương được xác định là một phần trách nhiệm của các doanh nghiệp. Nói như thế là vì, trong tổng số vốn trên 4.983 tỷ đồng thực hiện các dự án trồng cao su, các doanh nghiệp cam kết mức đầu tư hạ tầng cơ sở vùng dự án trên 180 tỷ đồng. Trích quỹ phúc lợi xã hội hỗ trợ an sinh xã hội địa phương đến năm 2018 trên 60 tỷ đồng.
Ảnh: Đức Thụy |
Đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nông trường, nhà ở công nhân, hệ thống điện nước, giao thông, nhà trẻ, trạm y tế,… tổng vốn trên 153 tỷ đồng; góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hỗ trợ an sinh xã hội địa phương gần 21,2 tỷ đồng, bằng 101% so với tổng vốn cam kết theo tiến độ.
Ông Vũ Ngọc An- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai nhìn nhận: Các doanh nghiệp được giao đất thực hiện tốt việc trồng mới, đầu tư hạ tầng cơ sở; hỗ trợ an sinh xã hội. Duy chỉ việc tiếp nhận lao động tại chỗ là không đạt chỉ tiêu đặt ra. Đến nay, số lao động dài hạn được tiếp nhận vào làm việc là 1.935 người, bằng 41,8% so với nhu cầu lao động cần tuyển dụng của dự án thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Binh đoàn 15 làm tốt việc tuyển dụng lao động. Các doanh nghiệp còn lại rất cần lao động; thậm chí nhờ chính quyền địa phương, già làng vận động đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc; song vẫn không tuyển dụng được. Nguyên nhân, các dự án trồng cao su ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ngại đi làm xa tốn kém. Làm công nhân phải tuân thủ quy định kỹ thuật, thời gian làm việc không hợp với nếp canh tác tự do nên đồng bào dân tộc thiểu số không nhiệt tình.
Quy trình đầu tư cơ sở hạ tầng doanh nghiệp thiếu quan tâm, đầu tư tạm bợ không bảo đảm điều kiện sinh hoạt nên người lao động không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Có doanh nghiệp năm 2011 tuyển dụng 50 lao động dài hạn, nhưng hiện tại không còn lao động nào.
Cũng theo ông An, thực tế việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su đã xuất hiện tình trạng người dân tự ý lấn chiếm đất đã giao cho doanh nghiệp làm nương rẫy, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt. Quy trình thực hiện dự án được phê duyệt đầu tư từ năm 2008 trở về trước, các doanh nghiệp có vốn ngoài quốc doanh ưu tiên hình thành vườn cây, chưa quan tâm lĩnh vực an sinh xã hội; đầu tư hạ tầng cơ sở vùng dự án. Hơn nữa, hầu hết các dự án trồng cao su thuộc vùng sâu, vùng xa, hệ thống giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện, nhất là địa bàn huyện Chư Prông.
Hạn chế đã được xác định, điều quan tâm là khắc phục như thế nào. Đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng cần có sự trợ lực của Trung ương và tỉnh. Trước mắt, Trung ương quan tâm bố trí vốn để tỉnh triển khai việc đầu tư hạ tầng cơ sở, đào tạo nghề theo nội dung Quyết định 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tiếp nữa, tỉnh có công văn chỉ đạo các địa phương làm việc với doanh nghiệp có dự án phê duyệt từ năm 2008 về trước về hạn mức trồng 100 ha cao su hỗ trợ địa phương xây dựng 0,5 km đường giao thông nông thôn kết cấu bê tông, đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp được cho phép đầu tư sau này. Có kế hoạch giao cho địa phương, chủ dự án quản lý quỹ đất ranh giới cách lề đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện 100 mét; cách mép sông, suối 50 mét; đồng thời chuyển một phần diện tích đất trên đưa vào sử dụng cho mục đích cấp cho công nhân làm nhà ở, giải quyết đất sản xuất giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Quang Hồng