Tình đồng bào trong hoạn nạn xứ người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương", một lần nữa, hai chữ “đồng bào” lại được nhắc đến trong những ngày căng thẳng, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho mỗi chúng ta trước những khó khăn.
 

 Ngày 10/2, chuyến bay của Vietnam Airlines đã đưa các công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về tại Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh).
Ngày 10/2, chuyến bay của Vietnam Airlines đã đưa các công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về tại Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh).


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nguyện vọng của công dân, ngày 10/02, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tiến hành đưa về nước 30 công dân Việt Nam (gồm các sinh viên và người thân, khách du lịch Việt Nam,...) từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - vùng tâm dịch và không có bất kỳ kết nối giao thông nào với các khu vực khác. 

Cuối cùng, chuyến bay đã hạ cánh an toàn trong sự vui mừng không chỉ của những người trở về, thân nhân của họ mà cả nhiều người Việt Nam chú ý đến sự kiện này.

Theo lẽ thường, mỗi sự kiện xảy ra như thiên tai địch họa và dịch bệnh dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng sẽ trở nên đáng quan tâm hơn rất nhiều với chúng ta nếu nó ảnh hưởng đến người Việt, những đồng bào cùng dòng dõi con Lạc cháu Hồng.

Từ khi dịch viêm phổi bùng phát ở Vũ Hán và có chiều hướng lây lan mạnh với số người mắc, số người tử vong tăng lên từng ngày, và nhất là khi có lệnh phong tỏa thành phố, cũng là lúc những người Việt tìm kiếm những thông tin về những đồng bào của mình đang lao động, học tập và cả đi du lịch mắc kẹt lại.

Với những người Việt ở Vũ Hán, điều họ mong mỏi nhất chính là về nhà. Không chỉ đơn thuần là câu chuyện thoát khỏi tâm dịch, theo tâm lý chung của tất cả, những lúc xảy ra biến động, những khoảnh khắc vui buồn lớn là lúc mỗi người xa xứ đều hướng về quê hương, nơi có những người thân đang ngóng chờ mình.

Nhưng chính những người lo lắng, ngóng chờ nhiều nhất lại không phải là họ mà là những người thân của họ. Với những người ở Vũ Hán, họ là những người trong cuộc, họ có thể chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh để không bị lây nhiễm, ảnh hưởng. Nhưng những người ở quê nhà, dù thông qua những ứng dụng công nghệ để cập nhật thông tin, họ vẫn không thể nào nắm bắt được tất cả, và về tâm lý, họ vẫn căng thẳng mong chờ và nóng lòng lo cho sự an nguy của người thân.

Bên cạnh đó, những con số thống kê, dù chưa qua phân tích, vẫn cho thấy, tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân nhiễm virus Corona ở Vũ Hán cũng như  ở Trung Quốc cao hơn rất nhiều ở khu vực khác dù dịch bệnh đã lây sang nhiều chục nước khác và cả Việt Nam. Và ngay tại vùng đất này, cũng đã có những người nước ngoài thiệt mạng vì căn bệnh viêm phổi quái ác. Cũng chính vì thế, nhu cầu được về nước với những người đang ở lại nước bạn cấp bách hơn bao giờ hết.

Nhưng vấn đề đặt ra, để “giải cứu” những đồng bào của mình cũng đồng nghĩa sẽ có một số người phải lao vào tâm dịch, phải mạo hiểm đối mặt với thứ virus chết người. Rất nhiều người cần thoát khỏi vùng dịch, nhưng có những người vì nhiệm vụ và cả lòng quả cảm, cả tình người đã “ngược dòng” tìm đến tâm dịch.

Rõ ràng, với nhiều người, đây sẽ là một trong những chuyến bay nặng nề, mệt mỏi và căng thẳng và khó khăn nhất. Khó khăn càng tăng lên khi những người được "giải cứu" lần này có cả những thai phụ sắp sửa đến kỳ sinh. Chắc chắn, ở điều kiện bình thường, ưu tiên lớn nhất của thai phụ này là sự ổn định và cô sẽ không di chuyển. Điều đó cũng đặt thêm những thách thức khó khăn cho những người làm nhiệm vụ  “giải cứu”.

Nhưng ý thức được sự khó khăn của nhiệm vụ cùng với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, những người thực hiện chuyến bay đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không để xảy ra bất kỳ sơ suất nào. Có thể nói, để có được kết quả đó, những người thực hiện chuyến bay đã làm việc không chỉ bằng năng lực nghiệp vụ, sự nhiệt tình mà còn bằng cả những tình cảm của đồng bào dành cho nhau trong lúc khó khăn.

Lần đầu tiên đối mặt với một trường hợp chưa từng có tiền lệ, nhưng các cơ quan chức năng và những cán bộ trực tiếp tham gia chuyến "giải cứu" đã làm rất tốt công việc của mình. Vụ việc gợi nhớ lại những sự kiện trước đây như nỗ lực "giải cứu" lao động Việt Nam tại Libya năm 2011, hay việc gần đây là nỗ lực đưa những đồng bào không may thiệt mạng tại Anh về nước.

Dẫu biết rằng trong lúc khó khăn, không thể tránh khỏi không ít chuyện không vui, nhưng cũng có rất nhiều câu chuyện cho thấy vẫn còn đó nguyên vẹn những điều tốt đẹp và tử tế. Như câu ca dao xưa, rằng: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng, tình nghĩa đồng bào sẽ luôn là nguồn sức mạnh to lớn để chúng ta nắm chặt tay nhau, vượt qua  mọi khó khăn và thử thách, nhất định là như vậy!

Theo Quang Lê (chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

(GLO)- Chỉ sau hơn 2 tuần hoạt động, "Bếp ăn 0 đồng" bên hông Bệnh viện Nhi Gia Lai của đôi bạn thân Phạm Thị Diễm và Huỳnh Thị Trúc Lâm đã trở thành nơi sẻ chia yêu thương và mang lại những suất cơm miễn phí giúp ấm lòng những người bệnh và gia đình khó khăn.

Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo người dân huyện Phú Thiện tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện tiếp nhận 554 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 14-11, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Phú Thiện phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Quân y 211 tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2 năm 2024.

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

(GLO)- Ngày 28-10, Chương trình “Phòng Tin học cho em” do Trung tâm tình nguyện Quốc gia (trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) triển khai phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh tặng 1 “Phòng Tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh (xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Păh).