Tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong thực hiện bảo hiểm y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới diễn ra sáng 16-5. 

Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.D

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.D

Dự hội nghị tại điểm cầu chính Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh), Văn phòng UBND tỉnh, Thường trực Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, các Đảng ủy: Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị nêu: Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, người lao động, đơn vị sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia bảo BHYT đã có những chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT từng bước được nâng lên; tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 69,36% năm 2009 lên 91% năm 2023. Các cấp, ngành cùng chung tay trong việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp trong thực hiện công tác BHYT có nhiều chuyển biến tích cực.

Mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh được quan tâm phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Toàn tỉnh có 207/220 xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế. Nhân lực y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh. 93% xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc và 100% xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi công tác; 100% thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế. Tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế được nâng lên. Công tác khám, chữa bệnh BHYT có số lượt người, tần suất khám, chữa bệnh năm sau cao hơn năm trước.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh chưa thật sự bền vững; chất lượng khám, chữa bệnh có lúc, có nơi chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; tần suất khám, chữa bệnh thấp hơn trung bình cả nước; tình hình nợ đóng BHYT vẫn còn tồn tại,...

Dưới sự điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp, cách làm hiệu quả trong thực hiện chính sách BHYT; kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; vai trò cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHYT; công tác tham mưu triển khai chính sách BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số,...Đồng thời đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương một số nội dung: Khi ban hành các quyết định phê duyệt các chính sách phát triển kinh tế-xã hội mới, đặc biệt là chính sách BHYT tại các xã khu vực I, II, III và các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần có thời gian, lộ trình theo giai đoạn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, có cơ chế chính sách hỗ trợ riêng đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa về việc tham gia BHYT,...

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Thị Lan tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Thị Lan tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương đã đạt được trong tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 và Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Chương trình hành động số 63 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó xác định thực hiện tốt các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường chất lượng dịch vụ y tế, củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, đơn vị, địa phương tiếp tục tạo sự chuyển biến, thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc thực hiện BHYT. Các cấp ủy, đơn vị, địa phương, ban chỉ đạo các cấp phối hợp chặt chẽ với BHXH ở địa phương thực hiện chế độ, chính sách BHYT, quản lý tốt đối tượng tham gia BHYT từ cơ sở; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT theo nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời tập trung rà soát, nắm chắc các nhóm đối tượng chính sách, người có công, đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được ngân sách nhà nước cấp kinh phí mua BHYT; đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động để có kế hoạch phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra là đến cuối năm 2025, có 95% dân số tham gia BHYT, trong đó có 98% là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT.

Cùng với đó, tiếp tục cải cách, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện chế độ, chính sách BHYT; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT cho người tham gia. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là ở tuyến cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân có BHYT được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong công tác khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp và nhân dân để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng yếu thế, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 38, Chỉ thị số 13 và chính sách pháp luật về BHYT; ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, đảm bảo việc sử dụng Quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đi đôi với xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị vi phạm chính sách BHYT đối với người lao động để tạo tính răn đe.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: P.D

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: P.D

Đối với các kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Văn phòng Tỉnh ủy tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Trung ương tổng hợp. Đối với những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của tỉnh, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu, nghiên cứu chỉ đạo tháo gỡ và báo cáo, tham mưu đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Có thể bạn quan tâm