(GLO)- Phát biểu tại buổi tọa đàm kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung khẳng định: “Những người làm báo trên địa bàn tỉnh luôn xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa.
Trong quá trình 87 năm xây dựng, trưởng thành, báo chí Gia Lai đã trải qua chặng đường đấu tranh gian khổ, oanh liệt, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào cách mạng của nhân dân, kịp thời nêu gương các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt việc tốt, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung (thứ hai từ phải sang) trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ nhất cho các tác giả. Ảnh: Đức Thụy |
Chiều 20-6, buổi tọa đàm kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam do UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức vừa diễn ra tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung khẳng định: “Những người làm báo trên địa bàn tỉnh luôn xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Trong quá trình 87 năm xây dựng, trưởng thành, báo chí Gia Lai đã trải qua chặng đường đấu tranh gian khổ, oanh liệt, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào cách mạng của nhân dân, kịp thời nêu gương các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt việc tốt, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp”.
Ông Rah Lan Lâm-Phó Giám đốc Công an tỉnh, cũng đồng quan điểm khi thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những thành tích của báo chí; đặc biệt, những năm qua, lực lượng Báo chí và Công an đã phối hợp rất tốt trong vấn đề đấu tranh giữ gìn an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội.
Các ý kiến tại đây cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và một số “căn bệnh” của báo chí hiện nay. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sự đòi hỏi của độc giả ngày càng cao nhưng sự đổi mới của báo chí ở một khía cạnh nào đó vẫn chậm, chưa phát huy được hết năng lực, “vẫn còn đâu đó những bài viết nông cạn, hời hợt, chưa sâu, cá biệt còn có bài viết chưa chính xác, chưa khách quan”.
Nhà báo Nguyễn Thông-Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Gia Lai-lại đề cập đến một thực trạng nhức nhối của làng báo: Số lượng các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đang phát triển rất mạnh, tuy nhiên vẫn có một bộ phận nhỏ phóng viên lợi dụng chức trách của nhà báo để mưu lợi cá nhân.
Sau buổi tọa đàm, lễ trao giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ I cũng đã diễn ra trang trọng với tổng cộng 30 giải thưởng được trao cho các tác giả, nhóm tác giả thuộc các lĩnh vực báo in, báo nói, báo hình. Đây là năm đầu tiên giải được tổ chức. |
Trước câu hỏi của nhà báo Nguyễn Thông về sự quản lý của cơ quan chức năng, ông Trần Ngọc Nhung-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho rằng: “Theo tôi, khó có thể quy trách nhiệm hết cho cơ quan chức năng, mà trách nhiệm trước hết thuộc về đạo đức, lối sống của phóng viên và sự quản lý của cơ quan báo chí”. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hùng, cũng khẳng định: “Không có nghề nào mà ai cũng tốt, ai cũng tài giỏi. Nghề giáo là một trong những nghề cao quý nhất nhưng vẫn có những người vi phạm đạo đức. Tất nhiên chúng ta cũng phải tự nghiêm khắc với nghề nhưng không vì một con người mà quy kết cả một tập thể”.
Các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung đã chỉ ra hướng phát triển cho đội ngũ báo chí trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới: “Báo chí cần tuyên truyền tốt hơn nữa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nói lên ý nguyện của nhân dân. Điều này đòi hỏi đội ngũ làm báo phải thường xuyên nghiên cứu, học tập, sâu sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh đúng thực tế, khách quan, trung thực. Vì vậy tôi mong rằng lãnh đạo các cơ quan báo chí cần tăng cường hơn nữa công tác chăm lo, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, quan tâm hơn nữa đến đời sống của những người hoạt động trong các cơ quan báo chí.
Các cơ quan quản lý báo chí cần tăng cường trách nhiệm để định hướng dư luận, định hướng tuyên truyền cho các cơ quan báo chí. Bên cạnh các bài viết của các cây bút chuyên nghiệp, cần huy động thêm các cộng tác viên ở các lĩnh vực để vừa mở rộng vừa nâng cao tính thực tế, tính nhân dân của các chuyên mục trên báo, đài… Chúng tôi chờ đợi những thành công, đóng góp lớn lao hơn nữa của các cơ quan báo chí”.
Phương Duyên