Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã có chỉ đạo tăng cường quản lý, xử phạt các cơ sở sử dụng sản phẩm không có nguồn gốc. Thế nhưng, thông tin từ Bộ Công an mới đây cho biết, thuốc đông y không nguồn gốc vẫn bán tràn lan ra cả vỉa hè ở TP.HCM...
Cơ sở này bị phát hiện bán thuốc đông y không rõ nguồn gốc. |
Nguồn tin từ Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an, cho biết: Đầu tháng 10/2020 vừa qua, C03 đã tiến hành khám xét các kho chứa hàng thuộc nhà thuốc y học cổ truyền dân tộc tư nhân Dũ Hưng ( đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5, TP.HCM).
Lực lượng chức năng đã phát hiện dược liệu được đựng trong các bao tải, xô nhựa, thùng... lên đến con số hàng trăm kilogram. C03 yêu cầu chủ nhà thuốc Dũ Hưng dẫn đến một kho chứa hàng khác. Ở đây, người ta cũng phát hiện có chứa hàng chục bao dược liệu đông y (còn gọi là thuốc bắc) không hóa đơn chứng từ, không có chứng minh nguồn gốc - xuất xứ; cùng nhiều chứng từ, tài liệu liên quan đến hoạt động nhập khẩu, mua bán nguyên liệu thuốc bắc từ Trung Quốc.
Theo ước tính ban đầu của C03, mỗi ngày, các đối tượng thông quan từ 3 - 5 container. Mỗi container, chứa hàng chục tấn hàng. Nếu trừ đi số hàng hóa ngụy trang, thì mỗi ngày, các đối tượng đã vận chuyển trót lọt hàng chục tấn nguyên liệu thuốc bắc vào Việt Nam tiêu thụ. Thậm chí, có không ít số lượng nguyên liệu thuốc đông y nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị rút gần hết chất liệu thuốc, chỉ còn lại "xác", mà có chuyên gia cho rằng "không khác gì nhập rác nguyên liệu thuốc vào Việt Nam".
Trong khi đó, vào giữa tháng 10/2020, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 93,1 triệu đồng đối với Công ty TNHH thương mại y học cổ truyền Cộng Hòa (Phòng chẩn trị y học cổ truyền), tại địa chỉ số 680 Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình vì không lập hồ sơ, bệnh án theo quy định của pháp luật.
Công ty này, lập sổ khám bệnh, chữa bệnh, nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật. Nhân viên bán hàng không đeo biển tên, án thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sở Y tế đã buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nhiều đối tượng đã mạo danh các cơ sở khám chữa bệnh như Viện Y học cổ truyền để bán thuốc đông y (thuốc bắc) điều trị xương khớp không rõ nguồn gốc.
Theo nhận định của Sở Y tế TP.HCM: Với số lượng lớn dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc - xuất xứ; hàng ngày được vận chuyển trót lọt vào Việt Nam tiêu thụ, thì nguy cơ người sử dụng mua phải dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng là rất lớn.
Có đến hơn 80% lượng dược liệu đang lưu hành trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) và tỷ lệ dược liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng rất thấp.
Dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng cũng được "lách luật" đưa vào thị trường dưới dạng nhập khẩu nông sản, hoặc được nhập lậu tại các vùng biên giới, nên việc kiểm soát chất lượng gặp rất nhiều khó khăn.
Các bệnh viện lớn của TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Nhi đồng 1... đã nhiều lần cảnh báo về việc người dân tự ý sử dụng các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc dẫn đến hậu quả khôn lường như: ngộ độc cấp, mạn tính, suy gan, thận, đặc biệt là đối với trẻ em, trong số đó, tổn thương gan và thận là 2 loại tác dụng phụ được khuyến cáo nhiều nhất.
Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã đề nghị Sở Y tế TP.HCM tăng cường kiểm tra các sản phẩm có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả cơ sở công lập và tư nhân) và cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn. Xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật.
Mặc dù vậy, tình trạng nhập lậu, quảng bá sai sự thật, mua bán thuốc đông y không rõ nguồn gốc, không xuất xứ va kém chất lượng, vẫn đã và đang tiếp diễn tràn lan ở TP.HCM.
Theo Bạch Dương (Dân Việt)