Trải nghiệm các dịch vụ du lịch cộng đồng đặc sắc tại Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kon Tum là điểm đến du lịch hứa hẹn sự hấp dẫn đặc biệt với sự đa dạng văn hóa của 8 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có một nền văn minh, văn hóa riêng biệt.

UBND tỉnh Kon Tum trao quyết định công nhận cho nhân dân làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu. Ảnh: Dư Toán/TTXVN
UBND tỉnh Kon Tum trao quyết định công nhận cho nhân dân làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu. Ảnh: Dư Toán/TTXVN
Từ ngày 12-14/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ ra mắt làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu và Liên hoan sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum lần thứ I-2020.
Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và triển khai chương trình kích cầu du lịch.
Liên hoan sắc màu thổ cẩm, ra mắt Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu là hoạt động thiết thực, giới thiệu điểm đến du lịch; tôn vinh, quảng bá hình ảnh du lịch Kon Tum đến bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Kon Tum nói chung, thành phố Kon Tum nói riêng.
Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nằm bên dòng sông Đăk Bla, làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum còn giữ được nét kiến trúc mang đặc trưng riêng của người Ba Na.
Tỷ lệ nhà sàn truyền thống của làng chiếm trên 50%, được xây dựng xung quanh nhà Rông văn hóa, nhà nguyện, cùng quay mặt về hướng Nam.
Đến đây, du khách không chỉ được hòa mình vào đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân, mà còn được làm quen với dân ca, nhạc cụ truyền thống qua giao lưu cồng chiêng, múa xoang và một số lễ hội khác.
Du khách cũng sẽ được thưởng thức các món ăn mang phong cách riêng đặc trưng của người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa như cơm lam, gà nướng, cá sông nướng và các loại rau, củ, quả rừng,…
Chị Lê Thị Kim Duyên, du khách đến từ thành phố Kon Tum cho biết, tham dự Lễ ra mắt làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu và Liên hoan sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum là lần thứ hai chị đến với làng Kon Kơ Tu.
Ngoài các món ăn đặc sắc cũng như các nét đẹp từ lễ hội văn hóa truyền thống, chị và người thân còn được chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do chính bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nơi đây làm ra, như thổ cẩm, xà phòng, gùi tre…

Nghệ nhân làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu trình diễn dệt thổ cẩm. Ảnh: Dư Toán/TTXVN
Nghệ nhân làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu trình diễn dệt thổ cẩm. Ảnh: Dư Toán/TTXVN
Theo số liệu thống kê, mỗi năm làng Kon Kơ Tu đón từ 700-900 lượt khách du lịch, trong đó khách nước ngoài khoảng 300 lượt, tập trung ở độ tuổi từ 20-50.
So với các năm trước, tỷ lệ khách đến với làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu 6 tháng đầu năm 2020 tăng từ 10-20%.
Ông A Ben, làng Kon Kơ Tu là một trong những nghệ nhân tham gia đón đoàn khách du lịch đến với làng Kon Kơ Tu bày tỏ niềm vui mừng khi hàng năm, số du khách đến với làng lại tăng lên. Nhờ đó, người dân trong làng có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế-xã hội.
“Dân làng chúng tôi cũng luôn ý thức được việc bảo vệ và truyền thụ các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ sau. Du khách đến đây sẽ được đắm chìm trong một không gian văn hóa đậm chất dân tộc của người Ba Na, và nhớ mãi những trải nghiệm thú vị và đặc trưng riêng mà làng Kon Kơ Tu mang lại,” ông A Ben chia sẻ.
Trong khi đó, Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdam cho rằng, Kon Tum là tỉnh có rất nhiều thuận lợi về sự đa dạng văn hóa của bà con các dân tộc tại chỗ, bởi nơi đây có tới 8 tộc người, mỗi tộc người có một nền văn minh, văn hóa riêng biệt.
Dù vậy, từ lâu nay, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng việc phát huy các giá trị văn hóa ấy, mà làng Kon Kơ Tu chính là một ví dụ cụ thể.
“Theo tiếng Ba Na, K’Tu (phát âm: Kơ Tu) có nghĩa là làng cũ, làng của người xưa, là một ngôi làng mà còn rất nhiều những nhà Rông truyền thống và nếp sống, sinh hoạt còn nhiều nét đẹp. Nếu như có thể phát triển du lịch cộng đồng ở đây thì sẽ phát triển được giá trị văn hóa của người Ba Na. Đặc biệt, nếu tất cả những địa điểm khác của Kon Tum cũng phát huy được giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa như J’Rai, K’Dong, H’rê, Giẻ Triêng, Brâu,… thì đó sẽ là điều vô cùng tốt đẹp trong việc gìn giữ kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại," nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdam phân tích.

Nhà Rông văn hóa – biểu tượng của làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu. Ảnh: Dư Toán/TTXVN
Nhà Rông văn hóa – biểu tượng của làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu. Ảnh: Dư Toán/TTXVN
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum Trần Thị Nga cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, việc thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến địa phương không được như mong đợi, khi lượng khách chỉ đạt gần 64% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân làm công tác du lịch, thu nhập thấp, không có điều kiện để đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất làm du lịch cộng đồng.
Dù vậy, với nỗ lực của tỉnh Kon Tum trong việc quảng bá hình ảnh; đầu tư, xây dựng, sửa chữa một số hạng mục công trình; tăng cường liên kết hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch,… tỉnh đã tạo được “đòn bẩy” để khôi phục và phát huy thế mạnh trong phát triển du lịch, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bà Trần Thị Nga đề nghị, Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum và các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và chương trình kích cầu du lịch tỉnh Kon Tum năm 2020. Đồng thời, tỉnh tiếp tục phát huy các điểm du lịch, đầu tư thành những điểm đến lý tưởng, thu hút khách tham quan và thưởng ngoạn.
Đặc biệt, công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc cần được quan tâm; rà soát các điểm du lịch, làng du lịch cộng đồng để đề xuất với cơ quan chức năng công nhận các điểm du lịch...
Dư Toán (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 chứng kiến nắng nóng gay gắt như đổ lửa trải dài từ Bắc vào Nam, nên những bãi biển mát lạnh hay vùng núi cao ngập cây xanh trở thành ưu tiên của nhiều gia đình đi chơi dịp này với quan điểm: Du lịch là phụ, trốn nóng là chính.
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.
Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

(GLO)- Từ trên cao, cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đẹp tựa như một bức tranh. Dưới ánh hoàng hôn, từng thửa ruộng ánh lên sắc màu ấm áp, bình yên. Mời các bạn cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của nơi này qua góc máy của tác giả Phạm Quý.
Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

(GLO)- Vào những chiều hè nắng rực, khi ánh hoàng hôn dần buông soi chiếu xuống mặt nước, hồ Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trở thành một tấm gương khổng lồ, tạo nên khung cảnh yên bình và lãng mạn.